Thừa nhận chậm hỗ trợ người khó khăn do Covid-19, chính quyền ra giải pháp tháo gỡ

22/10/2021 13:04 GMT+7

UBND tỉnh Tiền Giang đang chỉ đạo quyết liệt các địa phương cấp huyện, xã trên tinh thần 'rộng lượng' sao cho số tiền ít ỏi mà Nhà nước hỗ trợ thực sự có ý nghĩa với người khó khăn do Covid-19 .

Tốc độ giải ngân rất chậm

Trong tháng 10, một số trường hợp ở các huyện Châu Thành, Tân Phước…(Tiền Giang) đã tìm đến UBND cấp xã, nơi cư trú để yêu cầu lãnh đạo địa phương có lời giải thích thỏa đáng cho việc chậm hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 68 (hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19).

Lãnh đạo các xã trình bày khó khăn khách quan vì cấp trên chưa phê duyệt, chưa chuyển tiền về, thêm nữa là khó khăn về điều kiện đi lại trong dịch bệnh, trong khi có quá ít cán bộ cán bộ ở cấp xã phụ trách công tác này… nên đã dẫn đến tình trạng chậm hỗ trợ cho người khó khăn do Covid-19. Người dân cơ bản đồng thuận và tiếp tục chờ đợi.

Đa số đối tượng thuộc diện được hỗ trợ do khó khăn vì dịch Covid-19 ở Tiền Giang vẫn chưa tiếp cận được chính sách

BẮC BÌNH

Trong đó khi đó, Cơ quan CSĐT Công an H.Tân Phước (Tiền Giang) đã khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng xảy ra tại xã Tân Lập 1, H.Tân Phước vào ngày 8.10 vừa qua. Cơ quan điều tra nhận định các bị can này đã lợi dụng việc “đòi” hỗ trợ chính sách để kích động, xúi giục, tổ chức cho nhiều người gây rối.

Trong bối cảnh đó, theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH Tiền Giang, trong hơn 3,5 tháng phong tỏa toàn xã hội do dịch bệnh, tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho 57.809 người. Trong đó, UBND tỉnh phê duyệt cho hơn 42.000 người gồm người bán vé số lẻ là 12.176 người lao động tự do khác 29.926 người. Tổng số tiền đã giải ngân hỗ trợ hơn 63 tỉ đồng.

Đánh giá về kết quả trên, bà Châu Thị Mỹ Phương, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang, cho rằng tốc độ giải ngân cho người bị khó khăn do Covid-19 như trên là rất chậm. Nguyên nhân của tình trạng này, theo bà Phương, trước đây, theo quy định, UBND cấp xã tập hợp danh sách gửi về UBND cấp huyện làm quy trình, phê duyệt rồi gửi lên Sở LĐ-TB-XH tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Quy trình chặt chẽ như vậy nên đã dẫn đến việc chậm giải ngân hỗ trợ cho bà con trong lúc bà con rất cần nguồn hỗ trợ này.

Do đó, ngày 2.10, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2604 về việc bổ sung đối tượng, thủ tục giải ngân ngắn hơn trước để đẩy nhanh tiến độ giải ngân theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.

Theo quy định mới, Chủ tịch UBND cấp huyện được đại diện cho Chủ tịch UBND tỉnh Tiền giang trong phê duyệt chi hỗ trợ cho người gặp khó khăn do Covid-19.

BẮC BÌNH

Theo quyết định mới bổ sung, UBND tỉnh Tiền Giang ủy quyền cho lãnh đạo UBND cấp huyện trực tiếp phê duyệt từ các danh sách của UBND cấp xã gửi lên và chịu trách nhiệm với UBND tỉnh.

Ngoài ra, tất cả gạo được Chính phủ hỗ trợ cho người dân Tiền Giang cũng đã được phân phát xong. Tuy nhiên, do lượng gạo không đủ theo nhu cầu thực tế của người dân nên UBND tỉnh Tiền Giang đã có kiến nghị với Bộ LĐ-TB-XH về vấn đề này.

Xin ý kiến kéo dài hỗ trợ đợt 3 tại TP.HCM

Đi lại khó khăn nên khó liệt kê danh sách

Từ ngày 15.10, người dân tỉnh Tiền Giang đã được đi lại bình thường theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ. Từ đây, công tác hỗ trợ đối tượng khó khăn do Covid-19 tại địa phương lại gặp vướng mắc khác.

