Thực hiện ngay việc tịch thu tài sản bất minh của quan chức là không khả thi

19/03/2018 13:54 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, theo công ước của Liên Hợp Quốc thì tài sản bất minh phải bị tịch thu hoặc khởi tố hình sự, song ở Việt Nam thực hiện ngay biện pháp này là không khả thi.

Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 19.3, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải thích quan điểm của Bộ Tư pháp về đề xuất truy thu 45% tài sản bất minh được nêu trong dự luật Phòng chống tham nhũng mà Chính phủ vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, dự án luật Phòng chống tham nhũng được đánh giá là dự án luật khó. Đến nay đã xem xét để trình ra kỳ họp Quốc hội sắp tới, song vẫn còn có ý kiến khác nhau.
Đối với vấn đề xử lý tài sản tăng thêm, ông Long cho biết, đề xuất của Chính phủ là đối với những tài sản bất minh, không chứng minh được thì đánh thuế 45% như thuế thu nhập cá nhân với những khoản thu nhập bất thường.
“Đó là quan điểm của Chính phủ và tôi với tư cách là thành viên Chính phủ thì tôi tuân thủ”, ông Long giải thích.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho hay, quan điểm của Bộ này ngay từ đầu khác với đề xuất trên của Chính phủ.
Ông Long dẫn nội dung Công ước của Liên Hợp Quốc về phòng chống tham nhũng rằng những tài sản chứng minh được thì không sao, còn tài sản không chứng minh được thì phải tịch thu hoặc khởi tố hình sự, và nói thêm: “Ở Trung Quốc thì những tài sản này sẽ tịch thu hoặc khởi tố hình sự ngay. Nhưng riêng đối với Việt Nam thì việc thực hiện ngay lập tức giải pháp này là không khả thi”.
Theo ông Long, quan điểm ban đầu của Bộ Tư pháp là đối với những tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì thực hiện quy trình tố tụng tư pháp về dân sự, tức đưa ra tòa để xem xét.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Tư pháp cho biết, đây là vấn đề cần phải thảo luận thêm và sắp tới, Bộ sẽ phối hợp với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng như Thanh tra Chính phủ (cơ quan chủ trì soạn thảo) để tiếp tục thảo luận, hoàn thiện dự luật này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.