Tiếp tục chạy đua với "3T"
Trả lời Thanh Niên, ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết công ty đã tổ chức “3T” cho hơn 152 người ở lại nhà máy kể từ 15.7 trong tổng số 200 lao động của công ty.
Việc đáp ứng được ngay quy định tập trung sản xuất, ăn, ngủ tại chỗ, theo ông Thiện, là do “may mắn” vì từ cuối tháng 6 khi dịch diễn biến phức tạp đã xây dựng kế hoạch dự phòng theo hướng này. Ngay sau đó, Q.12 (TP.HCM) - nơi công ty đặt nhà máy - cũng có hướng dẫn chi tiết để khuyến khích các doanh nghiệp (DN) tập trung công nhân, đảm bảo phòng chống dịch. Nhờ sự chuẩn bị này nên khi UBND TP.HCM ra quy định là công ty “kích hoạt” luôn.
Dù vậy, ông Thiện cũng cho hay do hàng loạt DN phải thực hiện nên khi công ty chạy mua mùng chụp, quạt máy chỗ nào cũng hết, chỉ có thể bổ sung dần dần. Riêng với các công nhân nữ đang có con nhỏ dưới 3 tuổi hoặc một số công nhân nhà neo đơn, có người bệnh thì phải cho tạm nghỉ ở nhà, nhưng vẫn trả lương.
“Với số người hiện tại mà chúng tôi phải đảm bảo cung ứng mỗi ngày từ 700.000 - 800.000 quả trứng nên chúng tôi phải tăng ca liên tục. Vì thế, việc chuẩn bị lo bữa ăn cho công nhân cũng áp lực hơn, rồi phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lao động... vừa tốn thêm phí, vừa mất thời gian”, ông Trương Chí Thiện chia sẻ thêm.
Một DN sản xuất gỗ than sau khi đã “chạy sút quần” trong 2 ngày trước để thực hiện cho kịp việc thực hiện “3 tại chỗ” gồm ăn, ngủ, nghỉ cho công nhân ở chi nhánh tại TP.HCM, thì hôm qua cũng phải vắt chân lên cổ để tổ chức cho kịp nhà máy chính tại Bình Dương. Bởi theo thông báo từ chiều 15.7, Bình Dương cũng chỉ cho các công ty được hoạt động nếu đảm bảo “3T” kể từ ngày 18.7, “nhưng có lẽ cũng chỉ duy trì được khoảng 30% công nhân ăn ở tại chỗ” - đại diện DN này nói.
Chia sẻ cụ thể hơn, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho biết hầu hết các DN ngành chế biến gỗ đều có nhà máy đặt ở các địa phương lân cận TP.HCM như Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai... song song với văn phòng, chi nhánh ở TP.HCM.
Hiện không chỉ riêng TP.HCM, mà các tỉnh cũng lần lượt áp dụng chính sách “3T” để đảm bảo việc phòng chống dịch Covid-19. Theo ghi nhận của HAWA, có khoảng 70% DN hội viên vẫn duy trì sản xuất, nhưng mức độ khác nhau.
Chẳng hạn với các DN lớn đang có đơn hàng xuất khẩu rất gấp thì từ cuối tháng 6 khi dịch diễn ra phức tạp, nhiều đơn vị đã bắt đầu chuẩn bị cho phương án “cắm trại” tại chỗ vì việc di chuyển, công nhân về ở các khu nhà trọ rất dễ có nguy cơ bị cách ly nên sẽ không đảm bảo hoạt động sản xuất. Nhóm DN này đã thực hiện được khoảng 60 - 70% cho số lao động ở luôn trong nhà máy như sử dụng kho hàng, ở trong phân xưởng...
Riêng nhóm DN nhỏ không có điều kiện, đơn hàng không quá gấp thì hiện chỉ thực hiện “3T” cho khoảng 20 - 30% lao động và thậm chí nhiều đơn vị tạm ngừng sản xuất vì trở tay không kịp. Không chỉ các DN sản xuất với nhà xưởng, nhiều công nhân gặp khó khi phải thực hiện ăn, ngủ tại chỗ mà ngay cả công ty công nghệ thông tin, phần mềm cũng cho hay dù nhân sự ít hơn thì việc tổ chức này cũng khá phức tạp.
