Thúc đẩy tham gia bảo hiểm y tế trong học sinh, sinh viên

28/06/2016 08:00 GMT+7

Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi quy định học sinh, sinh viên là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc nhưng thực tế vẫn còn số lượng không nhỏ học sinh, sinh viên ở một số trường học chưa tham gia.

Giảm dần từ năm học thứ 2
Năm 2015, một sinh viên năm thứ 3 khoa Xây dựng trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây nguyên bị thương do tai nạn giao thông trên đường đi học, được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Gia đình sinh viên này nghe tin liền từ huyện tức tốc lên TP.Buôn Ma Thuột thăm nuôi con em mình. Ở bệnh viện, sinh viên trên không có thẻ BHYT nên mọi chi phí khám chữa bệnh phải thanh toán theo chế độ của đối tượng không tham gia BHYT. Phụ huynh sinh viên này liền hỏi lãnh đạo Trường CĐ Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên vì sao đã chu cấp tiền cho con để đóng BHYT nhưng vẫn không có thẻ BHYT. Sau đó, phụ huynh mới vỡ lẽ khi được nhà trường cho biết đã thông báo nhiều lần đến tất cả sinh viên trong trường về việc mua BHYT nhưng sinh viên bị tai nạn trên vẫn không tham gia.
Câu chuyện trên được ông Võ Khối Ẩn, Phó trưởng Ban quản lý Ký túc xá - nhà ăn - y tế Trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên, kể lại và dẫn chứng như một “hậu quả rủi ro” đối với những sinh viên “từ chối” tham gia BHYT tại trường này. Theo ông Ẩn, phần lớn sinh viên của trường không tham gia mua BHYT đang học năm thứ 2 và thứ 3. “Trong năm đầu tiên, 100% sinh viên đều tham gia BHYT do nằm trong “gói” các khoản thu nộp bắt buộc khi nhập học. Tuy nhiên, từ năm thứ hai trở đi, khá nhiều sinh viên lơ là tham gia BHYT, mặc dù trường có nhiều hình thức thông báo đến từng lớp học. Những năm trước nhà trường còn gửi thông báo việc đóng BHYT về tận nhà phụ huynh sinh viên ở các địa phương nhưng vẫn ít có chuyển biến”, ông Ẩn cho biết.
Theo bà Hồ Thị Mãn, cán bộ công tác y tế Ban quản lý Ký túc xá - nhà ăn - y tế, năm học 2015 - 2016, trong tổng số 1.875 sinh viên của Trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên, chỉ có 48,21% số sinh viên có thẻ BHYT, hơn một nửa số sinh viên còn lại chưa tham gia BHYT. Bà Mãn giải thích có nhiều lý do khiến sinh viên chưa tham gia BHYT. Có những sinh viên được gia đình giao tiền đầy đủ nhưng lại chi xài cá nhân mà không mua thẻ BHYT; trong khi đó những sinh viên khác hoàn cảnh gia đình khó khăn, việc tăng số tiền đóng BHYT theo mức tăng lương cơ sở cũng khiến họ ngần ngại, không tham gia…
Thống kê của Phòng Khai thác và thu nợ Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết trong tổng số hơn 11.000 sinh viên Trường đại học Tây Nguyên, có 7.650 sinh viên thuộc diện tham gia BHYT nhưng mới có 6.565 người đã tham gia; còn hầu hết học sinh ở các trường trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn Đắk Lắk chưa tham gia BHYT. Theo ông Lê Xuân Khánh, Trưởng phòng Khai thác và thu nợ, những bất cập trong việc tham gia BHYT của học sinh, sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp được cho là thiếu “cây gậy chế tài”, nhà trường chưa có căn cứ pháp lý để xử lý kỷ luật đối với những học sinh, sinh viên cố tình chây ì, không đóng BHYT.
Mục tiêu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT
