Thú vui sưu tầm đồ độc lạ: Kỳ công sưu tầm cổ phục triều Nguyễn

03/08/2024 07:00 GMT+7

Bên cạnh câu chuyện về sự công phu khi theo đuổi cổ phục triều Nguyễn, nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Hoàng (51 tuổi) đã có những kiến giải thú vị quanh câu hỏi: Vì sao cổ phục lại lưu lạc nhiều ở miền núi Quảng Trị?

DUYÊN KỲ NGỘ VỚI HOÀNG BÀO

Căn nhà của nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng trên đường Nguyễn Sinh Cung (TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) chẳng khác gì một bảo tàng thu nhỏ với cơ man cổ vật đủ chất liệu, niên đại… đặt trang trọng trong các tủ kính. Riêng bộ sưu tập cổ phục dưới triều Nguyễn bằng chất liệu vải được ông cất giữ cẩn thận trong những chiếc hộp với phương thức bảo quản rất khác.

Thú vui sưu tầm đồ độc lạ: Kỳ công sưu tầm cổ phục triều Nguyễn- Ảnh 1.

Nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng nâng niu từng chiếc áo quan triều Nguyễn

Hoàng Sơn

"Chỉ khách quý mới được xem những chiếc áo này bởi mỗi lần mở hộp thì rất mất thời gian để trưng ra, gấp lại. Vả lại, những chiếc áo đã có tuổi đời cả 100 năm, không cẩn thận thì sẽ bị hỏng ngay…", ông Hoàng vừa nói vừa nhẹ nhàng kéo những chiếc áo ra khỏi túi nilon.

Năm 2012, giới sưu tầm cổ vật khi đến xem bộ sưu tập trang phục triều Nguyễn tại nhà Tả Vu - Đại nội Huế của ông Hoàng đã không khỏi ngỡ ngàng khi tận mắt thấy 15 chiếc áo đi ra từ chốn cung đình, như hoàng bào, áo hoàng thái hậu, áo hoàng tử, áo công chúa, áo cung nữ, áo đại triều và thường triều của quan nhà Nguyễn… Nhiều người thậm chí đã hoài nghi về nguồn gốc của những chiếc áo vì bộ sưu tập thuộc về một người chơi cổ vật khá trẻ. Mãi đến sau này, người ta mới biết theo hướng "săn" cổ vật là trang phục triều Nguyễn, ông Hoàng đã tốn không biết bao công sức, nếm mật nằm gai không biết bao năm tháng ở những vùng thâm sơn cùng cốc.

"Quan trọng nhất vẫn là duyên. Đặc biệt, duyên đẩy đưa tôi đến gặp chiếc hoàng bào có một không hai", ông Hoàng nói.

Khoảng 20 năm trước, hay tin ở vùng sâu thuộc tỉnh Salavan (Lào) có cụ ông sở hữu một chiếc áo có nguồn gốc từ cung đình hết sức lộng lẫy, ông Hoàng tức tốc vượt hàng trăm cây số đường rừng tìm đến để được tận mắt chứng kiến.

"Đó là chiếc áo vua Nguyễn từng mặc. Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ mình sẽ thấy nó", ông nhớ lại. Chiếc hoàng bào còn nguyên vẹn dài 103 cm, rộng 148 cm. Áo được làm bằng vải sa đoạn sắc vàng, các đường diềm được may bằng chỉ bạc. Mặt trước và sau giống nhau với những mảng thêu hình ảnh hơn 20 con rồng 5 móng cuộn tròn, xen kẽ với bát bửu, các loại hoa văn… cực kỳ tinh xảo.

"Biết được giá trị của chiếc hoàng bào nên họ quyết không bán. Chủ nhân cho biết chiếc áo được một người Việt ở vùng cao Quảng Trị nhượng lại với trị giá bằng 5 con trâu. Khi về Lào, chiếc áo này trở thành báu vật của gia đình. Áo chỉ được đưa ra sau khi đã thực hiện xong lễ cúng với những nghi thức quan trọng... Với sự giúp đỡ của nhiều người bản địa uy tín, cuối cùng chủ nhân chiếc hoàng bào cũng xuôi lòng. Ngót nghét cả chục năm trời đeo đuổi chứ không phải ít", ông Hoàng kể.

