Tối 1.12 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân đã gặp gỡ gần 100 kiều bào tại UAE.
Cộng đồng người Việt có khoảng 5.000 người sinh sống tại 7 tiểu vương quốc thuộc UAE, nhiều nhất là tại Dubai. Ngày càng có nhiều nhà hàng của người Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại UAE cũng nhiều hơn.
Cảm ơn Thủ tướng dù lịch trình dày đặc vẫn dành thời gian cho kiều bào, ông Huỳnh Bảo Khương, Trưởng ban liên lạc cộng đồng người Việt tại UAE, chia sẻ cộng đồng người Việt tại UAE rất trân trọng tình cảm này.
So với các nước, cộng đồng người Việt tại UAE chỉ chiếm số lượng nhỏ. Nhiều bà con khi qua đây làm việc, sinh sống cũng gặp nhiều khó khăn liên quan rào cản ngôn ngữ, tập tục sinh hoạt, luật pháp, điều kiện địa lý. Song với bản chất cần cù, sáng tạo vượt khó của người Việt Nam, bà con cố gắng nỗ lực phát triển, từng bước có những thành quả nhất định.
Cước vận chuyển từ Việt Nam cao gấp đôi Thái Lan
Ông Khương cũng cho biết, bà con phản ánh, gần đây có tình trạng một vài giao dịch bất động sản tại Việt Nam, chuyển nhượng giấy tờ rất tốn thời gian. Như đại dịch Covid-19 không về nước được, làm giấy ủy quyền thì bị đánh thuế 2 lần. Bà con cũng đề xuất Thủ tướng và các bộ, ngành quan tâm tới thủ tục hành chính cũng như vấn đề căn cước với bà con kiều bào.
“Trong giao thương của Việt Nam với UAE nói riêng và nước khác, chi phí logistics rất cao liên quan đến kiểm dịch, chi phí vận chuyển… Cước vận chuyển Việt Nam qua đường hàng không tới UAE gấp đôi từ Thái Lan qua đây, nên hàng hóa của người Việt Nam không có tính cạnh tranh với các nước tương đồng, khó khăn cho bà con”, ông Khương nêu.
Ông Nguyễn Đức Hoàng, một doanh nhân Việt Nam tại Dubai, chia sẻ Dubai và UAE là trung tâm tài chính của cả vùng Vịnh và thế giới, kết nối 3 thị trường lớn là châu Âu, châu Á và Bắc Phi. Đây là lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam làm ăn tại đây.
Thuận lợi khác là nhân công phổ thông giá rẻ, chính sách của UAE cũng rất rõ ràng, công khai, minh bạch. Đặc biệt, đất nước này đang miễn thuế thu nhập cá nhân và có chính sách thuế doanh nghiệp thuận lợi.
Song theo anh Hoàng, các doanh nghiệp Việt Nam tại UAE còn nhiều khó khăn. Trong đó, chi phí vận chuyển rất cao là một rào cản làm giảm tính cạnh tranh so với hàng Trung Quốc, Thái Lan…
Bên cạnh đó, mặt hàng Việt Nam vào Dubai và vùng Vịnh nhiều, nhưng nông sản chưa được bảo hộ, chỉ dẫn địa lý nên bị làm nhái rất nhiều. Nhiều hàng hóa nông sản Việt Nam nhưng nhập qua UAE lại thành hàng hóa Thái Lan. “Đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ giảm chi phí vận chuyển, có chỉ dẫn địa lý hàng hóa rõ ràng và nới lỏng chính sách visa”, ông Hoàng kiến nghị.
Lắng nghe ý kiến của bà con kiều bào, Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời từng kiến nghị, đề xuất cụ thể. Theo người đứng đầu Chính phủ, sứ quán phải nắm bắt nhu cầu của bà con sinh sống làm ăn ở đây, vướng gì thì tháo gỡ. Bà con phải đoàn kết với nhau.
Về thẻ căn cước, hiện Quốc hội mới thông qua luật Căn cước, tạo điều kiện cho bà con ra nước ngoài mà giấy tờ thất lạc thì có hướng dẫn làm giấy tờ có căn cước. Kể cả người nước ngoài vào Việt Nam, nếu bị mất giấy tờ hoặc thất lạc thì phải cấp căn cước cho họ.
Thủ tướng cũng nêu chính sách về đất đai đang phải bàn nhiều, Nhà nước cố gắng chọn phương án nào có lợi, minh bạch, đỡ phiền hà nhất cho người dân.
Với kiến nghị giảm chi phí vận chuyển logistics, Nhà nước đang cố gắng như đầu tư hạ tầng giao thông, mở các đường bay. “Thái Lan có 40 năm hòa bình trong khi Việt Nam có 40 năm chiến tranh, nên giao thông hàng không của Thái Lan phát triển trước Việt Nam. Nhưng giờ Việt Nam có những mặt vượt Thái Lan”, Thủ tướng nêu.
Sẽ đưa lao động chất lượng cao sang UAE
Trước câu hỏi của một sinh viên đang học tại UAE về quan hệ giữa hai nước Việt Nam - UAE, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đã gặp lãnh đạo cấp cao UAE nhiều lần, quan điểm chung của hai bên là cùng nhau tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn. Cụ thể là đang đẩy nhanh đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai nước.
“Ngài Tổng thống UAE có nói 2 điểm: không giới hạn hàng hóa Việt Nam vào UAE và xây dựng cứ điểm cho Microsoft tại Việt Nam. Tôi gặp ông Bill Gates (người sáng lập Microsoft - PV) ở vùng Vịnh, ông cũng khẳng định sẽ đến thăm và triển khai công việc tại Việt Nam. Nếu Microsoft đầu tư lại có thêm có quỹ của UAE sẽ triển khai tích cực”, Thủ tướng nói, và cho hay, đang giao Bộ KH-ĐT làm đầu mối.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh tới việc UAE trước đây phụ thuộc dầu lửa chiếm 80%, bây giờ thì ngược lại 80% dịch vụ và 20% dầu lửa, là sự chuyển đổi ngoạn mục.
Về hợp tác lao động giữa Việt Nam và UAE, có thời điểm 30.000 lao động người Việt làm việc tại đây, song hiện còn khoảng 5.000 người. Thông tin với bà con, Thủ tướng nói trong cuộc gặp với Bộ trưởng Nhân lực UAE đã đề xuất đưa thêm lao động người Việt sang đây.
“Số lượng cần nhưng cũng cần chất lượng, hai bên phối hợp đào tạo. Doanh nghiệp UAE đưa yêu cầu đặt hàng sang, Việt Nam sẽ đào tạo và đưa nhân lực sang”, Thủ tướng nhấn mạnh, và cho rằng, có rất nhiều cơ hội để đưa thêm lao động người Việt sang UAE, khi cơ cấu lao động nước này tới 90% là người nước ngoài. Song, quan điểm là xuất khẩu lao động phải có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng hơn số lượng.
Bình luận (0)