Tại những ngôi làng hẻo lánh, nơi các phương tiện xe cộ vô phương đi đến, lũ trẻ mặc vào những bộ đồ đẹp nhất và chạy ra đón lạc đà Roshan. Chúng vây quanh con vật và reo hò: “Lạc đà đến rồi!”.
Lần đầu tiên các trường học Pakistan phải đóng cửa vì lệnh phong tỏa chống Covid-19 là vào tháng 3.2020. Kể từ đó, chính phủ Pakistan chỉ cho phép mở cửa trường học trong những khoảng thời gian đứt quãng.
Do đó, khoảng 50 triệu trẻ em trong độ tuổi đến trường phải tiếp tục học từ xa. Tuy nhiên, việc học trở nên khó khăn cho những nơi như tỉnh Balochistan với nhiều ngôi làng không có kết nối internet.
Bà Raheema Jalal, một hiệu trưởng trường trung học ở Balochistan, cho biết bà đã bắt đầu thành lập Thư viện Lạc đà hồi tháng 8 năm ngoái, với hy vọng trẻ em ở những nơi xa xôi có thể tiếp tục việc học dù trường đóng cửa.
Đây là dự án hợp tác với Quỹ Giáo dục Nữ giới và tổ chức Hội Xe buýt Sách Alif Laila, hai tổ chức phi chính phủ triển khai các dự án thư viện cho trẻ em ở Pakistan suốt 36 năm qua.
Lạc đà Roshan mang theo sách đến 4 ngôi làng ở huyện Kech (tỉnh Balochistan), với tần suất 3 lần/tuần và mỗi lần dừng lại trong 2 giờ. Trẻ em có thể mượn sách và trả lại cho lạc đà Roshan vào lần kế tiếp.
“Con thích sách có hình ảnh, vì chúng dễ hiểu hơn”, bé Ambareen Imran, 9 tuổi, chia sẻ với Reuters. Hiệu trưởng Jalal hy vọng không những tiếp tục mà còn có thể mở rộng dự án lạc đà chở sách cho nhiều làng khác.
Bình luận (0)