Tối thứ bảy (22.7) vừa qua, tại khán phòng Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM đã diễn ra buổi ra mắt tuyển tập thơ-nhạc Thu trắng 4 của nhà thơ Thu Tuyết với nhiều cung bậc cảm xúc…
Lê Thị Thu Tuyết là người con của Phú Yên, cô vào TP.HCM sinh sống từ năm 1980 và là giảng viên ngành Quản trị kinh doanh của Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM. Đó cũng là môi trường đầu tiên khơi gợi mạch thơ từ tâm hồn một cô giảng viên không còn trẻ.
Số là, nhân năm mới, nơi trường cô đang dạy có chuẩn bị ra mắt một tạp chí kinh tế, những bài vở đóng góp của các tác giả hầu hết là những bài viết về kinh tế nên có vẻ "khô khan" quá. Vậy là cô hiệu trưởng - TS Phạm Thị Ngọc Mỹ đề nghị Thu Tuyết làm một bài thơ gì đó nhẹ nhàng một chút, cho nội dung tạp chí "mềm" lại. Vậy rồi, đang chạy xe ngoài phố, trong trí Thu Tuyết bật lên tứ thơ: "Nắng về thơm ngọn cỏ/ Mơn man trên lá cành/ Nắng qua miền tuổi nhỏ/ Mắt biếc bầu trời xanh… Ta ngồi im lặng ngắm/ Từng giọt rớt long lanh/ Nắng vỗ về hoa thắm/ Một sớm mai yên lành…".
Cô đặt tên bài thơ là Nắng xuân. Bài thơ đầu tay của một cô giáo nhưng lại là một định mệnh đầy thương cảm (sẽ kể ở phần sau) để rồi Thu Tuyết quyết định thi ca là bản năng, cô sẽ dùng thơ để trang trải tâm sự của mình với bạn bè, với mọi người chung quanh qua những thăng trầm của cuộc sống. Cô cũng xác định với lòng tự trọng của một nhà giáo: không dùng nghệ thuật để "câu" sự nổi tiếng.
Một nhà thơ nữ tràn đầy năng lượng, lạc quan
Tôi gặp Thu Tuyết ở một quán cà phê nhỏ. Cái nhìn đầu tiên khá ấn tượng: tóc cắt ngắn nhuộm chút nâu, cặp kính cận lấp lóa, khuôn mặt dễ nhìn, áo sơ mi sẫm màu cột chéo vạt bên hông, quần jeans bó và đôi boots cao cổ. Cô xin lỗi tôi vì kiểu phục trang khá "bụi". Tôi cười và nghĩ thầm trước mặt mình là một người phụ nữ "không có tuổi" (chắc chắn rồi, ai lại đi hỏi tuổi phụ nữ bao giờ ?!).
Cái ấn tượng thứ hai, khi nghe Thu Tuyết nói chuyện một cách sôi nổi, từ cô toát ra một thần thái đầy lạc quan và tràn đầy năng lượng. Có lẽ, những yếu tố này đã giúp cô vững bước trong cuộc đời. Thu Tuyết kể rằng từ năm 2009 cô đã định cư ở Úc, "người đi, nhưng con tim vẫn ở lại Việt Nam" (cho đến bây giờ cô vẫn giữ quốc tịch Việt Nam). Cho nên cô vẫn giữ mối giao tình thường xuyên với bạn bè trong nước.
Những tác phẩm của Thu Tuyết đều được cấp giấy phép và in trong nước, cụ thể là các tuyển tập thơ nhạc: Thu trắng (2014), Thu trắng 2 (2016), Thu trắng 3 (2019 - có thêm phần tản văn), Thu trắng 4 (2023) có khác hơn, gồm: Thu trắng 4 (thơ-nhạc), Những bức thư tình thời @ (tản văn) và Trôi theo dòng thời gian (tuỳ bút). Tất cả đều do NXB Hội Nhà văn xuất bản, Công ty sách Phương Nam phát hành. Riêng Thu trắng 4 (3 tập) có phát hành tại nhà sách Fahasa. Các album nhạc Thu trắng, Thu trắng 2, Thu trắng 3 (album và DVD), Thu trắng 4 (album) đều do PhuongNamFilm phát hành.
