Thủ tướng: 'Xây dựng kế hoạch dài hơi hỗ trợ kích thích kinh tế'

09/07/2020 17:34 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu nghiên cứu dài hơi hơn từ nay đến năm 2021 để xây dựng kế hoạch tổng thể hỗ trợ kích thích kinh tế.

Hôm nay, 9.7, chủ trì cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần nghiên cứu dài hơi hơn từ nay đến năm 2021 để xây dựng kế hoạch tổng thể hỗ trợ kích thích kinh tế.

Ngành ngân hàng cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay

Phát biểu tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đánh giá cao cố gắng của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành thời gian qua, đứng trước khó khăn nhiều mặt nhưng đã nỗ lực điều hành đúng, linh hoạt, kịp thời, mang lại sự phát triển, ổn định xã hội và niềm tin cho nhân dân.
Theo TS Võ Trí Thành (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh) cho rằng, phải thực hiện thật nhanh các gói hỗ trợ đã ban hành gồm gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỉ đồng, gói hỗ trợ tài chính hơn 180.000 tỉ đồng…
TS Trần Du Lịch, nguyên Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cũng nhìn nhận việc triển khai các gói hỗ trợ còn chậm, cần đẩy mạnh hơn. Các gói chính sách phải mang tính dài hạn, bởi có dự báo một số ngành, lĩnh vực, nhất là ngành sử dụng nhiều lao động, phải sang quý 3 mới “thấm đòn” do đứt gãy các hợp đồng.
Đồng quan điểm, chuyên gia Bùi Đức Thụ, nguyên Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, nhấn mạnh cứu trợ doanh nghiệp là việc cần làm, nhưng gia tăng sức sống cho doanh nghiệp không thể chỉ làm trong 1 năm.
Ngoài cơ chế hỗ trợ khắc phục ảnh hưởng của Covid-19, theo ông Thụ, cần có các chính sách hỗ trợ đặc biệt phục vụ tái cơ cấu doanh nghiệp mạnh hơn, không chỉ tái cơ cấu thị trường đầu vào, đầu tư mà cả lao động, tăng sức chống chịu của nền kinh tế.
Cho rằng so với các nước, gói hỗ trợ tài khóa của chúng ta là ít nhất, một số thành viên Hội đồng kiến nghị cần tập trung vào gói này nhiều hơn, cũng như tăng quy mô các gói hỗ trợ, nhất là cho ngành hàng không. Kích cầu nội địa cũng nên hướng vào kích cầu du lịch, bán lẻ, tín dụng tiêu dùng. Ngành ngân hàng cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay.

Tăng thêm bội chi ngân sách, nợ công khoảng 3-4% GDP

Phát biểu kết luận, Thủ tướng ghi nhận các ý kiến cho rằng xu hướng các nước là tiếp tục thực hiện giải pháp kích thích kinh tế, cả về tài khóa và tiền tệ. Thủ tướng cho rằng, cần nghiên cứu dài hơi hơn từ nay đến năm 2021 để xây dựng kế hoạch tổng thể hỗ trợ kích thích kinh tế, xác định những vấn đề trọng tâm cần giải quyết và các ngành, lĩnh vực ngắn hạn, trung hạn, trong đó có vấn đề tăng bội chi, huy động thêm nguồn lực cho sản xuất kinh doanh và đời sống, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Thực hiện chính sách tài khóa tiền tệ theo phương châm chủ động, tích cực hỗ trợ tăng trưởng là rất quan trọng.
Theo Thủ tướng, mục tiêu cụ thể là năm 2020 và đầu 2021, tăng trưởng tín dụng trên 10%, chủ trương tăng thêm bội chi ngân sách, nợ công khoảng 3-4 % GDP để có thêm nguồn lực, chúng ta chuẩn bị sẵn sàng để có thể hỗ trợ doanh nghiệp, kiên quyết bảo vệ hệ thống doanh nghiệp, không để đứt gãy, mất năng lực sản xuất trong những ngành, lĩnh vực trọng yếu.
Người đứng đầu Chính phủ đồng thời yêu cầu tiếp tục xem xét giảm lãi suất, ngành ngân hàng tiếp tục chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân. Tiếp tục tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi hội nghị, hội thảo, dành nguồn lực cho những nhiệm vụ cấp bách, chống dịch, hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.