Sáng nay, 16.4, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức tập huấn triển khai học bạ số và xây dựng kho học liệu số ngành giáo dục tiểu học TP.HCM năm học 2023-2024. Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết bắt đầu từ năm học này, thành phố thí điểm thực hiện học bạ số đối với tất cả học sinh lớp 1 trên toàn thành phố (khoảng 132.000 học sinh - PV).
Thành phố đã có các bước chuẩn bị, sẵn sàng về phần mềm và những giải pháp để nhà trường thực hiện học bạ số cho học sinh lớp 1. Từ tháng 12.2023, tất cả giáo viên tại TP.HCM đã có chữ ký số.
Ông Hồ Tấn Minh cho biết khi thực hiện học bạ số sẽ có một số những khó khăn, như giáo viên chưa quen khi thực hiện chữ ký số, chưa hiểu giá trị của chữ ký trong mục đích công việc hay cá nhân; nhà trường, giáo viên cũng chưa nắm rõ về tính chất pháp lý của học bạ số.
Do đó, để thuận lợi cho TP.Thủ Đức và tất cả quận, huyện của TP.HCM sẵn sàng, yên tâm thực hiện học bạ số cho học sinh lớp 1 trong năm học 2023-2024 này, trong thời gian tới, TP.HCM sẽ có quy chế hướng dẫn cụ thể để các nhà trường, giáo viên yên tâm triển khai.
Đồng thời, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ hỗ trợ các địa phương, cơ sở giáo dục về kỹ thuật, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc.
Đồng thời, ông Hồ Tấn Minh cho biết, căn cứ trên quy chế hướng dẫn của Sở GD-ĐT, các đơn vị, trường học sẽ phải ban hành nội quy, trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, ai phụ trách phần việc gì, trách nhiệm ra sao trong những khâu khởi tạo, kiểm tra thông tin học bạ số, đảm bảo tính pháp lý, tính bảo mật, chính xác.
Nhà trường cũng cần tập huấn giáo viên để thầy cô biết cách sử dụng chữ ký số, có thể thao tác được đầy đủ, chính xác trên trục cơ sở dữ liệu ngành giáo dục thành phố, các bước trong việc thực hiện học bạ số cho học sinh lớp 1…
Dữ liệu của học sinh cần đảm bảo "đúng - đủ - sạch - sống"
Tại buổi tập huấn, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM Hồ Tấn Minh một lần nữa đề nghị các cán bộ quản lý phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức và quận, huyện tiếp tục rà soát, cập nhật mã định danh của học sinh, đảm bảo hoàn tất tới hết tháng 4.2024. Bởi muốn làm được học bạ số, ngành giáo dục cần có mã định danh học sinh và dữ liệu học sinh cần "đúng - đủ - sạch - sống".
Ông Minh cho hay với các học sinh lớp 1 của năm học 2023-2024 (đại đa số là trẻ em sinh năm 2017) thì các em đã có mã định danh được in ngay trên giấy khai sinh. Do đó, các địa phương, trường học cần khẩn trương rà soát mã định danh này, cập nhật chính xác, tránh sai sót.
Với học sinh lớp 1 là người có hai quốc tịch (Việt Nam và quốc tịch nước ngoài), các em vẫn có mã định danh; còn với học sinh người nước ngoài tới Việt Nam học tập, các em này sẽ được cấp mã định danh, tương tự như với số ID để làm học bạ số.
Ông Hồ Tấn Minh nhấn mạnh việc thực hiện thí điểm học bạ số với lớp 1 ở toàn thành phố, từ Củ Chi, Cần Giờ tới tất cả quận, huyện trong thành phố, nên nơi nào còn khó khăn, Sở sẽ hỗ trợ hết mình. Chậm nhất tới ngày 20.5.2024, Sở GD-ĐT sẽ có quy chế tổng hợp về quản lý, sử dụng học bạ số trên địa bàn TP.HCM. Sở rất mong tới tháng 6.2024 có thành quả là việc ra mắt những học bạ số đầu tiên ở TP.HCM.
Học bạ số, chữ ký số là gì?
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, dữ liệu học bạ là thông tin nhạy cảm cần được bảo vệ trước việc truy cập và sử dụng trái phép. Hệ thống học bạ số phải tuân thủ tất cả các luật và quy định hiện hành liên quan đến bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư. Vì vậy, cần có một khung quản trị rõ ràng để quản lý việc triển khai và vận hành học bạ số. Học sinh, phụ huynh và giáo viên cần được giáo dục về tầm quan trọng của bảo mật dữ liệu và cách thức bảo vệ thông tin cá nhân.
Trước mắt, trong năm học 2023-2024 này thí điểm triển khai học bạ số ở tất cả các lớp 1 ở TP.HCM, sau đó năm học sau ở TP.HCM sẽ thực hiện cuốn chiếu ở các lớp học còn lại bậc tiểu học.
Trước đó, hồi giữa tháng 3, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị triển khai thí điểm học bạ điện tử cấp tiểu học. Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, cho biết: "Học bạ được số hóa sẽ lưu trữ trên môi trường số, có ký xác thực điện tử của cá nhân và tổ chức có thẩm quyền, có giá trị pháp lý để sử dụng trên môi trường số. Học bạ số đảm bảo lưu trữ đầy đủ, chính xác thông tin về học sinh và kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong quá trình học tập tại cấp tiểu học. Đồng thời, đảm bảo nhất quán, toàn vẹn thông tin, không thể thay đổi thông tin khi học bạ đã được phát hành.
Ngoài ra, học bạ số đảm bảo thuận tiện cho việc sử dụng, quản lý, tra cứu, xác thực học bạ trực tuyến cũng như cho phép xuất ra bản mềm của học bạ số, có thể in được trên giấy theo mẫu học bạ quy định của Bộ GD-ĐT, để sử dụng trong một số trường hợp cụ thể.
Bộ GD-ĐT sẽ triển khai thí điểm hệ thống học bạ số, cung cấp quy trình, thủ tục quản lý, sử dụng học bạ của học sinh tiểu học, bao gồm: phần mềm hệ thống; tập huấn sử dụng, vận hành các chức năng, nghiệp vụ cơ bản trong tạo lập và sử dụng học bạ số.
Còn theo điều 3, luật Giao dịch điện tử 2023, chữ ký số được định nghĩa là "chữ ký điện tử sử dụng thuật toán khóa không đối xứng, gồm khóa bí mật và khóa công khai, trong đó khóa bí mật được dùng để ký số và khóa công khai được dùng để kiểm tra chữ ký số".
Bình luận (0)