Đó là tình trạng mà các đại biểu của đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM nêu ra tại buổi giám sát về “tình hình thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn TP” ngày 18.10.
Hơn 100.000 trường hợp tồn đọng
Ông Trần Văn Thạch, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP.HCM, cho biết toàn TP đến nay đã cấp gần 1,5 triệu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCN). Theo thống kê sơ bộ từ các quận - huyện, tính từ trước khi luật Đất đai 2013 có hiệu lực cho đến nay, TP còn 109.251 trường hợp tồn đọng chưa được cấp GCN. Trong đó, có gần 20.600 trường hợp đủ điều kiện cấp GCN nhưng người dân không có nhu cầu.
|
|
Theo ông Thạch, một trong những khó khăn dẫn đến tồn đọng chưa cấp GCN là các trường hợp mua bán giấy tay. Quy định cho phép cấp GCN cho những trường hợp mua bán giấy tay sau ngày 1.7.2004 đến ngày 1.1.2008, ước tính sẽ cấp cho gần 10.000 trường hợp. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm toàn bộ hơn 109.000 trường hợp, Sở kiến nghị Bộ TN-MT cho phép cấp cho những trường hợp mua bán giấy tay sau ngày 1.7.2004 đến ngày 1.7.2014, nhưng Bộ trả lời không có cơ sở giải quyết.
Ông Du Huy Quang, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP, thông tin hiện mỗi tháng nơi đây tiếp nhận hơn 6.000 hồ sơ xin cấp GCN, chi phí vận chuyển từ địa phương lên tốn 5 tỉ đồng mỗi năm, mất thêm 5 ngày vận chuyển. Điều này khiến việc cấp GCN của TP bị tồn đọng. “Nếu ủy quyền cho chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai 24 quận huyện ký cấp GCN sẽ giảm chi phí và giảm 10 ngày làm việc, cộng với đó là việc cấp GCN sẽ nhanh hơn”, ông Quang kiến nghị.
Hồ sơ đúng, vẫn phải “lót tay”
Trong khi đó, theo đoàn giám sát, có nhiều lý do dẫn đến tình trạng tồn đọng GCN quyền sử dụng đất. Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội (QH) TP.HCM, cho biết trong thực tế có nhiều người dân không thực hiện mua bán nhà đất, nên không chuyển đổi mục đích, không làm GCN. Ở H.Củ Chi, có trường hợp người dân xin rút không làm GCN với lý do chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Một lý do khác mà TS Trần Du Lịch, chuyên gia đoàn giám sát, cho biết theo quy định chủ đầu tư phải xong nghĩa vụ tài chính mới cấp GCN cho người dân, nhưng nhiều chủ đầu tư không làm hạ tầng, thậm chí đem nhà của dân đi cầm cố vay tiền, lấy dân làm con tin nên việc cấp GCN cho người dân cũng tắc.
Đặc biệt, có một thực trạng được luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đoàn đại biểu QH TP.HCM, nêu ra là người dân làm hồ sơ đúng, đầy đủ nhưng vẫn phải chung chi, lót tay, bôi trơn mới xong việc. Còn nếu không sẽ mất rất nhiều thời gian. Trong khi, người làm càn, xây bừa rồi bán làm giàu vẫn không bị xử lý, xử lý rất chậm hoặc phạt cho tồn tại, vẫn được cấp GCN.
Trả lời các chất vấn của đại biểu QH, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng trong số hồ sơ không thể cấp GCN trên địa bàn TP có khoảng 7.000 trường hợp liên quan đến xây dựng không phép.
Đây là do quận, huyện quản lý tình trạng vi phạm xây dựng không nghiêm ảnh hưởng đến việc cấp GCN. Việc còn hơn 100.000 trường hợp chưa được cấp GCN, theo ông Tuyến, là vì quản lý nhà nước còn yếu kém, nhất là tình trạng lấn chiếm đất công. Như ở H.Nhà Bè có 85 hộ dân lấn chiếm đất để xây nhà, khi UBND TP chỉ đạo thì mới chuyển biến.
Hay ở các địa phương ngoại thành như H.Hóc Môn, H.Củ Chi, H.Bình Chánh..., xây dựng sai phép tràn lan. “Mới đây, Sở Xây dựng tiến hành thí điểm cấp phép xây dựng một cửa liên thông điện tử, đã giảm được từ 122 ngày xuống còn 42 ngày. Việc công khai thông tin quy hoạch cũng giúp hạn chế được phiền hà, nhũng nhiễu, lót tay. Tới đây TP sẽ có nhiều giải pháp để thúc đẩy nhanh việc cấp GCN cho dân”, ông Tuyến cho hay.
tin liên quan
Vi phạm xây dựng không phép, sai phép ở TP.HCM tăng caoNgày 3.10, tại hội trường Thành ủy TP.HCM diễn ra Hội nghị lần thứ 14, Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa 10 nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Bình luận (0)