'Thức ăn bẩn' tràn ngập: Vào nhà hàng, trước tiên phải đi… toilet!

Mọi người sẽ cả cười vì lời khuyên này, nhưng tôi thì luôn làm thế.

Đi toilet không phải để “đi” mà để đánh giá xem mức độ vệ sinh của nhà hàng trước khi quyết định có ra bàn ngồi hay không, dù mức độ đánh giá đó hơi thiên về cảm tính.
Tôi cam đoan, nếu nhà hàng nào đó không chú trọng đến “đầu ra” thì họ cũng chẳng chú trọng đến “đầu vào”.
Trên Thanh Niên số ra ngày 22.4 có đăng bài “Đà Nẵng: Hàng ngàn cơ sở kinh doanh ăn uống không đạt chuẩn”. Trong bài viết này, PV Diệu Hiền đưa ra một con số: TP.Đà Nẵng hiện có 199 nhà hàng và 4.228 cơ sở ăn uống đăng ký kinh doanh. Trong đó, có 169 nhà hàng đạt chuẩn. Riêng các cơ sở ăn uống, kết quả cho thấy tỷ lệ đạt chuẩn rất thấp, chỉ 11% (479/4.228 cơ sở). Như Q.Hải Châu có 1.126 cơ sở ăn uống chỉ có 48 cơ sở đạt chuẩn (tỷ lệ 4%). Các quận, huyện khác 60% các cơ sở kinh doanh ăn uống không có giấy chứng nhận ATVSTP, hoặc giấy chứng nhận quá thời hạn.
Nhiều cơ sở kinh doanh quy mô nhỏ, ý thức về vệ sinh môi trường thấp, việc thực hiện còn mang tính đối phó với cơ quan chức năng. Đó là chưa kể nhiều cơ sở kinh doanh tự phát, không đảm bảo ATVSTP, lấn chiếm lòng lề đường…
Các tỉnh, thành khác, chắc cũng không khá hơn là mấy nếu không nói là còn tệ hơn. Tôi nói thế là vì, anh Nguyễn Minh Tân cùng gia đình từ Quảng Bình vào Đà Nẵng du lịch, khi rời TP này, anh không nhận xét gì nhiều mà chỉ nói “Trong này, nhà hàng, quán xá nào toilet cũng sạch sẽ hơn ở Quảng Bình nhiều”. Tôi thường đi Quảng Bình nên thấy nhận xét của anh hoàn toàn chính xác.
Ngay cả các cơ sở gọi là đạt chuẩn mà Sở Công thương TP.Đà Nẵng nêu ra, tôi cũng không tin nó “đạt chuẩn”. Không tiện nêu tên nhưng ai có dịp vào hàng quán ven đường khu vực biển Đà Nẵng sẽ thấy: Mỗi chiều có hàng mấy trăm, có quán cả ngàn khách vào, phải sử dụng cả tạ rau sống, thật khó để rửa sạch nó như ở nhà ta vẫn làm. Còn toilet khì khỏi nói, dù làm cách nào thì cả ngàn lượt người vào trong cùng một khoảng thời gian không dài cũng khó tránh khỏi việc “bốc mùi”. Mà toilet, oái oăm thay nó lại thường nằm cùng phía với nơi chế biến thức ăn. Không thiếu trường hợp giữa bữa nhậu đi vào toilet thì phát ói!
Sẽ có người nói, dân Đà Nẵng “được voi đòi tiên”, cứ đến tỉnh, thành khác mà xem. Họ có lý nhưng chưa hẳn đúng. Bởi vì, để có một chất lượng cuộc sống như mong muốn thì vệ sinh, an toàn thực phẩm không được một phút giây lơ đãng.
Mấy ngày qua, cá chết dọc biển miền Trung đã khiến người dân (kể cả người làm nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và cả người tiêu dùng) lao đao. Măng độc, dưa độc, rau độc, thịt thối, cá chết, đến lòng trứng nằm trong vỏ, giá nẩy mầm từ hạt đỗ cũng dính thuốc có độc… Người nội trợ không biết mua gì vì mua gì cũng sợ, nhưng người vào quán ăn uống nhậu nhẹt thì…vô tư!
Anh Nguyễn Khánh Hiền (Đà Nẵng) cảnh báo: “Trước đây khi dịch heo tai xanh xảy ra, nhiều người đã phất lên nhờ rán mỡ lợn và làm chả giò. Bây giờ có thể là nghề làm cá khô sẽ phất lên Nếu không có sự quản lý kịp thời, chặt chẽ, ai dám chắc trong số hàng ngàn tấn cá chết đầy bãi biển một số không biến thành cá khô chờ mùa mưa là đem ra tiêu thụ?”.
Lời cảnh báo làm người nghe kinh hãi nhưng có cơ sở vì ngày 22. 4, Công an Nghệ An đã bắt giữ, chủ hàng là bà Nguyễn Thị Trang (trú tỉnh Thanh Hóa) và lái xe Nguyễn Văn Vinh (39 tuổi, trú tại Tiền Giang) khai số cá nói trên được gom tại cảng cá Diễn Ngọc, H.Diễn Châu (Nghệ An), đang trên đường vận chuyển số hàng này vào một tỉnh ở miền Nam để làm nước mắm...
Có lẽ, trước hết, mọi người phải tự bảo vệ chính mình!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.