LY KỲ HÀNH TRÌNH LƯU LẠC CỦA ÁO VUA

Bắt đầu săn tìm y phục triều Nguyễn cách đây khoảng 20 năm, đến nay nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng đã sở hữu gần 200 chiếc áo với đủ loại, trong đó có nhiều áo đại triều của các quan nhất - nhị - tam - tứ phẩm. Ông nhớ mãi lần đeo bám suốt 1 năm ròng để mua về bằng được chiếc áo quan nhị phẩm từ tay của một người Vân Kiều ở xã Thuận (H.Hướng Hóa, Quảng Trị). Đó là chiếc áo được dệt thất thể (bảy màu) có hình tứ linh.

Thú vui sưu tầm đồ độc lạ: Kỳ công sưu tầm cổ phục triều Nguyễn- Ảnh 2.

Đam mê sưu tầm cổ phục triều Nguyễn, ông Hoàng cũng là người thường xuyên nghiên cứu, tìm hiểu trang phục cổ

Hoàng Sơn

"Tôi đến nơi thì chủ nhân chiếc áo yêu cầu cúng bái mới cho xem. Khách xem xong thì ông ấy... đổi ý, không bán nữa. Nhiều lần lui tới thuyết phục, đầu năm 2015 tôi sở hữu chiếc áo này với giá bán trên 100 triệu đồng. Từ những kỷ niệm đi sưu tầm y phục triều Nguyễn, tôi đúc kết rằng, nhiều khi có tiền cũng không mua được nếu không đủ đam mê", ông Hoàng nói.

"Ông đã bao giờ thử lý giải tại sao y phục triều Nguyễn lại có mặt ở vùng núi phía tây tỉnh Quảng Trị?", tôi hỏi. Nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng không trả lời ngay mà kể câu chuyện, trong thời gian hơn 20 năm đi tìm cổ phục, ông đã tìm thấy 5 hoàng bào mà nhà vua từng mặc (không có long bào). Trong đó, có khoảng 3 chiếc áo cỡ nhỏ nhiều khả năng được vua Hàm Nghi sử dụng.

"Chủ nhân chiếc hoàng bào mà tôi từng lao tâm khổ tứ sưu tầm được kể lại rằng, chiếc áo được ông cố nội đổi từ một gia đình người Việt tại vùng Cùa (Cam Lộ, Quảng Trị) - nơi có thành Tân Sở thuộc xã Cam Chính, H.Cam Lộ từng được vua Hàm Nghi chọn làm "kinh đô kháng chiến" và ra dụ Cần Vương, kêu gọi nhân dân đứng lên chống thực dân Pháp. Chiếc hoàng bào vừa mặc cho một vị vua ở tuổi 14 - 15", ông Hoàng nói.

Ông Hoàng cho rằng sở dĩ cổ phục triều Nguyễn có nhiều ở miền tây Quảng Trị và hiện diện trong những gia đình người dân tộc thiểu số vì họ là những người có thói quen bảo quản đồ vật trên cao như giàn bếp nên không bị hư hại.

"Nhiều cổ phục có khả năng cao là liên quan đến sự kiện "kinh đô thất thủ" năm 1885. Theo đó, đoàn bôn tẩu cùng nhà vua đến thành Tân Sở cũng rất đông. Quá trình kháng chiến, những y phục của triều Nguyễn vì thế mà lưu lạc vào trong dân. Qua những cuộc trao đổi giữa miền xuôi với miền ngược, những y phục của quan lại, hoàng bào… đã đến vùng biên giới Việt - Lào", ông Hoàng nhận định.

Chia sẻ cách bảo quản cổ phục, nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng cho biết vì được làm bằng vải, lại có tuổi đời trên 100 năm nên y phục triều Nguyễn cần phải có cách lưu giữ riêng. Thi thoảng ông Hoàng lại lấy cổ phục ra phơi nắng nhẹ trong 1 giờ đồng hồ. Sau đó, cho vào những chiếc túi nilon, đặt vào những chiếc hộp có hạt tiêu.

"Cổ phục triều Nguyễn được may bằng tơ lụa nên rất dễ bị côn trùng cắn phá, mục nát nếu ngấm nước. Vì thế, tôi đã quyết định chuyển nhượng cho Bảo tàng Lịch sử TP.HCM 50 bộ. Nhà sưu tầm cổ vật không chỉ thỏa niềm đam mê của mình mà còn đóng vai trò là người trung gian đi tìm kiếm, chuyển đến bảo tàng để bảo quản, quảng bá tốt hơn. Đó cũng là trách nhiệm nhằm mang lại điều gì đó ý nghĩa cho cộng đồng", nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng trải lòng. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.