Nhận định được đưa ra trên cơ sở số liệu thống kê của cơ quan phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho thấy, trong 2017 trên địa bàn TP xảy ra hơn 1.000 vụ cháy thì chỉ có 11 vụ xảy ra ở chung cư hay nhà cao tầng.
|
“Không có ý thức thì nhà nào cũng cháy”
Khẳng định phát triển chung cư là nhu cầu tất yếu trong tiến trình phát triển đô thị nhưng ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở (Sở Xây dựng TP.HCM), thừa nhận đang tồn tại nhiều vấn đề trong quản lý vận hành các chung cư hiện nay. Ông Hải dẫn chứng, TP đang có khoảng 1.200 chung cư trong đó có đến 474 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975, không có hệ thống PCCC đáp ứng đúng yêu cầu quy định; có 7 chung cư chưa nghiệm thu PCCC đã đưa vào sử dụng; nhiều chung cư có hệ thống PCCC không đúng tiêu chuẩn quy định, sử dụng không đúng công năng... tiềm ẩn rủi ro cháy nổ. Một điều nữa là việc chế tài đối với hành vi vi phạm PCCC chưa nghiêm đã khiến nhiều chủ đầu tư “nhờn thuốc”. “Quan trọng nhất là ý thức người dân sống tại chung cư hiện nay còn thấp, nói thẳng là thờ ơ với chính mạng sống của mình. Hầu hết các hộ đến nhận nhà đều không quan tâm đến hệ thống PCCC của chung cư mình sinh sống thế nào, đã được nghiệm thu chưa, có đáp ứng đủ yêu cầu an ninh, an toàn hay không. Nhiều người còn đốt nhang, đồ cúng trong chung cư, hầm xe… hỏi sao không dễ cháy”, ông Hải cho biết.
Đại tá Huỳnh Ngọc Quan, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC TP.HCM, cũng cho rằng vấn đề không phải ở nhà phố hay chung cư, quan trọng nhất là ý thức của người dân và chủ đầu tư. Thực tế hiện nay tại nhiều chung cư, tình trạng câu mắc điện chằng chịt, sử dụng các thiết bị điện không an toàn, lấn chiếm hành lang, vô hiệu hóa tác dụng của thang thoát hiểm, hay thậm chí là trộm cắp các thiết bị PCCC… đang xảy ra phổ biến, gây rất nhiều nguy cơ mất an toàn khi xảy ra sự cố. “Cơ quan PCCC có trách nhiệm thực hiện kiểm tra định kỳ, kiểm tra chuyên đề, đột xuất. Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức trách nhiệm của chủ đầu tư và người dân, những người trực tiếp hằng ngày sử dụng, vận hành chung cư. Nếu tuân thủ đầy đủ các quy tắc thì dù cháy ở tầng hầm hay bất kỳ chỗ nào, việc xử lý rất nhanh và không gây hậu quả nghiêm trọng. Người dân không có ý thức thì ở nhà nào cũng cháy”, ông Quan nhấn mạnh.
Vẫn chọn chung cư
Có mặt tại hội thảo, anh Trương Đăng Khoa, ngụ block C dự án Carina (Q.8, TP.HCM), cho rằng chung cư vẫn sẽ an toàn nếu chủ đầu tư, ban quản lý, ban quản trị chung cư là những người có trách nhiệm cao, tập thể cư dân là những người có ý thức tốt. “Nhà riêng lẻ hay chung cư mối nguy hại đến từ bà hỏa đều như nhau, vấn đề cốt lõi vẫn chính là ý thức người dân. Ở đâu ý thức về cháy nổ càng cao thì ở đó có độ an toàn cao, bất kể chung cư hay nhà riêng lẻ. Sau thảm họa trên tôi vẫn chọn chung cư, nhưng chung cư do các chủ đầu tư uy tín xây dựng”, ông Khoa nói.
Thực tế cho thấy, rất nhiều chủ đầu tư hiện nay đang đặt vấn đề an toàn cho cư dân lên hàng đầu, nhất là cháy nổ ở chung cư. Ông Nguyễn Minh Khang, Tổng giám đốc Công ty LDG, cho biết đã bỏ ra hơn 10 tỉ đồng để thuê một đơn vị viết phần mềm hệ thống quản lý tòa nhà và nhập các thiết bị PCCC từ nước ngoài. Hệ thống thực hiện 3 chức năng, trong đó có hỗ trợ phát hiện hệ thống rò rỉ điện, nâng mức an toàn trong khi quản lý vận hành tòa nhà chung cư thêm một bước bằng cách sử dụng công cụ hỗ trợ phát hiện sớm, cảnh báo sớm. “Hiện nay sự cạnh tranh của các nhà đầu tư ngày càng gay gắt, lựa chọn của khách hàng ngày càng thông minh buộc các chủ đầu tư phải đầu tư dự án vượt tiêu chuẩn, quy định, trong đó có các quy định về PCCC”, ông Khang nói.
