Ngày 13.4, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cùng con gái và Bộ trưởng Giao thông Vận tải đến dự lễ hội té nước Songkran ở công viên Phon King Phet (thành phố du lịch Hua Hin, tỉnh Prachuap Khiri Khan, Thái Lan) trên một chiếc xe bán tải.
Theo The Nation Thailand ngày 13.4, diện chiếc áo sơ mi đỏ họa tiết sặc sỡ, quần đùi và tay cầm một khẩu súng nước, ông Srettha đã nhiệt tình tham gia té nước cùng người dân và du khách.
Đồng thời, trong suốt lễ hội té nước Songkran, người dân và du khách đều tương tác với vị thủ tướng này như té nước, bôi bột, chụp ảnh.
Thái Lan thu được bao nhiêu tiền từ lễ hội té nước Songkran?
Trước khi hòa mình vào lễ hội cùng người dân, theo tờ Thai PBS World ngày 13.4, ông Srettha đã tắm nước lên tượng Phật Phra Phuttha Sihing như một cử chỉ cầu phúc truyền thống trong ngày đầu năm mới của Thái Lan và thực hiện nghi lễ "rod nam dum hua" để cầu phúc cho những người lớn tuổi tham gia sự kiện.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Srettha chúc người dân Thái Lan tận hưởng các hoạt động lễ hội một cách an toàn và giữ gìn sức khỏe tốt. Thái Lan thường cảnh báo an toàn trong dịp Songkran bởi nguy cơ xảy ra nạn trộm cắp, giẫm đạp và tai nạn giao thông gia tăng.
Lễ hội Songkran là một phần của văn hóa truyền thống Thái Lan. Người dân có phong tục té nước vào nhau như một nghi lễ để rửa sạch tội lỗi, xui xẻo, hy vọng may mắn và phước lành sẽ đến vào năm tới. Lễ hội đã bị cấm trong vài năm qua do các hạn chế của đại dịch Covid-19.
Trong năm nay, lần đầu tiên Songkran kỷ niệm cột mốc lễ hội được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 6.12.2023.
Bình luận (0)