Những tuyển tập và album thơ nhạc Thu trắng này tất cả là thơ của Thu Tuyết, được các nhạc sĩ trong nước phổ nhạc như: Phú Quang, Trần Quang Lộc, Quốc Dũng, Vũ Hoàng, Nguyễn Văn Hiên, Nguyễn Ngọc Thiện, Duy Cường, Tùng Châu, Nguyễn Ngọc Thạch, Kim Tuấn, Quốc Bảo… Ngoài ra tác phẩm Những bức thư tình thời @ có làm audio book do MC Nguyễn Cường và Thu Tuyết diễn đọc.
Những kỷ niệm lần cuối với các nghệ sĩ đã khuất…
Như đã nói ở phần trên, bài thơ "đầu đời" của Thu Tuyết chính là bài Nắng xuân in trong một tạp chí kinh tế của Trường ĐH Tài chính – Marketing TP.HCM. Định mệnh đã đưa bài thơ này lọt vào mắt xanh của một nhạc sĩ "rất không nổi tiếng nhưng… có thực tài" – đó là nhạc sĩ Duy Cường (con trai thứ của nhạc sĩ Phạm Duy). Bài thơ Nắng xuân đã được anh phổ nhạc thành ca khúc Một sớm mai yên lành. Ca khúc này đã được anh ruột của Duy Cường là ca sĩ Duy Quang hát lần đầu tiên (và là lần cuối cùng) khoảng một tháng trước khi Duy Quang từ trần (ngày 20.12.2012).
Trước ngày ca sĩ Duy Quang mất một tuần, chính xác là ngày 12.12.2012 (những con số trùng lặp, đáng nhớ), Thu Tuyết có làm bài thơ Em phải về thôi. Lúc làm bài thơ này thì Duy Quang chưa mất nhưng vì bài thơ ra đời trong một ngày rất đáng nhớ nên cô nghĩ là bài thơ sẽ có số phận khác thường… Mà quả vậy, vào một chiều năm 2015 (lúc này Thu Tuyết đang chuẩn bị thực hiện Thu trắng 2), cô nhận được một cú điện thoại từ nhạc sĩ Phú Quang. Ông cho biết đã đọc tuyển tập đầu của cô và rất xúc động với 2 bài thơ trong đó là Em phải về thôi và Quạnh hiu… Hai hôm sau, nhạc sĩ Phú Quang đã phổ nhạc xong 2 bài thơ này, nhưng bài Em phải về thôi ông đổi tựa thành Em hãy về đi (còn được biết đến với tên Romance 6).
Sau này, trong quán cà phê ở TP.HCM chờ đến giờ tiễn nhạc sĩ Phú Quang ra chuyến bay trở về Hà Nội, nhạc sĩ đã thổ lộ với Thu Tuyết rằng 2/3 tác phẩm của ông là viết cho một cuộc tình buồn mà cô ấy thì đã xa biền biệt, cho nên ông ấy đổi tựa tác phẩm là vì thế. Nhạc sĩ cũng đã từng đề nghị 2 người làm một album chung: "Thơ Thu Tuyết, nhạc Phú Quang". Thu Tuyết rất mừng vì: "Đây là niềm vui lớn cho một cây viết không chuyên như tôi, nhưng tôi đã bỏ lỡ một cơ hội, bởi cuộc sống cứ cuốn tôi đi... Cho đến gần cuối năm 2019, tôi gọi thăm anh và nhắc lại "dự án" này thì... đã muộn!
Ngày 13.3.2020, anh nhắn tin cho tôi: "Anh xin lỗi em vì anh bệnh nặng. Anh mệt quá, không sáng tác nổi nữa!". Tôi cứ nghĩ anh sẽ khỏe lại thôi. Nhưng đây là tin nhắn cuối cùng, bởi từ đấy, tôi được biết anh ra vô bệnh viện thường xuyên hơn và sau đó... "Vĩnh biệt anh, người nhạc sĩ của 'góc phố mồ côi mùa đông' đã để lại cho khu vườn âm nhạc Việt Nam một gia tài rất đẹp…".
