Bỏ qua mọi e ngại ban đầu, bỏ qua những nghi thức xã giao, cuộc gặp gỡ kiều bào New Zealand của Thủ tướng Phạm Minh Chính tối 10.3 (giờ địa phương) tại thủ đô Wellington tràn đầy tình cảm và sự chân thành.
Cuộc gặp gỡ với bà con kiều bào bị trễ hơn 1 tiếng so với kế hoạch, do chuyến bay của Thủ tướng từ Auckland đến Wellington phải rời giờ, nhằm kéo dài cuộc làm việc của ông với các chuyên gia, nhà khoa học ngành công nghệ trước đó tại Auckland. Nhưng ai nấy đều rất vui khi Thủ tướng và phu nhân xuất hiện.
Do thời gian có hạn, Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand chỉ định dừng ở 4 ý kiến kiều bào, nhưng Thủ tướng lại muốn nghe nhiều hơn thế. Thủ tướng cởi mở: "Bà con có ý kiến, thắc mắc, tâm tư gì cứ nói hết. Tôi đến đây để nghe bà con nói, đừng sợ hết giờ". Sau câu nói đó của Thủ tướng, không khí cuộc gặp mới thực sự bừng tỉnh. Và để đáp lại, Thủ tướng cũng trả lời cặn kẽ, không né tránh bất kỳ câu hỏi nào.
Từ cô giáo nghỉ hưu Nguyễn Tường Lan, sang New Zealand định cư theo con, đề đạt với Thủ tướng muốn dạy tiếng Việt, dạy văn hóa Việt cho các trẻ em gia đình Việt sinh ra ở New Zealand, đến em sinh viên Nguyễn Minh Khôi vừa chân ướt chân ráo sang New Zealand thấy "sữa New Zealand thực sự quá ngon, cháu muốn Thủ tướng thúc đẩy chuyển giao công nghệ sữa giữa hai nước".
New Zealand nồng ấm đón Thủ tướng Phạm Minh Chính
Từ nữ doanh nhân Huỳnh Diễm Thúy, có 20 năm làm việc tại New Zealand hiến kế để trái cây Việt Nam có mặt nhiều hơn ở New Zealand đến kiều bào Nguyễn Trung Khoa "mạnh dạn" xin Thủ tướng ủng hộ để làm thủ tục cho con trai về Việt Nam tham gia đội tuyển quốc gia vì "cháu vừa được HLV Philippe Trousier gọi tham gia đội tuyển".
Chị Nguyễn Thị Thu Hương định cư ở New Zealand đã 20 năm, kinh doanh ngành làm đẹp chia sẻ với Thủ tướng về mong muốn lập một fanpage để giúp đỡ người Việt mới sang New Zealand tìm việc. Chị Hương chỉ ra một thực tế rằng, người Việt nói chung, người Việt sang New Zealand nói riêng, có bằng cấp rất chuẩn, giỏi chuyên môn nhưng ra nước ngoài rất khó tìm được việc làm do việc đào tạo trong nước còn nặng về bằng cấp mà không chú ý kỹ năng mềm.
"Đào tạo phải theo chuẩn nước ngoài, chứ đừng cứ theo thang bậc như của mình hiện nay", chị Hương nói.
Bày tỏ sự đồng tình, Thủ tướng nói ngay: "Anh Sơn (Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn - PV) chú ý cái này, đào tạo phải dạy cái người ta cần chứ đừng dạy cái trường có, chương trình phải hội nhập chứ đừng chỉ chú trọng bằng cấp thì cao mà kỹ năng thì thiếu".
Sau khi chia sẻ với Thủ tướng về mong muốn thành lập hội phụ nữ Việt Nam tại New Zealand để cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau nơi đất khách quê người, chị Nguyễn Thị Minh, đã định cư ở New Zealand gần 20 năm và giờ đã có "của ăn của để" bất ngờ hỏi: "Sự gần gũi, mộc mạc của Thủ tướng đã truyền cảm hứng cho cháu, nên cháu mạnh dạn hỏi một câu, ở vị trí như ngày hôm nay, Thủ tướng đã trải qua những khó khăn như thế nào?".
Thủ tướng có vẻ hơi ngỡ ngàng trước câu hỏi này, rồi ông nói: "Tôi sinh ra ở miền biển, lớn lên ở miền núi trong một gia đình nghèo, đông con (giọng ông thoáng nghẹn lại - PV), nên luôn có ý thức mình phải cố gắng nhiều hơn. Tôi có nguyên tắc cơ bản là: được giao việc là làm, không từ chối, không phàn nàn; thấy gì tốt cho cái chung thì cố gắng làm, làm một cách tốt nhất".
Theo Thủ tướng, để thành công thì ngoài nỗ lực của bản thân, sự giúp đỡ, hỗ trợ của bạn bè, anh em, đồng chí rất quan trọng. "Không có Đảng, Nhà nước, Nhân dân thì làm sao một học sinh nghèo như tôi được đi đào tạo ở nước ngoài", lần thứ hai giọng Thủ tướng chùng xuống.
"Trên cương vị Thủ tướng, tôi cũng luôn tâm niệm phải cố gắng, trước đây cố gắng một thì giờ phải cố gắng mười để cùng Tổng Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí trong Chính phủ làm việc một cách tốt nhất, phát huy đại đoàn kết dân tộc, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức".
Bày tỏ sự xúc động trước chia sẻ chân tình của Thủ tướng, chị Nguyễn Thị Minh nói, thái độ sống và làm việc nghĩ đến mọi người trước nghĩ đến mình sau của Thủ tướng đã truyền cảm hứng cho chị.
"Chúng ta không lựa chọn được nơi mình sinh ra, không lựa chọn cha mẹ của mình, nhưng chúng ta có thể lựa chọn được thái độ sống", chị Minh bày tỏ.
Bình luận (0)