Thừa Thiên - Huế: Chiêu 'tuyển người' kỳ lạ của một cơ sở kinh doanh

31/05/2021 11:26 GMT+7

Sau khi bị phạt hành chính vì tụ tập quá số người quy định trong giai đoạn phòng dịch Covid-19 , cơ sở kinh doanh Lộc Phát tại TP.Huế (Thừa Thiên - Huế) còn bị phản ánh về cách thức “tuyển người” kỳ lạ.

Hồi giữa tháng 5, cơ sở kinh doanh Lộc Phát (gọi tắt là cơ sở Lộc Phát, chức năng kinh doanh thực phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, ở P.An Cựu, TP.Huế) đã bị các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện có đến 49 người tụ tập, vượt quá quy định phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành (không quá 10 người).
Sau đó, UBND TP.Huế xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng. Số người tụ tập ở cơ sở này đa số là người đến phỏng vấn, tư vấn việc làm (tuyển nhân viên tư vấn, bán hàng).
Đáng chú ý, ngoài hành vi vi phạm quy định phòng dịch, Công an TP.Huế cũng vào cuộc xác minh việc cơ sở Lộc Phát bị nhiều người có đơn, thư trình báo tuyển dụng nhân viên bán hàng và có dấu hiệu lừa đảo.

Mua hàng để… bán hàng

H.T.Q.N (19 tuổi, trú tại TP.Huế), một trong số những người gửi đơn đến cơ quan công an, cho biết ngày 13.12.2020 đã đến cơ sở Lộc Phát xin việc, do thấy thông tin tuyển dụng đăng trên mạng xã hội đăng. Nhưng nhân viên của cơ sở này lại hướng dẫn người tên Nguyễn Văn Phú chở N. đến một cửa hàng điện thoại di động để… mua trả góp chiếc điện thoại với giá 17 triệu đồng, cộng với tiền lãi hơn 1 triệu đồng. Mua điện thoại xong, Phú hướng dẫn N. bán ngay chiếc điện thoại lại cho cửa hàng đó (với giá bao nhiêu không rõ), nhưng Phú đưa 10,5 triệu đồng tiền mặt cho N. Sau đó, Phú cũng chở N. về lại cơ sở Lộc Phát, lấy 15 hộp sản phẩm viên tỏi đen để N. mang đi bán (và N. phải trả khoản tiền 10 triệu đồng). Với chuỗi “giao dịch” này, rốt cuộc N. vẫn đang… nợ tiền mua trả góp chiếc điện thoại.
Theo hướng dẫn của cơ sở Lộc Phát, sau khi lấy hàng viên tỏi đen, N. phải lên Facebook rao bán và mời người thân mua hàng, tham gia bán hàng cùng. Thực tế, N. không bán được hàng nên đã “ép” mẹ mình mua 3 hộp, số còn lại mang trả cho cơ sở Lộc Phát, lấy lại tiền nhưng cơ sở này không chấp nhận... Theo N., với cách thức đó, khi đến xin việc, chị chẳng những không có việc làm mà còn nợ tiền mua điện thoại, hằng tháng phải trả góp 1,5 triệu đồng.
Theo ghi nhận của Công an P.An Cựu, trước đó có 3 lần đơn vị nhận đơn phản ánh của các bị hại với nội dung tương tự. Thậm chí, đã xảy ra xô xát giữa người của cơ sở này với gia đình của những “bị hại” như N., khiến Công an P.An Cựu phải đến can thiệp. Công an P.An Cựu đã chuyển hồ sơ các vụ việc cho Công an TP.Huế để xử lý theo thẩm quyền.
Sau khi bị N. tố cáo và làm việc với cơ quan công an, ngày 25.5, bà Trần Thị Ni Na (chủ cơ sở Lộc Phát) đã chấp nhận nhận lại số hàng không bán được và trả lại số tiền tương ứng 6,5 triệu đồng mà N. đã mua hàng. Làm việc với cơ quan công an, bà Ni Na thừa nhận có chuyện nhân viên đưa N. đi mua trả góp điện thoại sau đó bán điện thoại lấy tiền về nhập hàng để bán, nhưng đều do N. “tự nguyện” và “có nguyện vọng”. Sau khi nhận lại tiền, N. cũng đã rút đơn tố cáo.
Đáng chú ý, theo cơ quan điều tra Công an TP.Huế, không chỉ có N. mà trước đó đơn vị cũng nhận nhiều đơn, thư, trình báo của những người nhẹ dạ khác. Chỉ vì mong muốn có việc làm, họ đã vướng vào nợ nần do bị nhân viên của cơ sở này dùng chiêu đưa đi mua điện thoại trả góp để lấy tiền mua hàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.