“Tôi quê ở Vĩnh Long, làm hồ trên địa bàn H.Tân Phước. Dịch Covid-19, tôi bị kẹt lại ở nhà trọ gần 4 tháng không về quê được, không đi làm được, mất thu nhập. Được đi làm lại nên tôi đi làm chứ chưa về quê. Tôi có vào UBND xã nơi trọ thì cán bộ bảo phải về xã quê mình xin giấy xác nhận là chưa nhận hỗ trợ thì mới được hỗ trợ 1,5 triệu đồng. Trong khi, nếu về quê nhà xin giấy các kiểu trở lên chắc chi phí cũng tầm tiền được nhận hỗ trợ mà mất hết mấy ngày công lao động. Thú thật, trong mấy tháng ròng rã túng thiếu trong nhà trọ, tôi mới thực sự khát khao số tiền 1,5 triệu đồng hỗ trợ, còn nay thì không quan trọng lắm, tay làm hàm nhai được mà”, một lao động tự do trọ ở H.Tân Phước, Tiền Giang chia sẻ.

Nguồn gạo hỗ trợ từ hoạt động an sinh xã hội của Chính phủ cho người dân Tiền Giang đã được cấp phát xong nhưng chưa thể đủ cho tất cả những người dân cần

BẮC BÌNH

Trong khi đó, nhiều cán bộ phụ trách công tác lao động, thương binh xã hội cấp xã ở tỉnh Tiền Giang cũng chia sẻ với PV Báo Thanh Niên rằng họ cũng đang gặp khó khăn trong chuyện này. Bởi, trong thực tế, có rất nhiều người trú ở xã này nhưng nhà của họ ở xã kế bên… Mặt khác, khi được đi lại tự do thì ai cũng có xu hướng về thăm nhà. Do đó, nếu cán bộ cấp xã ghi nhận những đối tượng quê quán ở ngoài xã mà không có giấy xác nhận từ xã của họ là chưa có trong danh sách hỗ trợ thì cũng rất dễ trùng đối tượng.

“Chúng tôi không thể tùy tiện đưa đối tượng nhận hỗ trợ vào danh sách khi mà thông tin chưa rõ ràng như vậy. Việc ấy rất dễ bị cấp trên kết luận rằng đã cẩu thả, sai phạm”, một cán bộ chia sẻ.

Những bất cập trên đã được PV Báo Thanh Niên chuyển tải đầy đủ đến ông Nguyễn Văn Mười, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang. Ông Mười cũng nhận định rằng đó là bất cập cần phải tháo gỡ trong thời gian sớm nhất. “Chúng tôi ghi nhận đầy đủ những thông tin này và UBND tỉnh sẽ bàn bạc, thống nhất cách tháo gỡ để bà con có thể thuận lợi nhận được số tiền hỗ trợ trong thời gian sớm nhất”, ông Mười nói.

Ai cần đến UBND cấp xã nơi cư trú để được nhận hỗ trợ?

Theo quy định của tỉnh Tiền Giang, đến hết ngày 15.1.2022, những người sau đây nếu muốn nhận được trợ cấp từ nhà nước chỉ cần đến đăng ký với UBND cấp xã nơi cư trú. Gồm: bán hàng rong hoặc buôn bán lẻ không có điểm cố định; Thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa, chạy xe ôm, xích lô chở khách; bán vé số lưu động; người tự làm hoặc làm thuê tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (cơ sở có 2 người tự làm chỉ hỗ trợ cho 1 người); người tự làm hoặc làm thuê trong các cơ sở làm đẹp. Phục vụ quán bar, karaoke, bi da, hát với nhau, các cơ sở kinh doanh thể dục, thể thao; giúp việc nhà; thợ hồ, phụ hồ, thợ điện, nước,…trong các công trình xây dựng; tài xế chạy xe dịch vụ cho các cơ sở có đăng ký kinh doanh; chủ các tiệm sửa xe gắn máy, xe đạp mà không có thuê mướn lao động; lao động làm thuê tại các tiệm sửa xe gắn máy, xe đạp; người lao động có hộ nghèo, cận nghèo làm thuê không cố định trong lĩnh vực phi nông nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động thời vụ, nhận khoán việc tại các doanh nghiệp, cơ sở du lịch, lưu trú, ăn uống mà bị mất việc do dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.