Hay tại các dự án của Tập đoàn Novaland hiện nay ngoài việc tuân thủ đầu tư hệ thống PCCC nghiêm ngặt các quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC của nhà nước tại 100% dự án và công trình, thì công ty này còn tham chiếu các bộ tiêu chuẩn PCCC nước ngoài như: NFPA (Mỹ), BS (Anh), AS (Úc) để áp dụng vào các dự án. Điều đặc biệt là các chung cư đều được mua bảo hiểm cháy nổ. “Tòa nhà Novaland có trang bị hệ thống điều hành, quản lý PCCC qua máy tính, máy phát điện riêng phục vụ phụ tải cơ điện, đèn báo cháy, hút khói và tạo áp khu thang bộ trong trường hợp mất điện; thang máy cứu hộ chuyên dụng dành riêng cho lực lượng PCCC để lực lượng cảnh sát PCCC có thể di chuyển tiếp cận đến vị trí có cháy một cách nhanh chóng...”, đại diện tập đoàn này cho biết trong tham luận của mình gửi đến hội thảo.
Ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Hưng Thịnh Corp, đơn vị đang triển khai rất nhiều chung cư, cho biết những chung cư đã đi vào vận hành, đơn vị này đều kiểm tra hệ thống PCCC thường xuyên, thậm chí mời cả cư dân cùng cơ quan quản lý đến để “thử” hệ thống PCCC có hoạt động tốt không. Sau nhiều lần “thực tập”, người dân tận mắt thấy hệ thống PCCC vận hành hiệu quả, giúp họ tin tưởng, an tâm. Mặc dù vậy, chủ đầu tư vẫn bổ sung bình chữa cháy các nơi công cộng, tầng hầm, các khu vực dễ xảy ra cháy nổ. Mới đây Hưng Thịnh đầu tư 3 tỉ đồng mua các bình chữa cháy mini tặng cho mỗi căn hộ, giúp cư dân có ý thức hơn về phòng chống cháy nổ. “Khách hàng nhận căn hộ được tặng kèm theo các quy định, hướng dẫn PCCC, để khách hàng an tâm. Hiện công ty đang nghiên cứu các giải pháp cứu hộ cứu nạn, thoát hiểm công nghệ tân tiến của Nhật Bản để áp dụng vào các chung cư công ty xây dựng”, ông Dũng nói.
Công ty Phúc Khang lại chọn xây dựng các dự án theo tiêu chuẩn xanh của Mỹ, nghĩa là toàn bộ tòa nhà được phủ bằng cây xanh. Ngoài ra, các lối thoát hiểm, diện tích công cộng cũng được đầu tư khá nhiều để đảm bảo đủ điều kiện thoát hiểm của cư dân. Ông Trương An Tú, Giám đốc kinh doanh Công ty Phúc Khang, cho biết công trình xanh đi qua 3 giai đoạn thiết kế - thi công - vận hành. Trong giai đoạn thiết kế, công ty thông qua đơn vị tư vấn đã phải bớt đi phần diện tích thương phẩm (yếu tố tăng thêm lợi nhuận vài trăm tỉ đồng) để đạt được tiêu chuẩn công trình xanh theo tiêu chuẩn Mỹ, đó là sự thông thoáng. Sự thiệt thòi này giờ đây lại trở thành một lợi thế cho công ty trong việc khẳng định chất lượng công trình, sự thông thoáng trong thiết kế đã giúp cho việc PCCC tốt, người dân sống thoải mái hơn.
Bình tĩnh là điều kiện đầu tiên
Khi xảy ra sự cố, cần bình tĩnh tìm đến đường thoát nạn gần nhất, các phòng lánh nạn. Đối với các nhà cao tầng, thang bộ được thiết kế là lối thoát nạn và sân thượng cũng là khu vực lánh nạn an toàn. Trong tình huống bất khả kháng, khi các lối thoát nạn không an toàn, lập tức chạy vào bên trong căn hộ. Trong thiết kế chung cư, quy định cửa căn hộ là cửa chống cháy, vì vậy có tối thiểu 30 phút an toàn bên trong căn hộ. Việc đầu tiên cần làm là chống khói tràn vào căn hộ bằng cách sử dụng vật cản như chăn ướt chèn vào khe cửa sau đó chạy ra ban công, báo tín hiệu cho hệ thống cứu nạn cứu hộ. Lưu ý các thang dây, thang móc… chỉ được sử dụng trong trường hợp không còn bất cứ đường thoát nào, tình huống nguy cấp tính mạng… bởi vội vã sử dụng trong khi chưa được tập huấn rất dễ dẫn đến nguy hiểm tính mạng.
