Nước sông Hương vượt đỉnh lũ 2020
Mưa lớn từ chiều 14.11 đến sáng 15.11 đã khiến nhiều khu vực tại Thừa Thiên-Huế chìm trong biển nước. Riêng tại TP.Huế có đến 85% tuyến đường của 36 phường, xã bị ngập, gây hư hại hàng loạt đồ đạc, phương tiện. Người dân hoàn toàn bất ngờ với lượng nước lớn đổ về trong đêm, nhấn chìm mọi thứ chỉ sau vài giờ đồng hồ.
Tại H.Phong Điền, nhiều tuyến đường như QL 49B, Tỉnh lộ 4, Tỉnh lộ 6, Tỉnh lộ 9 ngập sâu, có nơi nước ngập hơn 1,5 m gây tê liệt, ách tắc giao thông. Huyện vùng trũng Quảng Điền ghi nhận nhiều nơi bị ngập sâu, có nơi hơn 2 m. Chính quyền các địa phương phải khẩn trương sơ tán hơn 5.500 người…
Người Huế lên mạng xã hội kêu cứu, công an xuyên đêm cứu hộ trong mưa lớn
Đặc biệt, chiều 14.11 đã xảy ra lốc xoáy tại TT.Lăng Cô (H.Phú Lộc) làm một nhà dân bị tốc mái, một số nhà hàng ven biển bị hư hại, nhiều cây ven đường ngã đổ. Tuyến đường ra khu du lịch Laguna thuộc huyện này bị sạt trượt mái dốc taluy tại 2 vị trí dài khoảng 150 m… Đến trưa 15.11, tại xã Bình Tiến (TX.Hương Trà) xảy ra sạt lở đất vùi lấp căn nhà của vợ chồng ông Trần Đình Minh (51 tuổi). Ngay sau đó, lực lượng chức năng nhanh chóng có mặt, cứu hộ 2 nạn nhân ra khỏi hiện trường vụ sạt lở, đưa đến Bệnh viện đa khoa Bình Điền để theo dõi, điều trị.
Trong hôm qua, nhiều khu vực tại TP.Huế bị nước lũ bủa vây, có nơi nước ngập hơn 1 m, nhấn chìm rất nhiều tài sản của người dân. Một số người đã dùng ô tô đi tránh lũ ở những đoạn đường cao ráo nhưng vẫn bị nước lũ nhấn chìm. Dọc tuyến đường Tố Hữu, khu vực mà nhiều người dân thường mang xe đến để tránh trú vào những đợt mưa lũ, lần này cũng bị ngập sâu, cô lập. Tại đoạn giao nhau với đường Bà Triệu, hàng trăm ô tô bị mắc kẹt, có xe ngập đến kính chắn gió, khiến xe cứu hộ không thể tiếp cận.
Anh Hoàng Trọng Nhật (TP.Huế) cho biết anh đã "đón đầu" trận lũ bằng việc mang xe đến gửi tại một siêu thị trên đường Bà Triệu vì đây là vị trí cao và khá an toàn trong những đợt lụt trước. Tuy nhiên, trận lũ lần này khá lớn, nước lên nhanh nên đã ngập mấp mé bánh xe. "Lo quá nên tôi thuê ghe ra đưa xe lên điểm cao hơn. Trên đường, nhìn loạt ô tô bị ngập mà xót quá, nước lên nhanh quá nên nhiều người không kịp trở tay", anh Nhật nói.
Theo ông Đặng Văn Hòa, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế, đợt mưa lớn lần này được đánh giá khá cực đoan và khó lường, với lưu lượng có nơi ghi nhận lên đến 1.000 mm. Trong đêm 14.11, nước từ đầu nguồn đổ về, cộng với các hồ chứa điều tiết để chủ động đón lũ khiến mực nước các sông lên nhanh. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, đến trưa 15.11 mực nước sông Hương tại Kim Long là + 4,28 m, trên báo động 3; Sông Bồ tại Phú Ốc là + 4,87 m, trên báo động 3. Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế cho hay mức nước sông Hương năm nay cao hơn đỉnh lũ năm 2020.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng thông báo cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học ngày 15.11.
Nước sông Hương vượt đỉnh lũ năm 2020, dân Huế lội nước ngang bụng đi mua đồ ăn
Mưa diễn ra cực đoan và khó lường
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, đến tối 15.11, mưa lũ tại Thừa Thiên-Huế vẫn diễn biến phức tạp. Ông Hoàng Hải Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết đang tập trung chỉ đạo theo sát tình hình mưa lũ từng phút, theo sát người dân để kịp thời có phương án hỗ trợ. "Dù đã chuẩn bị sẵn sàng nhiều kịch bản từ trước, tuy nhiên mưa diễn ra cực đoan và khó lường, gây ngập lụt diện rộng. Hiện mực nước tại các hồ đang ổn định, địa phương vẫn đang chủ động trước mọi tình huống", ông Minh cho hay.
