Chiều 6.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Việt Nam về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát 10.000 doanh nghiệp gần đây cho thấy, 59,2% doanh nghiệp cho rằng khó khăn lớn nhất là về đơn hàng; 51,1% cho rằng khó khăn lớn nhất là về tiếp cận vốn; còn lại là những khó khăn trong đáp ứng thủ tục hành chính và quy định của pháp luật.
Những khó khăn, thách thức hiện nay không chỉ riêng với nền kinh tế Việt Nam. Theo báo cáo đầu tư thế giới do Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) công bố mới đây, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu đã giảm 12% trong năm 2022, riêng các nước phát triển giảm 37%. Nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam bị thu hẹp như Mỹ thu hẹp 20%, EU 11%, Trung Quốc 10%...
Theo Hiệp hội SME, thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các tác động từ tình hình thế giới khác, đơn hàng của các SME sụt giảm, đầu ra khó khăn; chi phí nguyên nhiên vật liệu vẫn cao, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất, kinh doanh của các SME.
Các doanh nghiệp và hiệp hội cũng kiến nghị tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn; tiếp tục giảm lãi suất, nới lỏng điều kiện cho vay; xem xét thành lập quỹ, dùng "đòn bẩy" tín dụng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp; cơ cấu lại các khoản nợ cho doanh nghiệp...
Trước các đề xuất của doanh nghiệp về việc khó khăn trong tiếp cận vốn vay do lãi suất còn cao, Thủ tướng nêu rõ ngành ngân hàng đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng dư nợ tín dụng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng.
Tuy nhiên, giữa ngân hàng và doanh nghiệp cần lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn, phải đặt mình vào địa vị của người khác. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh điều kiện cho vay thuận lợi hơn, tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay.
Cạnh đó, vấn đề vốn của SME còn khiêm tốn, vì thế phải tìm cách cải thiện vấn đề này; các doanh nghiệp phối hợp, hợp tác với ngân hàng để nâng vốn.
Liên quan các gói tín dụng ưu đãi, Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng thúc đẩy gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho lĩnh vực nhà ở xã hội, 10.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp gỗ và lâm sản.
Về những khó khăn liên quan tới đơn hàng, cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát huy hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) và đàm phán các FTA mới; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng (miễn giảm thuế, phí, lệ phí…), kêu gọi đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Thủ tướng cũng giao NHNN nghiên cứu, triển khai các gói tín dụng để kích cầu tiêu dùng. Đồng thời, giao Bộ KH-ĐT rà soát các quy định để giao các dự án đầu tư hạ tầng cho SME theo quy định của pháp luật.
Trước đó, thông tin với báo chí hôm 5.7, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, từ đầu năm đến nay, NHNN đã 4 lần hạ các lãi suất điều hành. Từ đó, lãi suất huy động bình quân tại các ngân hàng thương mại giảm từ 0,7 - 0,8%/năm; lãi suất cho vay bình quân đã giảm từ 1 - 1,2%/năm. Trong đó, các ngân hàng thương mại nhà nước đã chủ động có các gói giảm lãi suất sâu, dành cho những đối tượng, lĩnh vực được ưu đãi theo chính sách của Nhà nước.
Tuy nhiên, qua nửa năm, dư nợ tín dụng mới đạt mức tăng 4,2%, giá trị tuyệt đối là 12,4 triệu tỉ đồng. Cùng với đó, mức huy động cũng vào khoảng 4,16%, tương đương 12,69 triệu tỉ đồng. Với room tín dụng được giao 14 - 15%, dư địa để các ngân hàng có thể cho vay từ nay đến cuối năm còn rất nhiều.
Bình luận (0)