Thủ tướng xúc động với 'dấu mốc lịch sử' ngành giao thông

24/12/2023 12:17 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính xúc động nhấn mạnh, hôm nay là dấu mốc lịch sử lần đầu tiên khánh thành 4 dự án giao thông lớn trên cả nước, gồm sân bay Điện Biên, cầu Mỹ Thuận 2 và 2 cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Phú Thọ - Tuyên Quang.

Phát biểu tại lễ khánh thành đồng loạt 4 dự án trọng điểm giao thông gồm sân bay, cầu lớn, cao tốc tại Điện Biên cùng 3 điểm cầu Tiền Giang, Vĩnh Long, Tuyên Quang, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói đây là dấu mốc lịch sử, khi lần đầu tiên khánh thành 4 dự án giao thông lớn với tổng số vốn đầu tư gần 18.000 tỉ đồng.
Thủ tướng xúc động với 'dấu mốc lịch sử' ngành giao thông- Ảnh 1.

Thủ tướng xúc động được gặp các cựu chiến binh chiến trường Điện Biên năm xưa

THANH BÌNH

Người đứng đầu Chính phủ cũng bày tỏ xúc động khi được gặp 20 chiến sĩ Điện Biên năm xưa đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”, hôm nay lại có mặt tại đây. Thủ tướng chuyển lời cảm ơn của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và chúc các cựu chiến binh có nhiều sức khỏe.

Đồng thời, Thủ tướng bày tỏ sự xúc động khi sân bay Điện Biên được mở rộng, nâng cấp để tiếp nhận máy bay cỡ lớn. Đây là món quà động viên tinh thần đối với các cựu chiến binh đã cống hiến, hy sinh một phần xương máu cho chiến dịch năm xưa.

Theo Thủ tướng, thực tiễn đã chứng minh giao thông cao tốc, sân bay có ý nghĩa quan trọng tới phát triển KT-XH. Giao thông phát triển đến đâu thì kinh tế dịch vụ, đô thị phát triển tới đó, giảm chi phí logistic, tạo cạnh tranh cho sản phẩm; tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại dễ dàng, tiết kiệm thời gian, công sức.

Các công trình đưa vào khai thác hôm nay giúp nâng lên 730 km cao tốc Bắc - Nam phía Đông đưa vào sử dụng, tính chung đã có 1.900 km cao tốc trên cả nước khai thác; cùng với gần 1.700 km cao tốc đang thi công.

“Mọi việc suôn sẻ thì có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức Đại hội Đảng XIII đề ra là tới năm 2025 có 3.000 km cao tốc, tới năm 2030 kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng sẽ có trên 5.000 km cao tốc Bắc - Nam và Đông - Tây. Đây là việc khó nhưng chúng ta đã quyết tâm làm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Các dự án khánh thành hôm nay có nhiều vướng mắc pháp lý cần tháo gỡ; nguồn vốn lớn nên huy động cả T.Ư, địa phương, tăng thu, giảm chi, huy động nhiều nguồn vốn khác; khó khăn về nguyên vật liệu giá cả biến động, nền đất yếu tại các tỉnh phía Nam…

Ngay dự án sân bay Điện Biên cũng phải nghiền đá để tạo ra vật liệu thay cho cát sỏi. Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng có những điểm rất khó khăn mà khi xây dựng dự án chưa hình dung ra hết. Khó khăn nữa là giải phóng mặt bằng; thi công trong điều kiện dịch bệnh, cách ly, phong tỏa.

Thủ tướng xúc động với 'dấu mốc lịch sử' ngành giao thông- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu sáng 24.12

NHẬT BẮC

Theo Thủ tướng, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu đã đưa các dự án vào khai thác. Sự lan tỏa tinh thần từ các dự án này sẽ giúp các dự án sau hoàn thành theo mục tiêu mà Đại hội Đảng XIII đề ra.

Nhắc tới dự án cầu Mỹ Thuận 2, Thủ tướng cho biết có “5 cái hơn” so với công trình cầu Mỹ Thuận 1. Cụ thể, cầu Mỹ Thuận 2 dài 1,9 km, đường dẫn 4,7 km; dài hơn cao hơn và rộng hơn cầu Mỹ Thuận 1 (chiều dài 1,5 km). Cầu Mỹ Thuận 1 hơn 2.000 tỉ đồng sử dụng vốn tài trợ nước ngoài, trong khi cầu Mỹ Thuận 2 hơn 5.000 tỉ và là vốn trong nước. 

“Thiết kế, thi công, tư vấn trước đây hầu hết là nước ngoài; còn hiện nay tất cả mọi việc là người Việt Nam - đây là cái hơn thứ 3 mà chúng ta rất tự hào”, Thủ tướng nêu và cho biết điều này rất quan trọng, cho thấy chúng ta đã trưởng thành, lớn mạnh và tự làm được những điều khó khăn.

Mặt khác, suất đầu tư của Mỹ Thuận 1 là 5.000 USD/m2, trong khi cầu Mỹ Thuận 2 chỉ còn 2.400 USD/m2, tiết kiệm được 50% do tự thiết kế, thi công và tự lo nguồn vốn. Cái hơn nữa là tạo việc làm, sinh kế cho người dân nhiều hơn.

