Thủ tướng: 'Trân trọng đóng góp của doanh nghiệp, thấy trách nhiệm của mình nhiều hơn'

12/10/2021 19:04 GMT+7

Thủ tướng bày tỏ, càng trân trọng những đóng góp của doanh nghiệp bao nhiêu thì càng thấy trách nhiệm của mình, và cho rằng có những việc đã làm được nhưng có việc chưa làm được do nguyên nhân chủ quan, khách quan.

Phát biểu kết luận tại cuộc gặp gỡ các doanh nhân tiêu biểu hôm nay (12.10) nhân kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam 13.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ cảm ơn, tri ân đội ngũ doanh nhân luôn đồng hành cùng đất nước, với những nỗ lực, đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, góp phần thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường và thịnh vượng. Đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp tích cực, kịp thời, hiệu quả, cùng cả nước kiềm chế, kiểm soát được đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 hết sức nguy hiểm.

Thủ tướng chia sẻ khó khăn đồng thời cám ơn cộng đồng doanh nghiệp đã chung sức, đồng lòng

Nhật bắc

“Chúng tôi cũng rất cảm ơn sự động viên, tin tưởng của doanh nghiệp, doanh nhân với Đảng, Nhà nước, Chính phủ và trước điều này, chúng tôi càng thấy trách nhiệm, nghĩa vụ của mình nhiều hơn với đất nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp”, Thủ tướng chia sẻ.

Theo Thủ tướng, trong sản xuất, kinh doanh thì doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và mọi chính sách hướng tới doanh nghiệp.

Người đứng đầu Chính phủ cho hay, thời gian qua có những việc đã làm được, có những việc chưa làm được do nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là phần nhiều.

“Chính phủ nhìn nhận điều này một cách khách quan và thẳng thắn, tìm giải pháp khắc phục những hạn chế, cố gắng làm tốt hơn vì quốc gia, dân tộc, nhân dân, trong đó có doanh nghiệp. Chúng tôi rất thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của người dân và doanh nghiệp, càng trân trọng những đóng góp của người dân và doanh nghiệp bao nhiêu thì càng thấy trách nhiệm của mình”, Thủ tướng bày tỏ, đồng thời kêu gọi sự đồng lòng, chung sức, quyết tâm, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc để vượt qua khó khăn, thách thức, lấy đó làm động lực phấn đấu, vươn lên, mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn.

Phấn đấu bao phủ vắc xin cho các đối tượng ưu tiên trong quý 4/2021

Theo Thủ tướng, điều quan trọng trong thời gian tới là kiểm soát được dịch bệnh để phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; các bộ, ngành đang cụ thể hóa Nghị quyết này nhằm thực hiện lộ trình từng bước mở cửa an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh đồng thời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ sớm hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung hỗ trợ khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc lại thời gian qua ông đã có nhiều cuộc làm việc, trao đổi với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và ghi nhận mong muốn lớn nhất của nhiều doanh nghiệp là tiêm vắc xin cho người lao động.

“Với nỗ lực rất lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chúng ta đã đạt nhiều kết quả tích cực trong thực hiện chiến lược vắc xin và đang phấn đấu đạt mục tiêu bao phủ vắc xin chậm nhất trong quý 4/2021 với các đối tượng ưu tiên, trước hết là tiêm 2 mũi, trong đó ưu tiên người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, các lực lượng tuyến đầu, người lao động trong các doanh nghiệp. Chúng ta cũng đang nghiên cứu tiêm vắc xin cho trẻ em để mở cửa trường học an toàn”, Thủ tướng cho biết.

Ông cũng đề nghị người dân và doanh nghiệp chia sẻ với các địa phương trong việc triển khai các giải pháp, “cũng muốn bảo vệ sức khỏe nhân dân nhưng làm thiếu thống nhất, gây ách tắc, gây bức xúc cho người dân”. Tuy nhiên, Thủ tướng nhắc nhở quá trình mở cửa trở lại, phục hồi và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phải bảo đảm lộ trình an toàn, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, có bước đi thận trọng, càng khó khăn, phức tạp càng phải tỉnh táo, cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng.

Cùng với đó, chính quyền sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, đất đai, hạ tầng, nhân lực, tiết giảm chi phí cho sản xuất kinh doanh. Tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, tăng cường nguồn lực và khả năng hoạt động, năng lực ứng phó của các cấp, nhất là hệ thống y tế các cấp. Nghiên cứu thử nghiệm một số chính sách về du lịch, thương mại và dịch vụ, từng bước mở cửa du lịch an toàn. Nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các nước tiên tiến, áp dụng hộ chiếu vắc xin để đón chuyên gia và du khách, bảo đảm an toàn.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách kích cầu tiêu dùng, đầu tư, hỗ trợ cả phía cầu và phía cung. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, lãi suất, phối hợp đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả giữa các chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ để giữ vững, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, vừa hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, vừa phục vụ phòng, chống dịch.

“Đây là bài toán khó đòi hỏi chúng ta phải thận trọng, tỉnh táo nhưng không vì thế mà chậm trễ, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội”, Thủ tướng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.