Chiều 28.3, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có kỳ họp chuyên đề lần thứ 10, khóa VIII với HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong đó nội dung trọng điểm là thảo luận về tờ trình xây dựng đề án "Phát triển kinh tế xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030".
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đề án "Phát triển kinh tế xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030" sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần thiết, đảm bảo phù hợp với giai đoạn hiện nay, góp phần xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc T.Ư.
Mục tiêu xây dựng đề án nhằm phân tích, đánh giá khách quan, đầy đủ, toàn diện về thực trạng và tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh và các đặc thù về tự nhiên, kinh tế, xã hội, môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế biển và vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đề án gồm 4 phần, phạm vi gồm 44 đơn vị cấp xã đầm phá, ven biển. Ưu tiên nguồn vốn thực hiện 5 chương trình trọng điểm. Nhu cầu vốn đầu tư thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 từ 50.000 - 60.000 tỉ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 từ 100.000 - 110.000 tỉ đồng.
Tại kỳ họp lần này, các đại biểu đánh giá cao, thống nhất với tính cấp bách xây dựng đề án. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị nhìn nhận lại vấn đề quy hoạch đầm phá; đẩy mạnh kết cấu hạ tầng dịch vụ về hạ tầng du lịch biển, đô thị biển; xây dựng sản phẩm chủ lực vùng đầm phá; bổ sung thêm một số nhiệm vụ trọng tâm; sắp xếp lại đất nghĩa trang vùng ven đầm phá;…
Qua đó, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã giải trình, tiếp thu các vấn đề các đại biểu nêu. Đồng thời khẳng định, đề án này nhằm kết nối kinh tế biển, du lịch biển, khơi dậy tiềm năng kinh tế biển, đầm phá và quan trọng là giải pháp huy động nguồn lực cho tỉnh.
Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trải dài từ cửa sông Ô Lâu đến cửa biển Tư Hiền với diện tích hơn 22.000 ha. Hiện có khoảng 300.000 cư dân sinh sống xung quanh vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
Bình luận (0)