Với nhạc sĩ Trần Quang Lộc thì Thu Tuyết kể: "Cách đây gần 8 năm, sau khi ra mắt Thu trắng 2 (2016), tôi nhận một tin nhắn trong messenger: 'Thơ của Thu Tuyết có nhiều cái lạ, sâu sắc. Nếu được, chọn cho mình một số bài tâm đắc. Mình sẽ phổ, có thể làm một album riêng. Thân quý. Chúc an lành'. Đó là tin nhắn của một nhạc sĩ tài hoa với những nhạc phẩm nổi tiếng đi vào lòng người như: Có phải em mùa thu Hà Nội, Về đây nghe em..., đặc biệt là những nhạc phẩm nói về quê hương với ca từ và giai điệu nhẹ nhàng sâu lắng "rất quê hương" mà tôi hằng ngưỡng mộ. Không chỉ thế, anh còn có một giọng hát trầm ấm và bình yên như chính con người và tác phẩm của anh vậy...".
Từ cái "duyên" văn nghệ này, họ đã trao đổi qua internet, rồi gặp nhau để trao đổi về việc sẽ ra một album "thơ Thu Tuyết, nhạc Trần Quang Lộc". Nhưng album Thu Tuyết - Trần Quang Lộc chưa thể thực hiện ngay được vì lúc đó Thu Tuyết đang rất bận phải chuẩn bị ra mắt album, DVD và sách cho Thu trắng 3 (trong đó có bài Tôi bên lề quê hương do Trần Quang Lộc phổ nhạc) nên phải hoãn lại.
Trong thời gian đó, thỉnh thoảng nhạc sĩ vẫn phổ thơ, rồi hát (ghi âm) và gởi bài cho Thu Tuyết. Lần lượt Trần Quang Lộc đã phổ thành ca khúc các bài thơ của Thu Tuyết: Tôi tìm tôi, Thăm mẹ, Sáng thu tôi đi học, Tôi nhớ mãi, Melbourne cuối đông, Tôi bên lề quê hương, Dường như, Bỗng dưng tôi thấy lạ.
Khi công việc tạm ổn, Thu Tuyết gọi cho nhạc sĩ thì được biết ông đang ung thư giai đoạn cuối… Cô tâm sự: "Thật buồn! Tôi chỉ mong anh giữ gìn sức khoẻ và dự định tháng 2.2020 về TP.HCM, ghé thăm anh. Nhưng Covid-19 đã lấy mất cơ hội của tôi. Điều làm cho tôi ray rứt là như nợ anh một món nợ ân tình không sao trả được. Đó là khi anh nhận tập thơ của tôi (theo lời đề nghị của anh), khi mà anh chỉ còn một con mắt, con mắt kia đã bị ung thư tàn phá, trong cơn đau vật vã của những ngày cuối đời, anh đã cố đọc, đọc để chọn 4 bài thơ phổ nhạc. Rồi anh nhờ người hát demo và hoà âm phối khí cho hai bài cuối cùng (Bỗng dưng tôi thấy lạ, Dường như) trước khi anh không còn tỉnh táo nữa!".
Những lời cuối cùng của nhạc sĩ Trần Quang Lộc nhắn cho Thu Tuyết là: "Chào cô Thu Tuyết, Tôi đã hoàn tất album phổ thơ cô gồm 10 ca khúc. Đây là album cuối cùng của tôi dành cho cô với tất cả gởi gắm. Mong cô xem như một kỷ niệm đẹp của tôi dành cho cô". Một ngày sau đó, con trai nhạc sĩ - anh Trần Quang Phương Nam, nhắn tin cho cô: "Ba con không còn minh mẫn nữa cô ơi!".
