Chiều qua (1.11), ngay trước khi bước vào hội nghị thượng đỉnh biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc tiếp xúc với một số nhà đầu tư năng lượng sạch đang quan tâm đến thị trường Việt Nam như Tập đoàn Orsted, Hội đồng Điện gió toàn cầu (GWEC).
Thủ tướng khẳng định, việc tham dự Hội nghị COP26 một lần nữa thể cam kết của Việt Nam giảm phát thải khí carbon đạt mức bằng 0 vào năm 2050; đồng thời kêu gọi công bằng, công lý cho vấn đề biến đổi khí hậu.
Thủ tướng tiếp các nhà đầu tư điện gió |
Chí hiếu |
Lùi lại quá khứ, Thủ tướng cho hay, trước đây, khi công nghệ năng lượng sạch chưa phát triển, Việt Nam phải xây dựng các dự án điện than để thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh một nước đang phát triển.
Dù vậy, cùng sự phát triển của công nghệ mới, Việt Nam cũng đang trong quá trình chuyển đổi nguồn năng lượng. “Là một trong những quốc gia bị tác động nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam luôn nỗ lực cố gắng làm hết sức mình để phát triển xanh, ứng phó biến đổi khí hậu một cách bền vững và ổn định lâu dài. Dù vậy, trong quá trình chuyển đổi này, chúng tôi cần các nước phát triển chia sẻ với những khó khăn khách quan mà Việt Nam gặp phải, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị quốc gia về phát triển bền vững, ưu đãi về tài chính xanh, hỗ trợ về công nghệ xanh”, ông nói.
Việt Nam đang hấp dẫn các nhà đầu tư năng lượng sạch
Trong khi đó, đại diện GWEC và Chủ tịch tập đoàn kiêm giám đốc điều hành Orsted cho biết, các doanh nghiệp này đã nghiên cứu kỹ và khẳng định Việt Nam có tiềm năng rất lớn, lợi thế cạnh tranh cao cho phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió.
Thời gian qua, với các cơ chế, môi trường đầu tư thông thoáng, nguồn nhân lực có chất lượng, năng động, hệ thống logistics trên đà phát triển... nên Việt Nam đang thành điểm đến của nhiều tập đoàn năng lượng mới, với hàng tỉ USD đã được rót vào nhằm xây dựng các dự án điện gió tại Việt Nam.
Dù vậy, các tập đoàn cũng mong muốn Chính phủ mở rộng kêu gọi đầu tư sang một số lĩnh vực liên quan như phát triển mạng lưới truyền tải điện, phân phối điện…
Đáp lại, Thủ tướng cũng lưu ý các nhà đầu tư nghiên cứu, phân bổ đầu tư hợp lý ở các khu vực của Việt Nam, phù hợp với yêu cầu và phát huy hiệu quả đầu tư; bám sát các đầu bài quy hoạch của Việt Nam trong vấn đề này như hạn chế việc xây dựng hệ thống truyền tải điện liên vùng để tránh lãng phí. Chính phủ ưu tiên phân phối điện phù hợp, hiệu quả theo vùng miền, đáp ứng yêu cầu phát triển cân bằng của các địa phương, với giá điện hợp lý, trên tinh thần đảm bảo lợi ích của các bên.
Thủ tướng chứng kiến việc Tập đoàn T&T ký các thoả thuận, trong đó có huy động vốn cho các dự án năng lượng xanh |
Chí hiếu |
Trước đó vài giờ, tại đối thoại với khu vực doanh nghiệp tư nhân do Thủ tướng chủ trì, các tập đoàn lớn của châu Âu cũng đặt ra nhiêu câu hỏi về các chính sách khuyến khích đầu tư vào hệ thống truyền tải điện với Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên.
Ông Diên thừa nhận, nhu cầu vốn sắp tới cho ngành điện là rất lớn, do đó rất cần những định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn nước ngoài cùng hợp tác để giải bài toán này. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẵn sàng được lắng nghe các tư vấn chính sách, trao đổi kinh nghiệm để có những quyết sách hợp lý nhằm tận dụng được nguồn tài nguyên cho phát triển năng lượng, nhất là các năng lượng sạch, mới.
Bình luận (0)