Qua những điều này chúng ta rút ra bài học gì? Theo Thủ tướng, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường giám sát, kiểm tra.

Thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị Bộ GTVT phối hợp các bộ, ngành, địa phương hoàn thành các hạng mục còn lại, thanh quyết toán; xây dựng các nút giao cao tốc, làn tránh, trạm dừng nghỉ; khai thác hiệu quả các tuyến kết nối…

Đặc biệt, người dân đã nhường cơm sẻ áo, nơi sinh kế cho dự án nay còn gì khó khăn thì phải tiếp tục hỗ trợ với tinh thần nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ. Hoàn nguyên các điểm khai thác, thi công, đảm bảo môi trường.

Bên cạnh đó, những nhà thầu, tư vấn, giám sát nào làm tốt, chứng minh được năng lực thì ủng hộ làm tiếp, mạnh dạn chỉ định thầu, miễn là đừng có tham ô, lợi ích nhóm…

Thủ tướng xúc động với 'dấu mốc lịch sử' ngành giao thông- Ảnh 3.

Thủ tướng cắt băng khánh thành sân bay Điện Biên cùng các cựu chiến binh chiến dịch Điện Biên Phủ

THU PHƯƠNG

Sân bay Điện Biên đón máy bay cỡ lớn

Theo Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Lại Xuân Thanh, thực hiện lời hứa với Thủ tướng Chính phủ tại công trường, sau 22 tháng quyết liệt triển khai, ACV đã hoàn thành đưa dự án cảng hàng không Điện Biên vào khai thác.

Điện Biên là nơi duy nhất có sân bay trong 6 tỉnh biên giới Tây Bắc. Vị trí chiến lược đặc biệt này là cầu nối giữ vị trí xung yếu, then chốt đối với công tác phòng thủ, bảo vệ khu vực Tây Bắc nói riêng và đất nước nói chung.

Trước đây do điều kiện kỹ thuật hạn chế, địa thế lòng chảo đặc biệt, sân bay Điện Biên chỉ có thể tiếp nhận máy bay nhỏ ATR72 và tương đương và thường xuyên phải dừng các chuyến bay do điều kiện thời tiết.

Ngày nay, với đường cất hạ cánh được xoay trục có chiều dài 2,4 km, rộng 45 m, sân quay 2 đầu, sân đậu mới với 4 vị trí, sân bay Điện Biên có thể tiếp nhận các loại máy bay thế hệ mới A320, A321 hoặc tương đương. Nhà ga hành khách được mở rộng nâng công suất thiết kế lên 500.000 khách/năm, khả năng tiếp thu 1 triệu hành khách/năm.

Kéo gần TP.HCM về vựa lúa miền Tây

Ông Bùi Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty xây dựng và lắp máy Trung Nam, đại diện liên danh các nhà thầu, cho biết sau 3 năm thi công, cầu Mỹ Thuận 2 đã được hoàn thiện. Cây cầu hoàn thiện đã nối liền 2 cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, đưa TP.HCM và miền Tây gần lại.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, chia sẻ Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất có nhiều lợi thế, nhưng bao đời nay vẫn là vùng đất chậm phát triển hơn so với các vùng khác, đời sống người dân còn thấp.

Việc đưa cầu Mỹ Thuận 2 đi vào khai thác sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông trên QL1 đoạn qua miền Tây Nam bộ; giúp vận tải, vận chuyển hàng hóa kết nối tốt hơn với các địa phương khác và cả nước, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân…

"Hôm nay là một ngày đặc biệt. Khánh thành cầu Mỹ Thuận 2 là tín hiệu tốt đẹp của Đồng bằng sông Cửu Long", ông Vĩnh kỳ vọng.

Thủ tướng xúc động với 'dấu mốc lịch sử' ngành giao thông- Ảnh 4.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái dự khánh thành cầu Mỹ Thuận 2 tại Tiền Giang

THANH BÌNH

Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ rút ngắn thời gian về Hà Nội

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, cơ quan chủ quản, cho biết cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai là dự án cao tốc đầu tiên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Dự án tổng chiều dài 40,2 km (địa phận Tuyên Quang 11,3 km; địa phận Phú Thọ 28,9 km); tổng mức đầu tư 3.753 tỉ đồng; quy mô 4 làn xe; tốc độ khai thác 90 km/giờ. Theo kế hoạch ban đầu, trong giai đoạn 2021 - 2023 chỉ đầu tư 2 làn xe, 2 làn xe còn lại sẽ đầu tư sau năm 2025.

Tuyến cao tốc đã mở ra không gian phát triển mới, giúp mở rộng liên kết vùng, tăng tính cạnh tranh về phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng; tháo gỡ được điểm nghẽn về giao thông của tỉnh Tuyên Quang và sắp tới là tỉnh Hà Giang.

Dự án giúp giảm tải cho QL2 và rút ngắn thời gian từ Tuyên Quang về Hà Nội, từ 2 giờ 30 phút xuống chỉ còn hơn 1 giờ. Đây cũng là kinh nghiệm cho Tuyên Quang tiếp tục thực hiện dự án đường cao tốc thứ 2 trên địa bàn là cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, kết nối với cửa khẩu Thanh Thủy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.