Thú vị cách câu dế cơm bằng kiến bò nhọt

08/01/2017 09:27 GMT+7

Đó là cách mà người dân ở Đồng Nai sử dụng để câu những con dế cơm nằm sâu trong hang dưới lòng đất.

Đó là cách mà người dân ở Đồng Nai sử dụng để câu những con dế cơm nằm sâu trong hang dưới lòng đất.

 
Dế cơm có thân hình to bằng ngón tay cái, lớn nhất trong họ nhà dế, được chế biến thành món ăn được xem là đặc sản vùng quê. Theo người dân Đồng Nai, dế cơm sinh ra và sống dưới lòng đất trong một thời gian dài, đến thời điểm nhất định thì chui lên mặt đất tìm bạn tình giao phối, sản sinh ra lứa kế cận rồi chết đi.
Anh Nguyễn Văn Thắng (ngụ H.Cẩm Mỹ, Đồng Nai), một người chuyên đi câu dế cơm cho biết mùa câu dế cơm bắt đầu vào khoảng tháng 10 hằng năm và kéo dài gần 2 tháng. “Hang của loại dế này thường rất sâu và nhiều ngóc ngách, nên người bắt dế phải dùng cuốc đào hoặc đổ nước xuống cho dế ngộp thở chui lên. Tuy nhiên, do hai cách này tốn thời gian và mất công sức nên người ta đã nghĩ ra một phương pháp mới, đó là dùng kiến bò nhọt để câu, nhanh và cực kỳ hiệu quả”, anh Thắng chỉ dẫn.
Theo anh Thắng, kiến bò nhọt (còn gọi là bù nhọt) có màu đen, to bằng kiến vàng, đặc biệt nọc rất độc. Kiến bò nhọt ở trong một quần thể với nhiều hang to nối với nhau. Để bắt loài kiến này, dùng loại cỏ dại dài, cứng, tuốt hết bông, lá rồi thọc xuống hang mà ngoáy.
Thấy động, kiến túa ra bám vào cây cỏ, chỉ việc rút lên dùng tay vuốt thật nhanh để kiến rơi hết vào hũ làm mồi bắt dế cơm.
Câu dế cơm bằng kiến bò nhọt 1
Giữa tháng 11, tôi theo chân một nhóm thiếu niên ở Cẩm Mỹ đi câu dế. Sau khi chuẩn bị đủ mồi câu, cuộc săn dế bắt đầu.
Hang dế cơm rất dễ tìm, cứ có ụ đất nhô lên, dùng tay gạt ngang thì lộ ra cái lỗ, dế nằm bên dưới. Chương, cậu thiếu niên lớn nhất trong nhóm cầm cây cỏ có bùi nhùi ở đầu nhúng vào hũ kiến (nên cho từ 30 - 40 con xuống hang, vì nhiều kiến quá sẽ cắn dế không còn sức bò lên).
Tiếp theo, cậu nhanh tay thọc cây cỏ xuống hang, đồng thời cho lớp đất mỏng lấp hang lại. “Làm như vậy để ngăn không cho kiến bò lên”, Chương giải thích. Chưa đầy 30 giây sau, cây cỏ rung rinh, rồi bất thình lình con dế từ dưới hang đội lớp đất phóng lên. Trên mình dế có rất nhiều chú kiến bọ nhọt đang đeo bám để cắn.
Chương vừa giải thích: “Kiến xuống hang gặp dế bâu lại cắn. Dế đau quá chỉ cầm cự được một xíu là phải chui lên”. Rồi cậu nói tiếp: “Mà cũng tùy theo, gặp con nhát gan vừa cho kiến xuống là phi lên ngay. Thậm chí, chỉ thọc cây cỏ xuống thăm dò là cũng trồi lên rồi”.
Theo Chương, người sành câu nhìn hang có thể đoán được dế trống hay dế mái. Dế trống khỏe nên thường đào hang sâu hơn do đó ụ đất trên mặt to hơn. Ngoài ra trên miệng hang dế trống thường láng mịn như một cái máng dẫn xuống, lý do buổi tối dế trống bò lên miệng hang gáy gọi bạn tình.
Thông thường, hang dế chỉ có một đường ra vào, nhưng đôi lúc cũng có 2 - 3 lỗ thoát hiểm. Đôi khi, người câu đang chăm chú canh cửa chính, dế bất chợt phóng ra từ một cửa bí mật, thoát thân. Có một điều thú vị nữa là lâu lâu trong một hang lại bắt được cả một cặp trống mái.
Một buổi đi câu, nhóm của Chương mỗi người kiếm được cả 100 con (giá bán từ 3.000 - 5.000 đồng/con).
Dế cơm sau khi câu về được ngâm vào chậu nước, rồi rửa sạch đất, ngắt bỏ đầu và cánh. Dế cơm chiên bột rất ngon và dễ làm: chỉ cần nhét đậu phộng vào bụng dế, lăn qua bột chiên vàng là có món khoái khẩu khó cưỡng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.