Trong lúc nước lũ dâng cao, nhiều trường hợp người già, thai phụ, trẻ em nhỏ... ở các khu vực bị ảnh hưởng đã được lực lượng chức năng tổ chức ứng cứu, đưa đến nơi an toàn. Về giao thông, tại các điểm ngập lụt, lực lượng chức năng đã phân luồng, đặt biển báo "nguy hiểm", rào chắn… Đồng thời cắt cử cán bộ trực 24/24 tại điểm ngập, hỗ trợ người dân trong các tình huống nguy hiểm. Các phương tiện lưu thông trên QL 1A qua tuyến được hướng dẫn lên cao tốc Cam Lộ - Túy Loan, tránh các tuyến đường ngập lụt. Ngoài ra, Công an tỉnh đã điều động 800 cán bộ chiến sĩ và các phương tiện cứu hộ cứu nạn cần thiết để sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu tại các xã.
Trước đó, lực lượng quân đội đã xây dựng các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; duy trì nghiêm túc chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực sẵn sàng chiến đấu và trực cứu hộ, cứu nạn; đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị duy trì trực theo đúng kế hoạch, thường xuyên theo dõi nắm chắc tình hình thiên tai.
Xem nhanh 12h ngày 16.11: Lũ lụt miền Trung diễn biến phức tạp | Khởi tố người rượt đuổi, tấn công CSGT
Thủ tướng chỉ đạo khẩn về ứng phó, khắc phục
hậu quả mưa lũ
Ngày 15.11, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang ký công điện của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực miền Trung. Công điện nêu rõ Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ; bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Phối hợp với các cơ quan có liên quan chủ động chỉ đạo vận hành an toàn các công trình, hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn để bảo đảm an toàn cho công trình, an toàn cho vùng hạ du, không để xảy ra lũ nhân tạo, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du...
Đình Huy
NHIỀU NƠI Ở QUẢNG NAM XUẤT HIỆN SẠT LỞ ĐẤT
Chiều 15.11, Sở GTVT tỉnh Quảng Nam cho biết mưa lớn kéo dài khiến một số tuyến đường quốc lộ bị ngập sâu, sạt lở taluy, giao thông bị chia cắt cục bộ. Cụ thể, QL 40B đoạn qua xã Trà Tân (H.Bắc Trà My) xảy ra sạt lở đất tại Km 66+700, QL 14H đoạn qua xã Duy Phước (H.Duy Xuyên) tắc đường tại Km 13+300 do nước ngập sâu từ 0,5 - 0,7 m. Ngoài ra, tuyến ĐT606 bị sạt lở tại Km8+500 đoạn qua xã A Tiêng và Km 29+100 đoạn qua xã Lăng (H.Tây Giang).
Tại huyện miền núi Tây Giang, một số điểm trên đường ĐH3.TG vẫn chưa lưu thông được do nước tràn qua, ngập sâu. Lực lượng chức năng đã giăng dây, cắm biển cảnh báo, hướng dẫn không cho người dân qua lại để đảm bảo an toàn. Đường từ xã Phước Đức qua Phước Chánh (H.Phước Sơn) cũng xuất hiện nhiều điểm sạt lở đất. Từ taluy dương, bùn đất kèm cây cối ngã đổ tràn xuống mặt đường. Chính quyền địa phương huy động lực lượng hỗ trợ khắc phục, đảm bảo người dân lưu thông được an toàn trong thời gian sớm nhất.
Tại phố cổ Hội An, mưa lớn kéo dài nhiều ngày khiến nước sông Hoài dâng cao, làm ngập nhiều tuyến đường đi bộ như Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Lợi, Hoàng Văn Thụ... Khi nước lũ dần rút, bùn non bám dày đặc trên các tuyến phố, cửa hàng trong phố cổ. Với phương châm "nước rút đến đâu, dọn dẹp đến đó", người dân Hội An chung tay cùng công nhân vệ sinh môi trường khẩn trương dọn dẹp để kịp đón khách.
Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ vùng núi, sạt lở đất trên sườn dốc, sụt lún đất tại khu vực các huyện Bắc Trà My, Đại Lộc, Đông Giang, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Nam Giang, Nam Trà My, Nông Sơn, Núi Thành, Phước Sơn, Tây Giang, Tiên Phước. Trong 6 giờ tới, các địa phương tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 10 - 30 mm, có nơi trên 50 mm.
Mạnh Cường
Bình luận (0)