Thủ tướng: Sứ quán phải xem bà con như người nhà, nghiêm cấm sách nhiễu, tiêu cực

Mai Hà
từ Thổ Nhĩ Kỳ
30/11/2023 08:55 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ phải tạo mọi điều kiện thuận lợi về giấy tờ, thủ tục cho bà con, không để tình trạng "lúc bà con cần, lúc khó khăn lại không thấy sứ quán đâu".

Trong chương trình làm việc kín lịch trình tại Thổ Nhĩ Kỳ, chiều tối 29.11 theo giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân đã gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ và cộng đồng người Việt Nam ở nước này.

Thủ tướng: Dù đi đâu, chúng ta cũng ngẩng cao đầu, tự hào là người Việt Nam - Ảnh 1.

Thủ tướng và phu nhân gặp gỡ cộng đồng người Việt sinh sống tại Thổ Nhĩ Kỳ

NHẬT BẮC

Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải cho biết, cộng đồng người Việt sinh sống tại đây có khoảng 200 người. Bà con đều thực hiện tốt pháp luật và hòa nhập tốt với cộng đồng sở tại, luôn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau và hướng về quê hương, đất nước.

Một số doanh nghiệp do người Việt Nam làm chủ dù mới phát triển ở quy mô vừa và nhỏ nhưng đã từng bước thúc đẩy thương mại, giới thiệu hàng hóa, ẩm thực Việt Nam tới người dân sở tại.

Chia sẻ với Thủ tướng, anh Bùi Xuân Mai, sinh viên học tập tại Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết nhiều du học sinh đã ở lại lập gia đình, có con cái. Cộng đồng Việt Nam tại đây còn ít, gặp nhiều khó khăn bởi ngôn ngữ, tôn giáo có nhiều khác biệt, đôi khi dẫn đến hiểu nhầm, sự liên kết còn kém. 

Dù vậy, các thành viên trong cộng đồng luôn tích cực hỗ trợ người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2014, khi nội chiến Libya xảy ra, công nhân Việt Nam từ Libya sang Thổ Nhĩ Kỳ để về Việt Nam cũng được cộng đồng hỗ trợ về nước an toàn.

Anh Mai cũng mong muốn Thủ tướng đề nghị phía Thổ Nhĩ Kỳ đơn giản hóa thủ tục thị thực để người Việt Nam đi lại, du lịch. Tổ chức ngày lễ văn hóa Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ và ngược lại để hai nước tăng cường gắn kết, quảng bá thúc đẩy du lịch, thương mại.

Thủ tướng viếng lăng cố Tổng thống Mustafa - 'cha đẻ nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại'

Trao đổi với Thanh Niên, chị Nguyễn Minh Ngọc, sinh viên Đại học Istanbul Ticaret, cho biết mới sang Thổ Nhĩ Kỳ từ đầu năm nay. "Cộng đồng người Việt tại đây ít, sinh sống rải rác, lại có sự khác biệt về tôn giáo nên không dễ hòa nhập. Có nhiều người khó khăn. Rất mong có sự quan tâm sâu sát hơn tới bà con, nhất là phụ nữ lập gia đình tại Thổ Nhĩ Kỳ", chị Ngọc chia sẻ.

Chị Hồ Thị Tú Trinh, người Long An, đã sống tại Thổ Nhĩ Kỳ 7 năm và lấy chồng người Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết gặp khó khăn trong việc làm thủ tục giấy tờ. Không chỉ chị mà một số phụ nữ khác khi có vướng mắc về thủ tục, liên lạc với sứ quán nhưng chưa nhận được nhiều hỗ trợ. Cả chị Trinh và chị Ngọc đều kiến nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, trợ giúp bà con. 

Lắng nghe ý kiến của bà con, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, Việt Nam hiện nay có hơn 6 triệu kiều bào sinh sống ở các nước trên thế giới, "đây là niềm vui của đất nước chúng ta". 

Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định, bà con cô bác là bộ phận không thể thiếu, không tách rời khỏi dân tộc. Thủ tướng cũng bày tỏ chia sẻ với người dân sinh sống tại nước ngoài gặp nhiều khó khăn về vấn đề văn hóa, xa gia đình, thích ứng với điều kiện sống, các vấn đề thủ tục pháp lý. Nhất là trong đại dịch Covid-19, đa số các nước đều khó khăn, kiều bào cũng khó khăn, nhưng bà con vẫn quyên góp gửi về nước vắc xin, thuốc, trang thiết bị y tế. 

Đây cũng là tính ưu việt của người Việt chúng ta, khi sống xa Tổ quốc, dù khó khăn hay thuận lợi cũng đều nghĩ về quê hương đất nước. Quê hương mỗi người chỉ một, nếu ai không nhớ sẽ không lớn nổi thành người. Câu hát này đi vào trái tim, tâm khảm mỗi người Việt Nam", Thủ tướng nhấn mạnh. 

Thủ tướng: Dù đi đâu, chúng ta cũng ngẩng cao đầu, tự hào là người Việt Nam - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với bà con kiều bào

NHẬT BẮC

Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh "trông chờ cả vào các cơ quan đại diện Việt Nam ở đây, cụ thể là đại sứ, cơ quan đại sứ quán", đề nghị đại sứ quán, với tất cả thủ tục giấy tờ liên quan pháp lý, cố gắng làm sao đơn giản nhất cho bà con. 

Bà con tại Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống tại nhiều nơi khác nhau, nên Thủ tướng yêu cầu sứ quán cần cải tiến thuận lợi nhất. Đơn cử như vừa xảy ra động đất hồi tháng 2, phải có chỗ liên hệ nắm tình hình báo về cho bà con cô bác trong nhà. Lập cơ sở dữ liệu bà con sinh sống làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ. 

"Phải xem công việc của bà con như công việc của gia đình mình, trách sách nhiễu. Phiền hà, tiêu cực là phải nghiêm cấm. Bà con cô bác mình phải giám sát việc này, cái gì tiêu cực thì phải lên án, loại bỏ, báo cáo. Chứ lúc tối lửa tắt đèn, cần sứ quán mà chẳng thấy đâu thì rất nguy hiểm", Thủ tướng đề nghị.

Thủ tướng cũng thông báo với bà con một số điểm nổi bật của kinh tế xã hội trong nước. Theo Thủ tướng, "tất cả cung bậc đau khổ nhất trên thế giới này sau đại chiến thế giới 2 thì Việt Nam gánh hết", song đến giờ này, dân tộc Việt Nam vẫn đứng vững và đi lên từ bàn tay, khối óc, chân trời, cửa biển Việt Nam.

Việt Nam hiện có quan hệ với hơn 190 nước trên thế giới, ký 16 hiệp định thương mại FTA để xuất khẩu hàng hóa ưu đãi, bảo hộ đầu tư. Việt Nam cũng là hình mẫu hàn gắn, khôi phục lại vết thương chiến tranh, chúng ta không quên nhưng gác lại quá khứ, hướng tới tương lai.

"Vừa qua tôi dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại Mỹ, mới thấy giá trị dân tộc Việt Nam mang lại. Thế giới khâm phục vì những nước từng đụng độ đến giờ đều thiết lập quan hệ đối tác. Bây giờ đi đâu chúng ta cũng có quyền ngẩng đầu nói là người Việt Nam. Chúng ta tự hào là người Việt Nam", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh và cho rằng, bà con là người hiểu hơn ai hết điều này.

Thủ tướng cũng mong muốn bà con ổn định cuộc sống, đóng góp cho chính mình và gia đình mình, rồi đóng góp cho đất nước, quê hương mình. Về quan hệ Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ sau 45 năm đã đạt nhiều kết quả, nhưng tiềm năng, dư địa còn lớn. 

Thủ tướng cho biết đã đề xuất Thổ Nhĩ Kỳ nâng cấp và công nhận quy chế thị trường đầy đủ của Việt Nam, ký kết FTA để mở ra cơ hội làm ăn tốt hơn. "Quan hệ hai nước tốt thì điều kiện anh em ở đây sẽ tốt", Thủ tướng nói và cho biết đã đề nghị thay đổi chính sách visa giữa 2 nước để tạo thuận lợi cho bà con. 


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.