Qua đó, góp phần giúp cho tài chính nhà nước minh bạch, hạn chế các tiêu cực.
Địa vị pháp lý của tổ chức Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã được hiến định trong Hiến pháp (sửa đổi) năm 2013, nhằm quản lý, điều hành và sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế xã hội; giúp khắc phục những sai sót, tồn tại, hạn chế trong quản lý tài chính công. 24 năm qua, hơn 2.400 cán bộ KTNN đã đảm trách nhiệm vụ phát hiện và ngăn chặn các hành vi tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong thu - chi ngân sách; góp phần tham mưu ý kiến chuyên sâu trong việc bổ sung, sửa đổi những bất cập, tồn tại trong hệ thống văn bản, pháp luật.
Kết quả kiểm toán luôn cần đảm bảo độ tin cậy cao, trung thực, chính xác, kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; giúp các đơn vị được kiểm toán chỉnh sửa việc quản lý, điều hành tài chính, tài sản công hiệu quả theo quy định pháp luật. Đơn cử là báo cáo KTNN năm 2017 cho thấy phải xử lý tài chính hơn 43.000 tỉ đồng; kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ 96 văn bản pháp luật nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí; phát hiện thừa hơn 57.000 biên chế công chức, viên chức và kiến nghị chấn chỉnh. Rồi bất cập trong các dự án BT; lãng phí đầu tư công, bố trí vốn ngân sách sai quy định ở một số bộ, ngành, địa phương, và cả vấn đề mà dư luận quan tâm như kiến nghị giảm hàng trăm năm thu phí tại nhiều dự án BOT, hay dự án nạo vét 72 tỉ tăng vốn “khủng” thành gần 2.600 tỉ đồng cùng nhiều vi phạm trong các dự án đầu tư khác bằng nguồn vốn nhà nước...
Với phương châm "Công minh - Chính trực - Nghệ tinh - Tâm sáng”, KTNN đã góp phần thúc đẩy sự minh bạch cần thiết cho phát triển đất nước. Trong đó, có nỗ lực truyền lửa, truyền nghề từ các thế hệ đi trước cho lớp kiểm toán viên trẻ, vốn được đào tạo bài bản, chuyên sâu, tạo ra con số 38% cán bộ KTNN có trình độ trên đại học. Nói như TS Lê Đình Thăng (Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III) là: “Từng được thế hệ đi trước dìu dắt nên trách nhiệm của chúng tôi là truyền lại tình yêu nghề và kiến thức cho lớp trẻ. Để khẳng định mình và trở thành tinh túy của KTNN, kiểm toán viên trẻ cần tiếp tục rèn luyện phẩm chất đạo đức, giữ lửa nghề; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm công tác...”.
Không chỉ thành quả 24 năm, mà còn đáng ghi nhận việc tin, giúp và giao cho người trẻ nhiệm vụ không đơn giản: bảo toàn và nâng cao giá trị minh bạch.
Bình luận (0)