Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước CHND Trung Hoa Lý Cường và nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức nước CHND Trung Hoa và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF từ ngày 25 - 28.6.
Thúc đẩy hợp tác cùng có lợi Việt Nam - Trung Quốc
Đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính, cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam đến Trung Quốc trong 7 năm qua, là sự tiếp nối các cuộc trao đổi, tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước thời gian qua.
Chuyến thăm lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, diễn ra trong bối cảnh tình hình quan hệ quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Đây cũng là cơ hội để lãnh đạo cấp cao hai nước đi sâu trao đổi các biện pháp nhằm triển khai toàn diện kết quả và nhận thức chung đạt được trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30.10 - 1.11.2022). Đồng thời là nỗ lực thúc đẩy các lĩnh vực và hợp tác cùng có lợi, kiểm soát tốt các bất đồng, góp phần đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất.
Quan hệ chính trị giữa Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua tiếp tục duy trì xu thế phát triển ổn định và đạt nhiều kết quả tích cực, nổi bật là chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ngoài ra, hai Tổng Bí thư hai Đảng cũng thường xuyên trao đổi thư, điện nhân dịp các sự kiện quan trọng của hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đã 2 lần điện đàm (ngày 13.1 và ngày 19.9.2022). Hai bên đã tổ chức thành công phiên họp song phương cũng như giao lưu, hợp tác trên các kênh Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các bộ, ban, ngành... Từ đầu năm đến nay, lãnh đạo cấp cao hai bên duy trì các hình thức trao đổi, tiếp xúc linh hoạt.
Về thương mại, năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 175,56 tỉ USD (tăng 5,47%); trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỉ USD (tăng 3,18%), nhập khẩu đạt 117,8 tỉ USD (tăng 6,63%). Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc). Trong 5 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 61,5 tỉ USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh, trong đó xuất khẩu gạo tăng tới 62,8%...
Về đầu tư, trong 5 tháng đầu năm nay, đầu tư của Trung Quốc đạt 1,08 tỉ USD với 156 dự án, là nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lớn thứ 3 tại Việt Nam (sau Singapore, Nhật Bản). Lũy kế đến ngày 20.5, Trung Quốc duy trì vị trí thứ 6/143 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với 3.720 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt gần 24,9 tỉ USD.
Về du lịch, Trung Quốc nhiều năm dẫn đầu về lượng du khách đến Việt Nam (năm 2019 đạt hơn 5,8 triệu lượt người, chiếm 1/3 tổng khách quốc tế đến Việt Nam). Trung Quốc là một trong những nước cung cấp vắc xin Covid-19 nhiều và nhanh nhất cho Việt Nam, với hơn 50 triệu liều vắc xin Sinopharm (trong đó 7,3 triệu liều viện trợ không hoàn lại và 45 triệu liều bán thương mại). Nước này cũng cam kết viện trợ cho Việt Nam 26,5 triệu nhân dân tệ để mua sắm vật tư y tế phòng, chống dịch (đã chuyển tới Việt Nam 5 triệu nhân dân tệ). Các địa phương Trung Quốc (Quảng Tây, Vân Nam, Quảng Đông...) cũng đã ủng hộ lượng lớn vật tư y tế cho các địa phương Việt Nam.
Nâng cao vai trò, tiếng nói của Việt Nam
Nhân chuyến thăm lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự WEF Thiên Tân do WEF phối hợp với Chính phủ Trung Quốc tổ chức. Đây là hội nghị có quy mô lớn thứ 2 sau WEF Davos (Thụy Sĩ).
Với vai trò là đối tác tin cậy, thành viên trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ tích cực đóng góp, phối hợp với các đối tác quốc tế giải quyết những vấn đề toàn cầu nhằm duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực và thế giới. Việt Nam cũng mong muốn quảng bá những thành tựu phát triển KT-XH, chuyển tải thông điệp lớn về mục tiêu, quan điểm, định hướng phát triển. Qua đó, nâng cao vai trò, tiếng nói của Việt Nam trong các vấn đề toàn cầu; tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - WEF ngày càng hiệu quả, thực chất. Đặc biệt, tăng cường hợp tác với các tập đoàn toàn cầu và khu vực, trong đó có các doanh nghiệp của Trung Quốc.
Tính từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã 4 lần tham dự hội nghị thường niên WEF Davos ở cấp Thủ tướng Chính phủ (năm 2007, 2010, 2017, 2019), đồng thời phối hợp tổ chức nhiều hội nghị quan trọng.
Theo TTXVN, ông Phạm Sao Mai, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, cho biết hội nghị WEF Thiên Tân năm nay tập trung thảo luận các lĩnh vực mới, trong đó đề cao vai trò của các nền kinh tế mới nổi, nhiều tiềm năng. Với chủ đề "Tinh thần kinh doanh: Động lực của kinh tế toàn cầu", hội nghị gồm hơn 100 phiên họp, tập trung vào 6 nội dung chính. Đây đều là các phiên thảo luận trọng tâm trong chương trình nghị sự của hội nghị, nhận được sự quan tâm của các nước, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế.
Trong khuôn khổ hội nghị, dự kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự và phát biểu, chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam tại phiên toàn thể "Đương đầu với các cơn gió ngược: Khởi động lại tăng trưởng trong bối cảnh mong manh" và phiên ăn trưa làm việc của các lãnh đạo về "Ngăn ngừa một thập kỷ mất mát". Thủ tướng cũng sẽ cùng lãnh đạo WEF đồng chủ trì Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam - WEF, tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc và có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các nước và các tập đoàn dự hội nghị.
Sự tham gia của đoàn Việt Nam cùng các nước, tổ chức và tập đoàn hàng đầu thế giới sẽ góp phần đề xuất các giải pháp ở các cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia và doanh nghiệp, nhấn mạnh vai trò của tư nhân và hợp tác công - tư, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như phát triển xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo…
Bình luận (0)