Là một trong những địa phương tiên phong trong việc cải cách hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Trong những năm qua, việc đầu tư hạ tầng thiết bị và ứng dụng CNTT cho xây dựng chính quyền điện tử đã được tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm, tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cải cách hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin. Đến thời điểm này, hạ tầng “cơ quan điện tử” cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn phục vụ công tác xây dựng chính quyền điện tử. Trong đó, mô hình Trung tâm phục vụ Hành chính công (TTPVHCC) được coi là bước đột phá về cải cách hành chính và hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh; thể hiện quyết tâm cải cách của lãnh đạo tỉnh, hướng tới sự thuận lợi và nâng cao mức độ hài lòng cho người dân.
Trong năm 2017 và đầu năm 2018, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức rất thành công mô hình Trung tâm Phục vụ Hành chính công các cấp. Bao gồm Trung tâm PVHCC cấp tỉnh và 9 trung tâm hành chính công (TTHCC) cấp huyện cũng được thành lập và đi vào hoạt động. Hiện nay, tỉnh cũng đang triển khai mô hình một cửa hiện đại cấp xã nhằm xây dựng mô hình thống nhất, đồng bộ từ các cấp, tạo sự chuyển biến tích cực trong giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, đáp ứng kỳ vọng về sự đổi mới, đột phá trong công tác cải cách TTHC của tỉnh.
Với sự đồng bộ hệ thống liên thông thủ tục từ cấp xã đến cấp tỉnh, Trung tâm hành chính công các cấp và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã đã giúp các cấp lãnh đạo giám sát, theo dõi cụ thể và đôn thúc quá trình giải quyết thủ tục hành chính của các đơn vị chuyên môn.
Từ sự đồng bộ đó, với mục tiêu tạo sự thống nhất và quyết tâm cao của các hệ thống chính trị trong việc cải cách thủ tục hành chính và giải quyết công việc của tổ chức cá nhân, đưa ứng dụng CNTT vào quá trình tiếp nhận xử lý các TTHC tại trung tâm hành chính công được số hóa và được cắt giảm theo hướng đơn giản, được lưu trữ sử dụng chung và được kết nối giải quyết trực tuyến tạo lập môi trường làm việc văn minh, hiện đại giải quyết nhanh hiệu quả các thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân.
Triển khai mô hình TTHCC các cấp đã đạt được 3 mục tiêu. Thứ nhất đảm bảo người dân chỉ nộp hồ sơ và nhận hoàn trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại một địa điểm duy nhất nhằm quản lý thống nhất, đồng bộ việc giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn. Thứ hai là đảm bảo số hóa, tạo lập hồ sơ điện tử và lưu vết toàn bộ hồ sơ được tiếp nhận tại trung tâm, hướng tới những thành phần hồ sơ này không cần phải nộp lại khi công dân, tổ chức tham gia giải quyết thủ tục hành chính tại các Trung tâm Hành chính công ở lần tiếp theo trên địa bàn toàn tỉnh...; Thứ ba đảm bảo việc giám sát, theo dõi quá trình tiếp nhận, xử lý và hoàn trả thủ tục hành chính nhanh, gọn, công khai minh bạch, giảm chi phí thực hiện TTHC, tăng cường tính liên thông trong giải quyết TTHC cũng như đánh giá mức độ hài lòng, các chỉ số, năng lực cạnh tranh của địa phương... tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tạo điều kiện cho chính quyền địa phương giám sát, đôn đốc, theo dõi một cách khách quan, độc lập...
Để đạt được mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp cụ thể như đẩy mạnh cải cách TTHC, bảo đảm áp dụng tối đa các giải pháp phân cấp, ủy quyền cho cơ quan hành chính cấp dưới trực tiếp giải quyết TTHC; nghiên cứu lồng ghép các thủ tục có liên quan để giảm thời gian, hồ sơ và chi phí cho tổ chức, cá nhân; bố trí con người đủ năng lực, đủ thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ được giao; tiếp tục hoàn thiện các phân hệ phần mềm phục vụ hoạt động của Trung tâm HCC; thực hiện liên thông giải quyết TTHC từ cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh để rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và triển khai dịch vụ bưu chính công ích và cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4 cho cá nhân, tổ chức đăng ký TTHC trực tuyến và có thể thanh toán phí, lệ phí và thuế trên môi trường mạng nhằm giảm thời gian đi lại, chi phí thực hiện TTHC.
Bình luận (0)