Thủ tướng: 'Việt Nam đang là tâm điểm của các dòng chảy thương mại toàn cầu'

01/07/2019 10:56 GMT+7

Theo Thủ tướng, với vị trí địa chính trị, kinh tế, Việt Nam đang là tâm điểm của các dòng chảy thương mại toàn cầu , là công xưởng thế giới , song còn nhiều lĩnh vực tiềm năng mà các nhà đầu tư Nhật Bản chậm chân.

Sáng 1.7, trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản với hội trường hơn 1.100 chỗ ngồi không còn một chỗ trống.
Điểm lại những nét tích cực của kinh tế Việt Nam, Thủ tướng cho hay, Việt Nam có vị trí địa kinh tế, thương mại cực kỳ quan trọng khu vực và thế giới. Quy mô nền kinh tế trên 245 tỉ USD và sẽ tăng 10 lần đến năm 2045; danh mục đầu tư trên 35 tỉ USD.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh hiện độ mở thương mại kinh tế của Việt Nam đang ở hàng đầu thế giới, trên 200% GDP, đã thu hút trên 350 tỉ USD và có 28.000 dự án đang hoạt động, với số vốn giải ngân trên 200 tỉ USD. Riêng năm 2018 đã thu hút 35 tỉ USD, trong đó có sự hiện diện của rất nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới lẫn Nhật Bản như GE, LG, Samsung, Toyota...
“500 năm trước, các thương nhân Nhật Bản đã đến Hội An làm ăn, và hiện nay, nhiều tập đoàn lớn của Nhật đang làm ăn thành công ở đất nước chúng tôi. Ngược lại, chúng tôi cũng đang có rất nhiều tập đoàn lớn hiện diện, làm ăn với Nhật Bản ở đây”, Thủ tướng nói.
VINACONEX và UT Group ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh trong việc cung cấp dịch vụ lao động chất lượng cao cho các công ty Nhật Bản

Ảnh Chí Hiếu

Theo Thủ tướng, điều quan trọng là Việt Nam luôn nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư, luật pháp theo tiêu chuẩn quốc tế, mà hiện đã ngang bằng ASEAN 4 và phấn đấu tiệm cận OECD trong thời gian ngắn sắp tới.
“Ngay trước khi vào đây, chúng tôi đã tiếp 20 doanh nghiệp hàng đầu của Nhật, để lắng nghe các vướng mắc, khó khăn của họ và sau đây cùng với các bộ, ngành, địa phương sẽ tìm cách giải quyết”, Thủ tướng thông tin, đồng thời nhấn mạnh với các thay đổi thời gian qua, Việt Nam đang trở thành công xưởng của thế giới, là tâm điểm của các dòng chảy thương mại toàn cầu, nên đây là thời cơ tốt cho các doanh nghiệp tiếp tục làm ăn, thành công ở Việt Nam.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra rằng, hiện có nhiều lĩnh vực mới Việt Nam rất có tiềm năng nhưng các doanh nghiệp Nhật dường như đang chậm chân. Đó là du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng, năng lượng sạch. "Chưa kể, nhiều người hỏi tôi sao cao tốc Bắc - Nam ít nhà đầu tư Nhật quan tâm. Hay thị trướng bán lẻ với quy mô dân số 100 triệu dân, được đánh giá là thị trường hấp dẫn nhất Đông Nam Á, rồi kinh tế internet đang bùng nổ. Tôi mong các bạn sẽ quan tâm các lĩnh vực này”, Thủ tướng ví dụ.
Tại diễn đàn, Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký hàng loạt văn kiện hợp tác quan trọng giữa hai bên, trong đó đáng chú ý là nhiều bản hợp đồng tỉ đô và hàng chục hợp tác triệu đô của các doanh tư nhân lẫn nhà nước với đối tác Nhật, như Tổng Công ty Xi măng, Tập đoàn Xăng dầu, Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VINACONEX), Tập đoàn FLC, Tập đoàn BRG,… với các tập đoàn lớn của Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực, từ hàng không, xây dựng, đào tạo nhân lực...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch ADB thảo luận về tương lai hợp tác

Theo tin từ Ngân hàng Phát triển châu Á, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp ông Takehiko Nakao, Chủ tịch ngân hàng này, để bàn về sự tham gia tiếp tục của ADB tại Việt Nam.
Tại cuộc gặp, ông Naoko nhận định: “Việt Nam tiếp tục chứng tỏ tiềm năng mạnh mẽ trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, trong bối cảnh quản lý tài khóa thận trọng, lạm phát ổn định, cán cân tài khoản vãng lai lành mạnh, và dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ. Việt Nam cũng đang khẳng định vị trí của mình một cách hiệu quả trong các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu đang thay đổi”.
Ông Nakao ca ngợi những cải cách mà Chính phủ Việt Nam đã thực hiện, gồm cả việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp như một phần then chốt trong hoạt động cải cách doanh nghiệp nhà nước của chính phủ.
Hiện ADB nằm trong số các đối tác phát triển lớn nhất hỗ trợ Việt Nam, hoạt động thông qua các khoản vay dự án trong lĩnh vực giao thông, cấp nước và vệ sinh, năng lượng, nông nghiệp và giáo dục.
ADB cũng cung cấp các khoản vay chính sách để thúc đẩy những cải cách về chi tiêu công, tài chính và y tế. Các khoản cho vay do chính phủ bảo lãnh của ADB trong năm 2018 là 689 triệu USD với các điều kiện ưu đãi. Bên cạnh đó, ADB đã cam kết 300 triệu USD vốn vay không do chính phủ bảo lãnh để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và dự án chuyển đổi rác thải đô thị thành năng lượng.
“Trong những năm tới, ADB sẵn sàng tiếp tục cung cấp hỗ trợ mạnh mẽ cho Việt Nam trong các lĩnh vực như hệ thống vận tải hành khách công cộng đô thị, hiện đại hóa đường cao tốc, cấp nước và vệ sinh, và cơ sở hạ tầng đô thị và nông thôn thích ứng khí hậu. Chúng tôi cũng sẽ mở rộng phạm vi hỗ trợ để thúc đẩy các quan hệ đối tác công - tư và tiếp tục các khoản vay không cần chính phủ bảo lãnh”, ông Nakao nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự hỗ trợ của ADB. Theo Thủ tướng, Việt Nam sẽ cần sự hỗ trợ tiếp tục cho phát triển cơ sở hạ tầng cũng như các giải pháp tài chính sáng tạo nhằm thu hút đầu tư lớn hơn từ khu vực tư nhân.
Vũ Hân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.