Tiếp tục cung ứng vắc xin Covid-19 cho ASEAN
Tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc, các nước ASEAN đánh giá cao Trung Quốc đã hỗ trợ kịp thời và hiệu quả cho ASEAN ứng phó Covid-19 ngay từ khi dịch bệnh mới bùng phát, tài trợ 1 triệu USD cho Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, cung cấp vắc xin và vật tư y tế giúp các nước ASEAN thời gian qua. Hai bên nhất trí tiếp tục ưu tiên phối hợp kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19, đồng thời hỗ trợ lẫn nhau đẩy mạnh các nỗ lực phục hồi bền vững. ASEAN đề nghị Trung Quốc phối hợp tạo thuận lợi trao đổi thương mại, đầu tư, tận dụng hiệu quả Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), thúc đẩy sớm phê chuẩn Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để tạo động lực tăng trưởng mới.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên cần khai thác tốt các tiềm năng hợp tác rộng lớn, tăng cường hợp tác kinh tế, hỗ trợ thương mại và đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, vào thị trường Trung Quốc và ngược lại; thúc đẩy đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực và các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng, trong đó có Mê Kông - Lan Thương. Ông Sơn cũng đánh giá cao và mong Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ cung cấp vắc xin và nâng cao năng lực ứng phó y tế cho các nước ASEAN.
Việc hỗ trợ để các nước ASEAN ứng phó đại dịch Covid-19, sớm phục hồi kinh tế sau đại dịch, đặc biệt là cung ứng, chuyển giao công nghệ vắc xin, nâng cao năng lực y tế, cũng là vấn đề được đề cập tại các hội nghị khác.
Tại các hội nghị, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ tích cực các sáng kiến của ASEAN về phòng chống Covid-19, hỗ trợ các nước ASEAN nâng cao năng lực y tế dự phòng, nghiên cứu, phát triển và tiếp cận vắc xin chống Covid-19 an toàn, hiệu quả và đồng đều. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Moteghi khẳng định Nhật Bản sẽ hỗ trợ tài chính cho các nỗ lực phục hồi sau đại dịch và triển khai Kế hoạch phục hồi toàn diện ASEAN.
Xây dựng Biển Đông hòa bình, ổn định
Trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, vấn đề duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, trong đó có ở Biển Đông, được các bộ trưởng trao đổi, đề cập tại các hội nghị.
Tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc, các bộ trưởng dự hội nghị hoan nghênh các nỗ lực sớm nối lại đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), bao gồm cuộc họp quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc về triển khai Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) lần thứ 19 ngày 7.6.2021 tại Trùng Khánh. Các bộ trưởng cam kết tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và thúc đẩy đàm phán xây dựng COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982.
Tại hội nghị này, ông Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam cam kết cùng các nước ASEAN và Trung Quốc tiếp tục triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC, hoan nghênh việc nối lại đàm phán COC và khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực tối đa thúc đẩy tiến trình đàm phán hướng tới hoàn tất COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, và được cộng đồng quốc tế ủng hộ.
Trong khi đó, bộ trưởng ngoại giao Hàn Quốc, Nhật Bản tại các hội nghị với bộ trưởng các nước ASEAN đều khẳng định ủng hộ lập trường ASEAN về Biển Đông, hoan nghênh ASEAN phát huy vai trò thúc đẩy hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin ở khu vực, xây dựng COC.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Nhật Bản, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đề nghị Nhật Bản ủng hộ các nỗ lực của ASEAN xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác, an ninh, an toàn và thân thiện với môi trường.
Nhóm tàu chiến Ấn Độ sắp đến Đông Nam Á
Tờ The Tribute hôm qua dẫn thông báo ngày 2.8 từ Hải quân Ấn Độ cho hay nhóm tàu chiến thuộc Hạm đội miền Đông từ đầu tháng 8 đã lên đường đến Đông Nam Á, Biển Đông và khu vực Tây Thái Bình Dương, trong thời gian 2 tháng.
Sứ mệnh mới của nhóm tàu chiến nằm trong chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ nhằm tăng cường quan hệ hợp tác quân sự, đối phó tham vọng của Trung Quốc đang mở rộng đến Ấn Độ Dương. Nhóm tàu chiến gồm có tàu khu trục INS Ranvijay, tàu hộ vệ INS Shivalik, khinh hạm INS Kadmatt và khinh hạm INS Kora. Trong chuyến hải hành lần này, nhóm tàu chiến Ấn Độ sẽ diễn tập chung với hải quân các đối tác, bao gồm Việt Nam, Singapore, Indonesia và Úc. Nhóm tàu này cũng sẽ tham gia cuộc tập trận MALABAR-21 với Nhật Bản, Úc và Mỹ tại khu vực tây Thái Bình Dương.
Văn Khoa
|
Chiến hạm Đức lên đường đến Biển Đông
Tàu hộ vệ Bayern của Đức, với hơn 200 thủy thủ, rời cảng Wilhelmshaven ngày 2.8 để bắt đầu chuyến hoạt động kéo dài 6 tháng đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đánh dấu lần đầu tiên trong gần 20 năm chiến hạm nước này đến khu vực, theo AFP. Phát biểu trước khi tàu khởi hành, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer nhấn mạnh thông điệp của hoạt động này là nhằm bảo vệ các giá trị và lợi ích cùng các đồng minh và đối tác.
Tờ South China Morning Post dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đức cho hay tàu Bayern dự kiến ghé một số nước như Việt Nam, Singapore, Hàn Quốc, Úc và sẽ di chuyển qua Biển Đông. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Berlin đã đề nghị cho tàu Bayern thăm Thượng Hải qua nhiều kênh ngoại giao, nhưng bộ này cho hay sẽ đưa ra quyết định sau khi “phía Đức làm rõ các ý định liên quan”.
Minh Trung
|
Bình luận (0)