Chiều 25.5, tại phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành nhiều thời gian nói về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Đánh giá "chương trình phục hồi chưa có tiền lệ", Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã đề xuất và Quốc hội họp bất thường để quyết định, tập trung cho 4 lĩnh vực: y tế cơ sở và y tế dự phòng, đầu tư phát triển hạ tầng, chi an sinh xã hội. Trong đó, an sinh xã hội đã chi hơn 100.000 tỉ đồng cho hơn 67 triệu lượt người.
Đặc biệt, việc đầu tư hạ tầng cao tốc, trong đó có một phần từ chương trình phục hồi. "Chưa có lúc nào cả đất nước như một công trường, toàn bộ các dự án trọng điểm đi qua 45 tỉnh, thành. Sau khi làm thủ tục mất 2 năm, bây giờ mới đưa vào làm. Chậm là đúng, nhưng phải đánh giá nguyên nhân, làm thủ tục, xây dựng dự án đâu thể nhanh, phải tính toán cả", Thủ tướng nêu.
Bên cạnh đó, việc chưa hiệu quả của chương trình cho y tế do những khó khăn nhất định. Dù theo người đứng đầu Chính phủ, "rất trăn trở, rất muốn làm, ví dụ muốn triển khai ngay 1 bệnh viện ở Tây nguyên nhưng mấy năm rồi vẫn chưa xong dự án, chưa tìm được đất".
Hỗ trợ doanh nghiệp có cái được, có cái chưa như gói 40.000 tỉ đồng. Ban đầu theo hướng "vay, trả", cho vay thì phải có khả năng trả, nhưng ta nâng lên một cấp là có khả năng phục hồi, tức là sang đầu tư phát triển, nên cần thời gian dài hơn 2 năm. Cách tiếp cận chưa đúng, chưa trúng với thực tiễn, nên chính sách này không ai dám vay.
"Doanh nghiệp vay có rất nhiều mục tiêu sau dịch, nhưng bắt đánh giá có khả năng phục hồi. Thôi an toàn là em không vay, rất cảm ơn các anh là em không vay. Bởi vay mà các anh đánh giá em không phục hồi được, anh lại xử lý em thì em cũng chết. Vậy thôi thà rằng em ngồi im", Thủ tướng Chính phủ dẫn chứng thực tế và cho biết khi đánh giá, chuyển trạng thái nhưng lại không chuyển cơ chế chính sách thì không làm được.
Theo Thủ tướng, trong 4 nội dung của chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội thì cơ bản làm tốt. Còn nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp thì có phần làm tốt, còn phần không làm tốt là 40.000 tỉ đồng này. Nếu Quốc hội đồng ý cho khoản tiền này chuyển sang ngân hàng chính sách là xong.
Bên cạnh đó, dù không sử dụng hết 40.000 tỉ đồng này nhưng nước ta đã giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) trong 2 năm đã lên đến gần 200.000 tỉ đồng thì đâu phải là không thành công. Do đó, phải nhìn vào bức tranh tổng thể để tự tin làm.
Ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu, song theo Thủ tướng, "đánh giá thì cũng phải bình tĩnh hơn, khách quan và nhìn vào giá trị tổng thể của chương trình. Qua đó mới thấy những quyết định của Quốc hội là đúng đắn, là kịp thời. Chúng ta đã làm tốt, bên cạnh đó có những cái chưa tốt theo quy luật vận động phát triển".
Nhấn mạnh đến "rút kinh nghiệm" để làm tốt hơn, là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Tất cả những mục tiêu lớn này nước ta đã làm được, còn một vài việc chúng ta rút kinh nghiệm, phải chỉ ra để khi có sự việc tương tự thì mạnh dạn, tự tin quyết định làm.
Đầu tư phải có thời gian, trong khi có một rừng thủ tục ràng buộc
Trước góp ý của của nhiều đại biểu Quốc hội về đầu tư, Thủ tướng cho rằng, đầu tư thì phải có thời gian, trong khi có một rừng thủ tục ràng buộc. "Đúng là hiện nay có một hiện tượng sợ trách nhiệm, né tránh đang nhiều là vì thể chế còn vướng mắc nhiều", Thủ tướng nói và cho rằng sắp tới phải tiếp tục tập trung tháo gỡ thể chế. Chính phủ và Quốc hội đang tập trung gỡ thể chế nhưng vẫn còn vướng mắc nhiều.
Về vấn đề đường cao tốc, Thủ tướng cho biết, trước đây làm chưa nhiều, vốn chưa thu xếp được. Nước ta đang làm cao tốc từ Cao Bằng đến mũi Cà Mau, các đường xương cá từ Hà Nội đi Lào Cai, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình... Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng, tháo gỡ khó khăn dần và phải có cơ chế chính sách đặc thù liên quan đến giải phóng mặt bằng.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh đến vấn đề con người và tổ chức thực hiện. Trong đó nếu chỉ thay thế một vài người trong bộ máy lãnh đạo của một đơn vị thì sẽ thay đổi hẳn theo hướng tích cực. "Thay vì phải làm rất nhiều việc thì chỉ cần làm một việc là thay người, thay một vài người như đường sắt, PVN hay EVN", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ mong Quốc hội ủng hộ việc thực hiện cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. Đây là con đường rất chiến lược, đã nghiên cứu phải làm sao tiến đến Tây nguyên cho nhanh nhất. Về tổng thể là cần sửa luật Đấu thầu, nếu đấu thầu mà cứ quân xanh, quân đỏ thì cuối cùng hợp thức hóa sai phạm và lại phải chống tiêu cực.
Bình luận (0)