Thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - Thụy Sĩ phát triển mạnh mẽ

27/11/2021 07:13 GMT+7

Trưa 26.11 (theo giờ Việt Nam), chuyên cơ chở Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng đoàn cấp cao Việt Nam đã tới thành phố Geneva, bắt đầu thăm chính thức Thụy Sĩ theo lời mời của Tổng thống nước này Guy Parmelin.

Sau lễ đón chính thức tại TP.Bern (Thụy Sĩ), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Guy Parmelin. Tổng thống Guy Parmelin chào mừng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Thụy Sĩ đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (10.1971 - 10.2021).

Chủ tịch nước khẳng định Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và trân trọng sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của Thụy Sĩ. Năm 1971, khi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam đang ở giai đoạn cam go nhất, Thụy Sĩ là một trong những nước phương Tây đầu tiên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Nỗ lực sớm kết thúc đàm phán EFTA

Tại hội đàm, hai bên đã thảo luận sâu rộng, toàn diện, thực chất trên tất cả các lĩnh vực hợp tác và đạt được sự nhất trí chung về nhiều biện pháp cụ thể để thúc đẩy quan hệ hai nước. Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi và tiếp xúc cấp cao, cũng như giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước, qua đó làm sâu sắc hơn nữa sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin

TTXVN

Tổng thống Thụy Sĩ đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội những năm vừa qua, cũng như trong việc kiểm soát dịch Covid-19 hiện nay; nhấn mạnh Việt Nam là một đối tác kinh tế ưu tiên quan trọng của Thụy Sĩ ở Đông Nam Á. Với hơn 100 doanh nghiệp Thụy Sĩ đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 1,9 tỉ USD, hiện Thụy Sĩ xếp thứ 20 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam và dư địa hợp tác còn rất lớn.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động lâu dài tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Thụy Sĩ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, công nghiệp chế tạo, dược phẩm… Hai bên nhất trí nỗ lực sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại song phương phát triển mạnh mẽ. Hai bên bày tỏ vui mừng về những tiến triển tích cực trong hợp tác trong lĩnh vực khoa học - công nghệ.

Việt Nam là đối tác sử dụng ODA hiệu quả

Năm 2021 đánh dấu kỷ niệm 30 năm Chương trình Hợp tác phát triển (ODA) của Thụy Sĩ ở Việt Nam. Thay mặt Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chân thành cảm ơn chính phủ Thụy Sĩ đã cung cấp nguồn ODA quý báu cho Việt Nam, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, phát triển đô thị, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn, góp phần hỗ trợ Việt Nam đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của LHQ.

Tổng thống Thụy Sĩ đánh giá Việt Nam là một đối tác sử dụng ODA hiệu quả và chính phủ Thụy Sĩ đã quyết định tiếp tục ưu tiên cung cấp 70 triệu franc Thụy Sĩ (hơn 75,6 triệu USD) vốn ODA cho Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2024, tập trung cho các lĩnh vực bảo vệ môi trường và cải cách kinh tế.

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế như LHQ, cơ chế hợp tác Á - Âu... Việt Nam nhất trí ủng hộ và sẵn sàng làm cầu nối để Thụy Sĩ tăng cường quan hệ với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Về vấn đề Biển Đông, Thụy Sĩ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm tự do hàng hải, tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, dựa trên đối thoại minh bạch và xây dựng lòng tin.

Dự kiến trong khuôn khổ chuyến thăm Thụy Sĩ kéo dài đến ngày 29.11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Chủ tịch Hội đồng quốc gia Andreas Aebi. Tại Geneva, trung tâm của các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, Chủ tịch nước sẽ gặp Tổng giám đốc Văn phòng LHQ tại Geneva, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).

Thụy Sĩ là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu châu Âu đối với Việt Nam, trao đổi thương mại song phương đạt 3,6 tỉ USD trong năm 2019. Khoảng 140 công ty Thụy Sĩ bao gồm các tên tuổi đẳng cấp thế giới như Nestle, ABB, Novartis, Roche, Holcim... đã và đang kinh doanh tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 2 tỉ USD, đưa Thụy Sĩ trở thành nhà đầu tư lớn thứ 6 của châu Âu tại Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.