WB dự báo tăng trưởng VN cao thứ 2 châu Á - Thái Bình Dương
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành, địa phương cho biết tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu thế tích cực, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Thị trường tiền tệ, ngân hàng ổn định, sức ép điều hành tỷ giá, lãi suất tuy còn khó khăn nhưng giảm dần.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm đầu tháng 1 tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Thương mại, dịch vụ sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 20% so với năm 2022 và tăng 34,2% so với năm 2019. Trong tháng 1, VN có trên 871.000 lượt khách quốc tế, tăng 23,3% so với tháng trước và gấp 44,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI đăng ký mới trong tháng 1 gấp 3,1 lần cùng kỳ năm trước; cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư của VN.
Các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá tích cực về tình hình kinh tế - xã hội của VN. Trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu vừa công bố trong tháng 1, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế VN năm 2023 là 6,3%, tuy thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với kỳ dự báo trước, nhưng đây là mức cao thứ 2 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ ấn tượng về khí thế phát triển mới khi "cả nước là một công trường" trong chuyến thị sát các dự án hạ tầng trước tết vừa qua. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, như: thị trường xuất khẩu thu hẹp; xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn...
Nghe nhanh 6h ngày 3.2: Cái giá cho sự kỳ thị du khách | HAGL - VPF “chung sống hạnh phúc”
Về các nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh tiếp tục ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Về kiểm soát lạm phát, cần chú trọng nhóm trong "rổ hàng" tác động lớn đến lạm phát, như: lương thực, thực phẩm và vật liệu xây dựng; điều hành thận trọng giá các mặt hàng nhà nước quản lý ngay trong những tháng đầu năm; bảo đảm nguồn cung, lưu thông thông suốt các hàng hóa khác, nhất là những mặt hàng thiết yếu; hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào.
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, xác định đây là nút thắt cần giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực liên quan, như trái phiếu doanh nghiệp. Thủ tướng yêu cầu tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản ngay trong tháng 2.
Để giải ngân 700.000 tỉ đồng vốn đầu tư công của năm 2023, Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý chặt chẽ, thúc đẩy tiến độ dự án lớn, quan trọng, nhất là công trình giao thông trọng điểm. Bộ VH-TT-DL tổ chức hội nghị du lịch toàn quốc trong tháng 2, phấn đấu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế...
Xem nhanh 20h ngày 2.2: Cựu tướng cảnh sát biển tham ô 50 tỉ | Vụ Nguyễn Phương Hằng lại trả hồ sơ
DÙNG "KHÁNG SINH" LIỀU CAO XỬ SAI PHẠM ĐĂNG KIỂM
Thông tin về tiến độ điều tra vụ án tại Cục Đăng kiểm VN (Bộ GTVT) và một số trung tâm đăng kiểm (TTĐK), tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 2.2, trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết hiện lực lượng công an các địa phương đã khám xét 32 TTĐK, khởi tố 248 bị can với các tội danh: nhận hối lộ; môi giới hối lộ; giả mạo trong công tác; sản xuất, trao đổi, mua bán công cụ thiết bị phần mềm sử dụng vào mục đích trái pháp luật…
"Lãnh đạo Bộ Công an nhận định đây là vụ án tham nhũng có tổ chức, hành vi sai phạm, tiêu cực có hệ thống, được tổ chức xuyên suốt từ một số lãnh đạo Cục Đăng kiểm VN, một số lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm VN) đến giám đốc nhiều TTĐK, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội", ông Xô cho biết.
Cũng theo đại diện Bộ Công an, một vài lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm VN) phạm tội có tổ chức, nhận tiền hối lộ định kỳ theo tháng hoặc quý của một số TTĐK để bỏ qua các lỗi trong hồ sơ xin cấp phép hoạt động; lỗi phát hiện trong quá trình kiểm tra, đánh giá định kỳ hoặc đột xuất; ký duyệt cấp mã đăng kiểm; thuê viết phần mềm có tính năng chỉnh sửa kết quả kiểm định về khí thải, phanh, đèn…
"Có những phương tiện cơ giới tất cả các bộ phận của xe đều kêu, trừ… còi, sau khi "làm phép" tại một số TTĐK, được cấp phép hoạt động vẫn trong tình trạng này, rất nguy hiểm. Đó cũng là nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn cho những người chờ đèn đỏ hay các vụ tai nạn khác", ông Xô nói.
Đối với vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), một số cơ quan, đơn vị liên quan các “chuyến bay giải cứu”, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 41 bị can, tăng 2 bị can so với tháng trước; kê biên, phong tỏa số tiền khoảng 80 tỉ đồng.
Đối với vụ Việt Á, đã khởi tố 104 bị can, tăng 2 bị can so với tháng trước; số tiền phong tỏa khoảng 1.700 tỉ đồng, tăng 30 tỉ đồng. Mục tiêu của Bộ Công an là phấn đấu kết thúc điều tra trong quý 1/2023. Tuy nhiên, trung tướng Tô Ân Xô cho biết mục tiêu đề ra như vậy nhưng không loại trừ trường hợp có thêm tình tiết mới.
Trung tướng Tô Ân Xô cũng khẳng định hoạt động điều tra không ảnh hưởng đến hoạt động đăng kiểm. Từ khi điều tra vụ án này đến nay, cơ quan công an không ra văn bản tố tụng nào về việc tạm dừng hoạt động trung tâm kiểm định xe cơ giới, mà chỉ thu giữ chứng từ, tài liệu liên quan vụ án cũng như hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án.
Đại diện Bộ Công an tiết lộ khi công an khám xét một số TTĐK, cũng có những cá nhân dự định thông báo đến tất cả các trạm đăng kiểm trên toàn quốc dừng hoạt động để gây áp lực với công an. Tuy nhiên, cơ quan công an đã cảnh báo đến các cá nhân này.
"Qua vụ việc trên, Bộ Công an đã kiến nghị với Bộ GTVT thực hiện hàng loạt các nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng đăng kiểm xe cơ giới. Hiện Bộ GTVT đang dùng "kháng sinh" liều cao để trị "căn bệnh" này", trung tướng Xô nêu.
Thông tin về việc điều chỉnh giá điện, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết theo Quyết định 24/2017, nếu thông số đầu vào tăng từ 3% trở lên thì giá điện được phép tăng và giảm tương ứng. Bộ Công thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực VN (EVN) xây dựng giá bán điện bình quân năm 2023 theo đúng quy trình tại Quyết định 24/2017.
Cụ thể, khẩn trương hoàn thành báo cáo quyết toán chi phí giá điện năm 2022, thuê các đơn vị kiểm toán độc lập để đoàn kiểm tra liên bộ Công thương - Tài chính và nhiều cơ quan khác như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), Hội Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra chi phí và kế hoạch sản xuất điện năm 2023; phối hợp Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) tính toán mức tác động của giá điện tới đời sống và kinh tế vĩ mô.
“Việc điều chỉnh giá điện sẽ được tính toán, cân nhắc đầy đủ tới kinh tế, đời sống người dân. Mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh sẽ phù hợp theo các quy định hiện hành, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì mới được thực hiện”, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết. Ngoài ra, việc xử lý khoản lỗ 31.000 tỉ đồng của EVN trong năm 2022 đã được Chính phủ giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét.
Bình luận (0)