'Thừa điện vẫn phải nhập từ Trung Quốc, Lào, lãng phí thế ai chịu trách nhiệm?'

25/05/2023 13:00 GMT+7

Nhiều đại biểu Quốc hội nêu tình trạng hàng ngàn MW điện gió, điện mặt trời không phát được lên lưới, trong khi phải nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào là lãng phí, và cần phải làm rõ trách nhiệm.

Lãng phí như thế ai chịu trách nhiệm?

Sáng 25.5, Quốc hội thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội và nhiều nội dung khác.

'Thừa điện vẫn phải nhập từ Trung Quốc, Lào, lãng phí thế ai chịu trách nhiệm?' - Ảnh 1.

Đại biểu Lê Thanh Vân phát biểu thảo luận tại tổ

PHẠM THẮNG

Nêu ý kiến tại tổ số 4 (gồm các đơn vị Hải Phòng, Lai Châu, Cà Mau, Thừa Thiên - Huế), đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nêu tình trạng sản xuất điện trong nước nhiều bất cập.

Đại biểu Lê Thanh Vân: "Dân khó khăn, đói kém thì xây tượng đài để ca ngợi gì?"

Theo ông Vân, điện gió, điện mặt trời Việt Nam có nhiều lợi thế, nhưng mãi gần đây mới đưa vào Quy hoạch điện 8. Còn một loạt dự án điện gió, điện mặt trời đưa vào Quy hoạch điện 7 đang vướng mắc cơ sở pháp lý dẫn đến không hòa được vào lưới điện.

"Chúng ta thừa điện, có doanh nghiệp phải đóng cửa, chạy chỉ để duy trì kỹ thuật nhưng không hòa vào mạng lưới được. Lãng phí như thế ai chịu trách nhiệm", ông Vân nêu.

Trong khi đó, ông Vân cho biết, Việt Nam đang nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào. "Có buồn không? Tại sao như vậy? Nếu giá thành của họ thấp, tại sao chúng ta không kiểm tra xem có giảm được giá điện không? Việt Nam có thể xác định là một cường quốc điện gió, điện mặt trời nhưng vì sao vẫn phải nhập khẩu?", ông Vân nêu.

Cũng theo ông Vân, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ triền miên như vậy, có năm lỗ hàng chục nghìn tỉ đồng nhưng phải xem quan chức ngành điện đời sống thế nào, chi tiêu thế nào. "Quốc hội cần phải mổ xẻ nhiều chuyện", ông Vân nêu.

Sao chỉ mình EVN kinh doanh lỗ?

Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau), Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cũng phản ánh người dân bức xúc vì sao hiện nay phải đi nhập khẩu điện trong khi 4.600 MW điện gió, điện mặt trời không được hòa mạng, không bán được lên lưới điện.

'Thừa điện vẫn phải nhập từ Trung Quốc, Lào, lãng phí thế ai chịu trách nhiệm?' - Ảnh 2.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh nêu ý kiến tại tổ

PHẠM THẮNG

"Vì sao thế? Đây cũng là tài sản quốc gia chứ, sao lại lãng phí như thế?", ông Minh nêu. Theo ông Minh, nguyên nhân khiến các nguồn điện này không được huy động là do sai về thủ tục, quy chế nhưng thủ tục do ta đặt ra, tại sao không cải tiến thủ tục này để hòa lưới 4.600 MW, mà lại phải đi mua điện Trung Quốc, Lào.

"Trách nhiệm ở đây là cơ quan nào?", ông Minh nói và cho rằng, ngành điện phải đổi mới nhiều, trong khi trong báo cáo chưa thấy Chính phủ đưa ra giải pháp cho vấn đề này.

Ông Minh cũng cho biết đã trực tiếp tham dự nhiều cuộc họp và thấy, trong tổng 100% sản lượng điện phát lên lưới thì nguồn điện từ EVN chỉ chiếm tỷ lệ nhất định, còn lại là nguồn điện phát từ các công ty, doanh nghiệp khác ngoài EVN.

"Vậy tại sao những doanh nghiệp này kinh doanh lãi, mà EVN lại kinh doanh lỗ?", ông Minh cũng đặt câu hỏi như đại biểu Yên.

Dẫn lại quy định của luật Điện lực là Nhà nước chỉ độc quyền truyền tải, ông Minh nói, giờ EVN "ôm" cả phân phối.

"Ngành điện có 100.000 cán bộ. Hệ thống phân phối chỉ ghi số thôi, có gì đâu mà sao đông như vậy, lỗ là lỗ ở đây. Chúng ta chỉ cải cách, làm đúng luật Điện lực, tách phần truyền tải Nhà nước độc quyền, còn phân phối thì không cần", ông Minh kiến nghị.

ĐBQH Đinh Ngọc Minh: “Thừa điện vẫn phải nhập từ Trung Quốc, Lào, lãng phí thế ai chịu trách nhiệm?”

Phải đi tận gốc rễ để thấy nguyên nhân từ đâu

Thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, ông đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công thương để tháo gỡ vướng mắc.

'Thừa điện vẫn phải nhập từ Trung Quốc, Lào, lãng phí thế ai chịu trách nhiệm?' - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trao đổi tại thảo luận tổ

GIA HÂN

"Nếu vướng về vấn đề giá điện thì Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Công thương để cùng xây dựng giá, đảm bảo giải toả được nguồn vốn ứ đọng mà các doanh nghiệp đã vay vốn ngân hàng và bỏ vốn ra làm, ông Phớc nói.

Tuy nhiên, theo ông Phớc, Bộ trưởng Bộ Công thương bảo rằng "không phải vướng về giá, mà vướng về công suất, tức hiện nay chúng ta đủ tải rồi". "Tôi có hỏi lại, nếu chúng ta đủ tải rồi thì tại sao cho làm. Còn nếu đã làm rồi thì tại sao không giảm bớt điện đã mua của nước ngoài?", Bộ trưởng Phớc nói.

Ông Phớc cho hay, Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời là đã ký hiệp định với nước ngoài rồi, bây giờ không thể đàm phán để cắt được. "Đấy là nguyên nhân và chúng ta phải đi tận gốc rễ của vấn đề để thấy được nguyên nhân từ đâu và phải giải quyết như thế nào", ông Phớc cho hay.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, cần phải sửa một số quy định, đặc biệt ách tắc nhất là luật Quy hoạch và luật Đầu tư công.

"Ngay cả mấy năm nay chúng ta ban hành luật Quy hoạch nhưng vẫn loay hoay không triển khai được, rồi cả vấn đề điện cũng thế", ông Phớc nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.