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc từ trần ngày 7.6.2020. Nghe tin này, Thu Tuyết đã viết những dòng như sau: "Tôi đã bật khóc, khóc vào một ngày cuối thu trong cơn mưa tầm tã của Melbourne. Khóc vì một tâm hồn nghệ sĩ thuần khiết, thuần khiết cho đến hơi thở cuối cùng. Khóc vì cái tình của một người nhạc sĩ đã cảm được thơ tôi và đã dốc chút hơi tàn sót lại để hoàn tất album cho tôi. Còn ngôn từ nào hơn để nói lên cảm xúc của tôi dành cho anh, một người nhạc sĩ với tâm hồn đẹp và trái tim nhân hậu".
Đêm "Thu trắng 4"
Sài Gòn buổi chiều cuối tháng 7 sụt sùi cơn mưa bởi ảnh hưởng cơn bão mới hình thành ngoài Biển Đông. Đêm trình diễn không bán vé và chỉ dành cho khách mời, thế nhưng khán phòng của Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM tràn ngập người và hoa. Tôi đến khá sớm và được Thu Tuyết mời lên hàng ghế phía trên, cũng chỉ kịp chào hỏi một vài người thân quen (còn lại là thân hữu của Thu Tuyết, và vì tôi ngồi ở phía trên nên cũng không biết còn có những ai mình quen biết đang ngồi phía sau). Người tôi quen chỉ toàn dân văn nghệ: anh Trần Quang (diễn viên điện ảnh hiện ở Mỹ), nhạc sĩ-họa sĩ Miên Đức Thắng, nhà báo Lưu Trọng Văn, nhà thơ Hồ Thi Ca… Đặc biệt có sự hiện diện của bà Nguyễn Thị Thuận (vợ của nhạc sĩ Trần Quang Lộc - tôi đã từng gặp và trò chuyện với bà ở nhà riêng tại Bà Rịa-Vũng Tàu trước lúc anh Trần Quang Lộc mất một tuần).
Đêm ấy, ngoài phần diễn đọc Những bức thư tình thời @ thì… có thể nói là "Đêm tôn vinh nhạc sĩ Trần Quang Lộc" với các ca khúc phổ thơ Thu Tuyết: Tôi tìm tôi (ca sĩ Tú Anh), Tôi bên lề quê hương (J.B Thanh Hưng), Dường như (Thu Tuyết), Bỗng dưng tôi thấy lạ (Khang Ngọc)…
Bà Nguyễn Thị Thuận đã bật khóc khi thấy trên màn chiếu hình ảnh thân thương của người chồng tài hoa quá cố, và bà đã nghẹn ngào nói lời cảm ơn chương trình đã cho bà có cơ hội nhìn lại, nghe lại những "di ảnh, di khúc" của người chồng thân thương…
Nhà thơ Kiều Giang – người viết lời bạt cho Những bức thư tình thời @ phát biểu: "Tuy là "thư tình" nhưng tác giả không viết cho một cá nhân cụ thể nào cả, đó là trải bày những cung bậc cảm xúc của tác giả với thế giới chúng ta đang sống, nhất là những biến động mang tính toàn cầu (đại dịch Covid-19, chiến tranh Nga – Ukraine…). Điều đó chứng tỏ "người viết thư tình" luôn tỏ ra có trách nhiệm đối với cộng đồng…".
Nhà thơ Đặng Phú Phong thì chứng minh tác giả Thu trắng dù đang ở nước ngoài nhưng vẫn canh cánh nhớ về, nghĩ về Việt Nam. Riêng với người viết, rất thích câu phát biểu của nhà báo Lưu Trọng Văn: "Người ta thường dùng từ "người đàn bà cũ" nhưng với tôi thì Thu Tuyết là một "cô gái cũ". Tôi quen Thu Tuyết đã 20 năm. Giờ thì vẫn dáng dấp ấy, vẫn đôi mắt ấy, vẫn nụ cười ấy và vẫn tâm hồn ấy… Mong những điều "ấy" vẫn theo Thu Tuyết suốt cuộc đời!".
Đó cũng là lời chúc của người viết!
Bình luận (0)