Bà Nguyễn Thị Hồng - Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Swiss Post Solutions - chia sẻ chi nhánh tại TP.HCM có dự án xử lý dữ liệu cho khách hàng ở châu Âu với 34 nhân viên, nhưng không thể làm việc tại nhà. Chính vì vậy công ty cũng phải chạy đua để mua sắm trang thiết bị cơ bản cho mọi người ở luôn tại chỗ từ ngày 15.7. Và hiện công ty cũng đang tổ chức để từ tuần sau áp dụng “3T” cho văn phòng với 43 nhân viên tại Cần Thơ...
Không cần test Covid-19 lại, ưu tiên cung ứng thực phẩm...
Theo ông Trương Chí Thiện, việc chi phí tăng thêm để lo ăn ở cho công nhân cũng đành chấp nhận. Nhưng TP có thể xem xét lại, bỏ quy định cứ 7 ngày lại lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra Covid-19 một lần vì có thể chưa cần thiết.
Ông Thiện phân tích: Trước khi cho lao động vào nhà máy làm việc và tập trung ở lại luôn thì đã xét nghiệm hết rồi, có kết quả âm tính mới cho vào. Như vậy không cần 7 ngày sau xét nghiệm lại nữa vì tốn chi phí cho DN. Nhiều công nhân lại rất sợ việc này, nên họ càng không yên tâm ở lại trong nhà máy. Thế nên, chỉ quy định khi nào DN hết ăn ở tập trung, để công nhân quay lại cộng đồng thì mới bắt đầu xét nghiệm kiểm tra. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chánh Phương cũng cho rằng chưa cần thiết phải thực hiện xét nghiệm lại sau 7 ngày.
Bên cạnh đó, các DN đang thực hiện tổ chức “3T’ đang gặp khó trong nguồn cung ứng thực phẩm hằng ngày cho người lao động, nhất là với những đơn vị có hàng trăm người trở lên. TP.HCM có thể xem xét đề nghị các hệ thống phân phối có thể ưu tiên cung ứng nguồn thực phẩm ổn định khi DN có nhu cầu. Hay như việc mỗi địa phương thực hiện và kiểm tra mỗi khác nên cần có hướng dẫn chi tiết và chính quyền tạo điều kiện cho DN đảm bảo hoạt động thay vì chỉ chăm chăm kiểm tra và cho rằng “chưa đạt” là đòi đóng cửa ngay.
HUBA kiến nghị nên mở rộng khái niệm “1 cung đường - 2 điểm đến” thành nhiều điểm đón công nhân đến nhà máy theo hướng tập trung vì nếu DN có vài trăm lao động hay cả ngàn lao động thì không chỉ ở cùng một địa điểm. Hay vẫn cho phép một số DN đang có văn phòng hoạt động khoảng 30 - 40% người vì để điều hành nhiều nhà máy khác nhau thì không thể ngừng hẳn...
|
Cuối ngày hôm qua, trả lời Thanh Niên, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA), cho biết qua tập hợp ý kiến của DN, HUBA kiến nghị với TP.HCM cần nhanh chóng có hướng dẫn chi tiết liên quan đến thực hiện “3T”. Đặc biệt khi tổ chức ăn ở tại chỗ, các DN đều vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy trong nhà máy sản xuất, nên sẽ vướng nếu bị kiểm tra. Việc tổ chức bữa ăn cho DN là phức tạp nhất, HUBA đề xuất TP cho phép các DN ký hợp đồng với một số nhà hàng đang bị ngưng hoạt động để cung cấp suất ăn cho DN, tương tự theo quy trình mà Saigon Co.op đang cung cấp suất ăn cho các khu cách ly để DN giảm được khó khăn khi tổ chức cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh, sức khỏe cho người lao động.
Bình luận (0)