|
Một chuyến đi cảm động. Đi trên máy bay của hàng không VN chúng ta thoáng thấy địa danh Darwin nổi lên trên bản đồ. Darwin, thành phố của Bắc Úc nằm gần Indonesia.
Cảng Darwin là cửa ngõ của Úc hướng ra châu Á. Tôi rất lạ, là với một thành phố như Darwin có khoảng 130.000 dân, và cả bang Bắc Úc chỉ có 240.000 dân nhưng họ có cả một tiềm năng to lớn bao gồm cảng nước sâu Darwin, 2 sân bay quốc tế lớn và trung tâm thương mại sầm uất như ta vẫn thường thấy ở bất cứ những vùng đông dân cư nào khác.
Miền Bắc Úc với tài nguyên khoáng sản có đẳng cấp quốc tế, với một khối lượng quặng uranium, đồng, vàng, phốt phát, ka li, chì và vanadium lớn nhất nước Úc. Dầu hỏa và khí đốt cũng là thế mạnh của Bắc Úc.
Một thế mạnh đáng chú ý khác là Bắc Úc đang cần nguồn nhân lực như VN nhiều hơn ở bang Victoria hoặc New South Wales. Có đến 2.000 người VN sinh sống ở đây. Ông Foxy Robinson, một tỉ phú của Darwin, đã nói rằng những trang trại của người VN ở đây đã làm cho sản phẩm nông nghiệp của Bắc Úc thêm phong phú.
Chủ tịch Tập đoàn thương mại đầu tư xây dựng Việt Úc (Vabis) Nguyễn Ngọc Mỹ nói rằng Trường cao đẳng quốc tế Vabis ở Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) của ông đã đào tạo và đưa đến Sydney, Melbourne khoảng 12 công nhân và lương của họ thường trên 60.000 đô la Úc một năm. Thế nhưng, trường của ông đang nhắm vào đào tạo ra các công nhân lành nghề trong các ngành cơ khí, điều hành cảng, dầu khí, kế toán để hợp tác, trao đổi nguồn nhân lực với vùng Bắc Úc và Trường đại học Charles Darwin. Con số nhân viên mà ông đào tạo có thể đưa đến hàng trăm người sang Bắc Úc. Cũng nên nhớ rằng, con số kiều hối khoảng 11 tỉ USD đưa về Việt Nam, tỷ lệ tiền gửi lớn nhất vẫn là từ nguồn hợp tác lao động giữa VN và các nước.
Một bộ trưởng của chính phủ Bắc Úc, ông Peter Chandler cho rằng hiện thời Bắc Úc có 240.000 dân, chủ trương trong 5 năm tới sẽ tăng thêm 300.000 người.
Con số đó là một nhu cầu rất lớn, là cơ hội xuất khẩu lao động của VN sang Bắc Úc. Trường cao đẳng quốc tế Vabis tính đến việc công nhân và sinh viên từ những tỉnh xa xôi hẻo lánh như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, BR-VT sang lao động cũng như học tập tại Đại học Charles Darwin, để một mặt ta cung cấp lao động cho Bắc Úc, đồng thời ta đào tạo sâu các ngành nghề mà VN đang cần mà Trường Charles Darwin có thế mạnh.
Chúng tôi đi chuyến bay đến Singapore và sau đó bay tiếp sang Darwin, tổng cộng khoảng 6 tiếng đồng hồ. Khoảng cách giữa Darwin và VN là rất gần. Cảng Darwin cũng là cửa ngõ chính cung cấp thịt bò cho VN và các nhà kinh doanh VN cũng đang tiếp tục hợp tác với các trang trại của Úc nuôi bò với giống và công nghệ Úc tại VN để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu trong nước và các nước châu Á khác.
Nguyễn Trà
Bình luận (0)