Sáng 26.7, Ban Tổ chức T.Ư tổ chức Hội nghị quán triệt Quy định 114 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ (Quy định 114).
Giới thiệu những nội dung mới của Quy định 114, Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức T.Ư Mai Văn Chính cho hay, Quy định 114 cơ bản kế thừa một số nội dung tại Quy định 205 năm 2019 của Bộ Chính trị. Cùng đó, quy định mới bổ sung một số hành vi trong bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; bổ sung hành vi mới trong 6 hành vi chạy chức, chạy quyền; bổ sung một số hành vi tiêu cực khác. Đặc biệt, để tăng cường phòng ngừa, kiểm soát việc lợi dụng, lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ, Quy định 114 nêu rõ không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan.
Cụ thể, không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời là thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự Đảng, đảng đoàn; tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Cùng đó, không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời là người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị. Quy định 114 cũng yêu cầu không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời là người đứng đầu cấp ủy Đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu 13 ngành: nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, KH-ĐT, TN-MT, quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát ở T.Ư hoặc cùng cấp ở một địa phương.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai cho biết từ năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định 205 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Quy định này cùng với các quy định của Đảng đã từng bước khắc phục tình trạng lạm quyền, lộng quyền, thao túng trong công tác cán bộ, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Với Quy định 114, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh, các ngành, địa phương, tổ chức Đảng phải thực hiện nghiêm việc không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan, đặc biệt là 13 ngành đã được nêu cụ thể trong quy định. Theo bà Mai, đây là quy định khó vì đụng chạm đến con người, tâm tư, tình cảm, mong muốn của cán bộ. "Quy định cấm thì không được làm, yêu cầu gương mẫu thì phải cân nhắc tính toán kỹ lưỡng, sao cho quyết định trong công tác cán bộ khi được đưa ra đạt được sự tâm phục, khẩu phục", bà Mai lưu ý.
Quy định 114 được Bộ Chính trị ban hành hôm 11.6 vừa qua, gồm 16 điều, trong đó quy định cụ thể về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và xử lý vi phạm.
Bình luận (0)