Ngày 28.11, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thực hiện các nhiệm vụ, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từ đầu năm 2017 đến nay.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 1.1.2017 đến 15.11.2018, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Thanh Hóa 304 nhiệm vụ, đến nay, địa phương đã hoàn thành 197 nhiệm vụ, còn 107 nhiệm vụ đang tiếp tục xử lý.
Trong năm 2018, tỉnh Thanh Hóa cũng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, như kinh tế phát triển mạnh, môi trường đầu tư cải thiện, thu hút nhiều dự án, doanh nghiệp lớn vào đầu tư…
Kết quả, tăng trưởng GRDP (tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn) đạt 15,16%, cao nhất từ trước đến nay và vượt kế hoạch đề ra; GRDP bình quân đầu người ước đạt 1.990 USD. Năm 2018, Thanh Hóa cũng thu hút 219 dự án (trong đó có 7 dự an FDI), với tổng vốn đăng ký 17.308 tỉ đồng và 43,21 triệu USD...
|
Trong công tác cải cách thủ tục hành chính, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành 55 quyết định về công bố danh mục thủ tục hành chính, trong đó bãi bỏ 12 thủ tục hành chính, sửa đổi 3 thủ tục hành chính… Đáng chú ý, trong lĩnh vực kinh doanh đã cắt giảm được 30% thời gian giải quyết.
Năm 2018, Thanh Hóa đã sắp xếp, tổ chức lại 44 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp huyện xuống còn 27 đơn vị, giảm được 17 đơn vị; tinh giản biên chế 418 người.
Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu 7 nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Thanh Hóa cần quan tâm, tập trung chỉ đạo và thực hiện trong thời gian tới.
Cụ thể: củng cố, nâng cao chất lượng cán bộ, siết chặt kỷ cương làm việc. Đặc biệt, khắc phục tình trạng “quan lộ thần tốc” đã gây bức xúc trong dư luận thời gian qua; tập trung rút ngắn thời gian xử lý, giải quyết công việc về các thủ tục hành chính, cải cách, tránh tình trạng né tránh; quyết liệt chỉ đạo quá trình thực hiện việc liên thông hành chính; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút đầu tư vì Thanh Hóa còn nhiều tài nguyên, qua đó tạo môi trường, cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp, tạo môi trường cạnh tranh. Đồng thời, quan tâm và quản lý chặt chẽ công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng; quản lý chặt chẽ về tài nguyên, khoáng sản; quan tâm đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng biên giới hải đảo.
|
Giải trình thêm về các vấn đề còn tồn tại, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho rằng thời gian qua, việc bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ ở nhiều nơi, nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh còn chưa thực hiện đúng, còn xảy ra sai phạm. Tình trạng này đến nay đã được khắc phục, cải thiện nhiều hơn trước.
Ông Nguyễn Đình Xứng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm đến tình trạng thiếu giáo viên mầm non. Hiện tỉnh Thanh Hóa còn thiếu hơn 3.000 giáo viên mầm non. Ngoài ra, hiện việc thực hiện giữa luật với nghị định trong thực hiện việc đấu thầu đất đai còn vướng mắc. Nếu thực hiện theo luật thì sai với nghị định và ngược lại; khó khăn trong tổ chức thực hiện nơi đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, như trong lĩnh vực may mặc. Do luật quy định doanh nghiệp nước ngoài không được phép thỏa thuận thu hồi đất với người dân, nên công tác giải phóng mặt bằng rất khó khăn.
Những vấn đề UBND tỉnh Thanh Hóa kiến nghị, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bàn biện pháp giải quyết trong thời gian sớm nhất.
Bình luận (0)