Thủ tướng: Tránh tình trạng 'tăng trưởng trước, dọn dẹp sau'

19/03/2023 17:16 GMT+7

Cho biết Chính phủ quyết tâm giảm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, song Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định quan điểm không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá, tránh tình trạng "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau".

Sáng 19.3, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF 2023) do Bộ KH-ĐT, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Nhóm WB và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) phối hợp tổ chức.

Thủ tướng: Tránh tình trạng 'tăng trưởng trước, dọn dẹp sau' - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF 2023) sáng 19.3

NHẬT BẮC

Đánh giá cao chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh", theo Thủ tướng, qua nhiều kỳ diễn đàn ông luôn cảm nhận được ngọn lửa nhiệt huyết của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. 

Thủ tướng cũng nhắc lại Việt Nam đang tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực. Tăng trưởng xanh cũng là chủ trương lớn đã được Việt Nam xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030.

Giá điện phải phù hợp thu nhập người dân

Tại diễn đàn, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp bày tỏ quan tâm tới đầu tư điện gió, điện mặt trời, năng lượng tái tạo. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An, bộ này đang hoàn thiện Quy hoạch điện 8, với mục tiêu chính là đảm bảo an ninh năng lượng, chuyển đổi năng lượng, bảo đảm tiếp cận năng lượng của nền kinh tế và người dân với một chi phí hợp lý.

Liên quan tới vấn đề giá điện, trao đổi với các nhà đầu tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh không thể giá điện 4 - 5 cent/kWh mà mua điện mặt trời giá hơn 8 - 9 cent/kWh, cần tìm sự hài hòa về giá cả.

Thủ tướng cũng cho biết Việt Nam có tiềm năng lớn và cần phát triển ngành công nghiệp trong lĩnh vực này. Nhiều dự án điện gió, điện mặt trời vừa qua đã được triển khai có hiệu quả nhưng có dấu hiệu phát triển nóng, có những dự án không đúng với quy hoạch, quy định hiện hành, giá cả không phù hợp.

Các bên phải ngồi lại, đàm phán lại về giá điện trên tinh thần không để ai thiệt thòi, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", bảo đảm giá điện phù hợp với điều kiện nền kinh tế và thu nhập của người dân. Mặt khác, Thủ tướng cho biết Việt Nam đã thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp và sẽ khuyến khích cơ chế này trong thời gian tới. 

Theo Thủ tướng, vừa qua có một số chính sách thí điểm, có cái phù hợp cái chưa phù hợp, chúng ta cần tiếp tục ngồi với nhau để có cách giải quyết phù hợp với điều kiện của mỗi bên.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh với các nhà đầu tư rằng kinh doanh thì có lúc lãi, lúc lỗ, quan trọng nhất là tính toán lâu dài để có lãi. "Chúng tôi không muốn ai đến đây đầu tư kinh doanh mà lỗ cả, phải có lãi, lãi càng cao, càng nhiều, càng tốt", Thủ tướng nói.

Cụ thể về chính sách của Việt Nam về năng lượng điện, theo Thủ tướng, việc lập quy hoạch điện 8 có khó khăn do sự khác nhau giữa xu thế phát triển nhiệt điện. Trong đó, quy hoạch điện 7 có khoảng 6.000 - 8.000 MW cam kết là điện than. "Bây giờ các nhà đầu tư phải chia sẻ, cùng chúng tôi cắt điện than và đừng kiện cáo nữa. Chúng ta cùng nhau cắt điện than, cùng nhau chuyển đổi từ đầu tư điện than sang đầu tư điện gió, điện mặt trời", Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng: Tránh tình trạng 'tăng trưởng trước, dọn dẹp sau' - Ảnh 2.

Thủ tướng kêu gọi các dự án đầu tư năng lượng vào Việt Nam phải phù hợp với giá điện, thu nhập của người Việt Nam

NHẬT BẮC

Với đầu tư điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam thời gian tới, vấn đề giá phải phù hợp, do GDP bình quân đầu người của Việt Nam có hơn 4.000 USD/năm, không thể sánh với các quốc gia đang phát triển có thu nhập 50.000 - 60.000 USD/năm.

"Tôi kêu gọi các quốc gia phát triển giúp đỡ Việt Nam để bảo đảm công bằng, công lý trong chuyển đổi năng lượng. Ví dụ như các dự án đầu tư vào Việt Nam lãi suất phải giảm đi, thời hạn cho vay phải dài hơn thì mới phù hợp với giá điện, thu nhập của người Việt Nam", Thủ tướng nêu.

Tiếp tục giải quyết visa, giấy phép lao động

Thủ tướng đánh giá cao các ý kiến tại diễn đàn, yêu cầu Bộ KH-ĐT tổng hợp báo cáo để Chính phủ có chỉ đạo tới các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn.

Về một số vấn đề quan tâm, kiến nghị cụ thể của nhà đầu tư, Thủ tướng cho biết các cơ quan sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề liên quan visa thị thực, giấy phép lao động theo hướng thuận lợi nhất. Các cơ quan cũng đang đề xuất  sửa đổi, bổ sung luật Đất đai, luật Nhà ở, luật Đấu thầu… và các quy định liên quan. 

Về thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ đang bám sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm các nước để sớm có chính sách phù hợp, phấn đấu ban hành ngay trong năm nay, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động thuận lợi, đóng góp nhiều hơn cho Việt Nam nhưng không ảnh hưởng tới lợi ích của nhà đầu tư.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.