Ông Lê Xuân Khánh cũng cho biết tính chung toàn tỉnh Đắk Lắk, số lượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT mới đạt 79%. Tuy nhiên, đối với bậc học phổ thông, ở nhiều huyện có tỉ lệ tham gia BHYT còn khá thấp, đơn cử như Ea Súp (49,9%), Buôn Đôn (61,5%), Buôn Hồ (62%), Cư Kuin (65,8%), Krông Ana (66%)…
Theo ông Khánh, ở các địa phương có tỉ lệ học sinh tham gia BHYT đạt thấp nói trên, có những nguyên nhân do nhận thức chưa đầy đủ của người dân về BHYT, nhiều hộ gia đình còn khó khăn, trong khi mức đóng BHYT tăng lên, mặc dù nhà nước đã hỗ trợ 30% mức đóng. Ông Khánh nhận định: “BHXH cấp huyện cần nỗ lực nhiều hơn trong quan hệ với các phòng giáo dục - đào tạo trên địa bàn, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tham gia BHYT trong học sinh, có nhiều hình thức phổ biến hiệu quả hơn các quy định nhà nước về BHYT đến từng trường học thì mới khai thác, phát triển đối tượng học sinh tham gia BHYT”. Bên cạnh đó, ông Khánh cũng cho rằng ngành GD-ĐT cần phối hợp tốt hơn với Bảo hiểm xã hội các cấp, triển khai mạnh mẽ công tác vận động để bảo đảm tất cả học sinh, sinh viên tham gia BHYT, tập trung làm chuyển biến ở những địa bàn, cơ sở trường học có tỉ lệ tham gia BHYT thấp.
Đối với các trường đại học, cao đẳng, theo một cán bộ phụ trách công tác sinh viên của một trường đại học trên địa bàn Đắk Lắk, trong thời gian dài trước đây, do BHYT chưa được quy định là hình thức bảo hiểm bắt buộc đối với học sinh, sinh viên nên đã ảnh hưởng đến nếp nghĩ, nhận thức của đối tượng này. “Ngay cả khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT ban hành năm 2014 quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc thì vẫn chưa có biện pháp chế tài, xử lý cụ thể mang tính pháp lý đối với những người không tham gia. Vì thế, nhà trường vẫn chưa có biện pháp ràng buộc sinh viên tham gia BHYT”, vị cán bộ này nói.
Tuy nhiên, vị cán bộ này cũng cho rằng công tác BHYT trong trường đại học sẽ có chuyển biến tích cực hơn khi sắp tới triển khai thực hiện Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 5.4.2016 về quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy. Theo đó, thông tư này quy định có tính chế tài, xử lý nghiêm hơn, cụ thể: “tùy theo mức độ, xử lý từ nhắc nhở, khiển trách đến buộc thôi học đối với sinh viên cố tình chậm nộp hoặc không nộp BHYT theo quy định của nhà trường mà không có lý do chính đáng”.
Theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk, năm học 2015 - 2016, số lượng học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh tham gia BHYT còn thấp, giảm 10% so với năm học 2014 - 2015. Bảo hiểm xã hội tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Sở GD-ĐT Đắk Lắk xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho học sinh, sinh viên, đảm bảo năm học 2016-2017 có 100% đối tượng này tham gia BHYT.
10 trường có số học sinh, sinh viên tham gia BHYT đạt cao trong năm học 2015 -2016
Trường CĐSP Đắk Lắk có 2.120 sinh viên tham gia BHYT (đạt tỷ lệ 100% số sinh viên thuộc diện tham gia); Trường THPT Buôn Ma Thuột: 1.638 học sinh (100%); Trường THPT Hồng Đức: 1.502 học sinh (100%); Trường THPT Lê Quý Đôn: 1.373 học sinh (99,7%); Trường THPT Chu Văn An: 1.432 học sinh (98%); Trường THPT Cao Bá Quát: 1.039 học sinh (100%); Trường THPT Chuyên Nguyễn Du: 970 học sinh (98,5%); Trường THPT Thực hành Cao Nguyên: 722 học sinh (100%); Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh: 489 học sinh (99,6%); Trường PTDT Nội trú Tây Nguyên: 320 học sinh (100%).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.