Chiều 14.6, phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao Công nghiệp 4.0, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chủ trương phát triển dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và các thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã được Đảng, Nhà nước khẳng định trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng và nêu rõ trong Nghị quyết 29 ngày 17.11.2022 của T.Ư Đảng khóa XIII (Nghị quyết 29).
Trong đó, xác định công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt, chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
"Không phải thích đâu làm đó, gặp cái gì làm cái đó"
"Chúng ta đưa ra công nghiệp hóa, hiện đại hóa lâu rồi, nhưng để có một nghị quyết của T.Ư Đảng thì lần này ta mới làm được. Nghị quyết 29 đã nói rõ tình hình, cái được và chưa được của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, dự báo tình hình, đưa ra nhiều giải pháp thực hiện. Đây là văn kiện quan trọng, có tính định hướng chiến lược để triển khai bài bản, lớp lang, không phải thích đâu làm đó, gặp cái gì làm cái đó", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong đó có chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đã tác động toàn diện, sâu sắc đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
"Chuyển đổi số hiện nay len lỏi vào tất cả khía cạnh của cuộc sống, ai không bắt kịp sẽ đi phía sau, bị lạc hậu và thậm chí bị đào thải", Thủ tướng nói.
Đối với Việt Nam, Thủ tướng cho biết, ý thức rõ về cơ hội và yêu cầu, Chính phủ đã chủ động thích ứng, đổi mới để phát triển. Trong đó, không ngừng nỗ lực để tiếp tục xây dựng một Chính phủ có đủ năng lực quản trị phát triển trong thời đại số, quá trình chuyển đổi số và tăng trưởng xanh.
Đồng thời, các cấp, các ngành và toàn xã hội đã có những thay đổi từ nhận thức đến hành động để tận dụng cơ hội và thích ứng với thách thức với kỷ nguyên số, tăng trưởng xanh.
"Cơ hội luôn đi kèm với thách thức, ta phải bản lĩnh, không lạc quan nhưng không quá bi quan với khó khăn, thách thức có thể đến bất cứ lúc nào. Tôi xác định lúc nào cũng có khó khăn cả, vấn đề có phát hiện kịp thời không. Điều này phụ thuộc vào các cấp, các ngành, nhất là cấp chiến lược. Ta phải suy nghĩ như vậy để không nóng vội, không cầu toàn trong hoạch định chính sách và thích ứng tình hình mới", Thủ tướng nhấn mạnh.
Cố gắng "đi sau nhưng về trước" để không bị bỏ lại phía sau
Ghi nhận các ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý trong và ngoài nước tại diễn đàn, Thủ tướng cho biết, triển khai Nghị quyết 29, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Chính phủ sẽ sớm ban hành chương trình hành động.
Trong đó, giai đoạn 2021 - 2030 tập trung chỉ đạo thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững…
Còn giai đoạn 2031 - 2045, tập trung nâng cao chất lượng công nghiệp hóa và đẩy mạnh hiện đại hóa toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, Chính phủ sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Ngoài ra, xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường. Cùng đó là phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Cho rằng, với xuất phát điểm chậm hơn nên hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn còn có khoảng cách so với một số nước trong khu vực và trên thế giới, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam phải cố gắng "đi sau nhưng phải về trước", bởi nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau, lạc hậu và khi khoảng cách càng xa thì càng khó bắt kịp.
"Ta cần thần tốc hơn nữa trong chuyển đổi số và tăng trưởng xanh", Thủ tướng nói, và cho biết, cần phải xác định như vậy để có động lực, quyết tâm để bắt kịp các nước phát triển trên thế giới.
Hoàn thiện thể chế, tạo đột phá hạ tầng chiến lược
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Đồng bộ hóa các quy định, quy chế, chính sách có liên quan; có cơ chế thí điểm, đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro nhằm tháo gỡ các nút thắt, rào cản, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…
Thủ tướng cho hay, tư tưởng chỉ đạo rất rõ, song vấn đề tổ chức thực hiện vẫn còn khoảng cách. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương phải nỗ lực hơn nữa.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tư duy, tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
"Phải có tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược. Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, còn sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", Thủ tướng nói
Thủ tướng cũng nhấn mạnh nhiệm vụ tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược tạo động lực cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cho biết hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược được Đại hội XIII xác định, Thủ tướng nhấn mạnh, công nghiệp hóa, hiện đại hóa chọn đột phá về hạ tầng là phù hợp. Trong đó, hạ tầng đóng vai trò chiến lược là hạ tầng viễn thông, hạ tầng giao thông và hạ tầng điện.
"Công nghiệp hóa, hiện đại hóa không thể thiếu giao thông, viễn thông và hạ tầng điện. Ta phải tìm mọi cách để phát triển, phải biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể chứ thấy khó khăn chùn bước thì không bao giờ thấy kết quả cả", Thủ tướng yêu cầu.
Bình luận (0)