Thủ tướng yêu cầu ra 'tối hậu thư' 5 dự án nhiệt điện than chậm tiến độ

01/04/2024 18:49 GMT+7

Trong quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương làm việc với chủ đầu tư của 5 nhà máy nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông, thu xếp vốn, yêu cầu phải triển khai trước tháng 6.

Ngày 1.4, Văn phòng Chính phủ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8).

Thủ tướng yêu cầu ra 'tối hậu thư' 5 dự án nhiệt điện than chậm tiến độ- Ảnh 1.

Sau năm 2030, Việt Nam không xây mới các nhà máy nhiệt điện than

EVN

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục các dự án nguồn điện cần được ưu tiên triển khai để đảm bảo cung ứng điện cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong những năm tới với yêu cầu "điện phải đi trước một bước".

Đối với nhiệt điện than, trước đó Quyết định số 500 ngày 15.5.2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch 8 đã nêu rõ, chỉ cho phép thực hiện các dự án có trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh và đang đầu tư xây dựng đến năm 2030.

Theo đó, trong phụ lục Kế hoạch thực hiện Quy hoạch 8, danh mục dự án nhiệt điện than được triển khai đến năm 2030 chỉ có 6 dự án với tổng công suất 6.125 MW được triển khai, đưa vào vận hành, gồm: Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1, công suất 1.432 MW (đã vận hành) tại Khánh Hòa. Nhiệt điện Vũng Áng II, công suất 1.330 tại Hà Tĩnh (vận hành năm 2025 - 2026).

Các nhà máy đưa vào vận hành trong năm 2026 gồm: Nhiệt điện Na Dương II, công suất 110 MW tại Lạng Sơn đang chuẩn bị thi công; nhiệt điện Quảng Trạch I, công suất 1.403 MW tại Quảng Bình, đang thi công.

Các nhà máy vận hành năm 2027 gồm: nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang, công suất 650 MW tại Bắc Giang; nhiệt điện Long Phú I, công suất 1.200 MW tại Sóc Trăng.

Ngoài ra, 5 dự án nhiệt điện than khác đang bị chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ công, thu xếp vốn gồm: Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị, công suất 1.320 MW tại Quảng Trị. Nhà máy nhiệt điện Công Thanh, công suất 600 MW tại Thanh Hóa. Nhà máy Nam Định 1, công suất 1.200 MW tại Nam Định. Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân III, công suất 1.980 MW tại Bình Thuận. Nhà máy nhiệt điện sông Hậu II, công suất 2.120 MW tại Hậu Giang.

Đối với Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị, chủ đầu tư đã có văn bản xin dừng dự án. Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Trị đang đề nghị chuyển đổi sang nhà máy điện khí. Đối với dự án Nhà máy nhiệt điện Công Thanh, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản đề nghị chủ đầu tư chuyển sang nhà máy điện LNG. 

Tuy nhiên, trong quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương trực tiếp làm việc với chủ đầu tư của 5 dự án nêu trên, chỉ cho phép kéo dài đến tháng 6. Nếu sau thời gian này, các chủ đầu tư không triển khai dự án được, Bộ Công thương phải xem xét chấm dứt dự án theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Quy hoạch điện 8, các nhà máy nhiệt điện than đã vận hành được 20 năm được định hướng thực hiện chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối và amoniac đổi khi giá thành phù hợp. Các nhà máy nhiệt điện than trên 40 năm nếu không chuyển đổi nhiên liệu sẽ phải dừng hoạt động. Quy hoạch điện 8 xác định lộ trình đến năm 2050, Việt Nam không còn sử dụng than trong sản xuất điện.

Trong quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần hướng tới các mục tiêu đã cam kết theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định và mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 của Việt Nam.




Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.