Đại tá Huỳnh Ngọc Quan, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC TP.HCM
Chú trọng cầu thang thoát hiểm nằm bên ngoài tòa nhà
Về cơ bản, hệ thống PCCC tại các khu chung cư, nhà cao tầng ở VN không khác so với Nhật Bản. Nhưng ở Nhật, hệ thống cầu thang thoát hiểm nằm ở phía ngoài tòa nhà, để khi xảy ra sự cố người dân dễ dàng thoát hiểm và cảnh sát PCCC dễ dàng tiếp cận, cứu hộ. Kiểm tra hằng ngày thang bộ thoát nạn đảm bảo hệ thống thông, hút gió hoạt động tốt; hệ thống cửa chống cháy ở khu vực cầu thang bộ và thang thoát hiểm, phòng kỹ thuật phải đảm bảo tiêu chuẩn và ngăn được khói khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Hành lang các tầng phải đảm bảo thông thoáng, lưu thông gió khi có sự cố xảy ra. Hạn chế hoặc cấm việc đốt vàng mã, sử dụng thực phẩm nướng, bếp gas; xây dựng một bộ phận cơ động trực 24/24 để sẵn sàng hướng dẫn cho cư dân cách PCCC…
Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý bất động sản Okamuara Sanyo (Nhật Bản)
|
Kiểm tra PCCC đột xuất tại 7 tỉnh
Chiều qua 3.4, làm việc với các đơn vị về công tác PCCC, trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết từ 10.4 - 10.5 Bộ Công an sẽ phối hợp với các bộ, ban, ngành chức năng thành lập đoàn liên ngành kiểm tra xác suất ở 7 tỉnh và không thông báo trước.
Chiều cùng ngày, tại buổi giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội, thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội, cho biết năm 2017 và quý 1/2018 trên địa bàn TP xảy ra 1.100 vụ cháy, nổ, trong đó có 31 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 87 vụ cháy nhà cao tầng. Các vụ cháy đã khiến 24 người chết, 18 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính 617 tỉ đồng và 6,3 ha rừng. Tính đến ngày 2.4, trên địa bàn TP.Hà Nội vẫn tồn tại 29 công trình vi phạm về PCCC, trong đó có 4 công trình thuộc Doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên của “đại gia” Lê Thanh Thản.
Đáng chú ý, có 3 công trình được xếp vào diện chây ì, không khắc phục các tồn tại dù đã bị nhắc nhở, xử phạt hành chính nhiều lần, gồm: chung cư (CC) CT4 Văn Khê do Công ty CP Sông Đà làm chủ đầu tư; CC CT5 A, B Văn Khê và CC CT6 Văn Khê do Công ty CP Hà Châu OSC làm chủ đầu tư. Hiện Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội đã thu thập hồ sơ, chuyển CQĐT Công an TP.Hà Nội thụ lý, xem xét trách nhiệm hình sự của các chủ đầu tư.
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về việc xử lý đối với chủ đầu tư 3 CC này, thiếu tướng Hoàng Quốc Định nói: “Chúng tôi thấy tiềm ẩn nguy cơ gây ra hậu quả nghiêm trọng, gây hoang mang, lo lắng cho cư dân, nên đã đặt vấn đề xem xét xử lý hình sự để nêu gương cho những cơ sở chây ì, thiếu cầu thị”. Ngoài ra, thiếu tướng Định cũng khuyến cáo về loại hình CC mini, vốn đang có sơ hở từ cấp phép xây dựng, đến khi hoàn thành, cho thuê, bán... Ông Định nói, an toàn PCCC ở các CC mini “rất hạn chế, cần cảnh báo”.
Liên quan đến công tác PCCC trên địa bàn TP.Hà Nội, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó chủ tịch UBND TP, đã ra “tối hậu thư” yêu cầu chủ đầu tư các nhà cao tầng khắc phục hoàn thành công tác PCCC trước 30.4. Ông Sửu cam kết TP sẽ mạnh tay hơn, bao gồm biện pháp cưỡng chế những công trình vi phạm.
Tại Đà Nẵng, chiều 3.4, UBND TP chỉ đạo Cảnh sát PCCC TP tổng kiểm tra an toàn cháy nổ các cơ sở có nguy cơ cao, nhất là điểm dịch vụ, giải trí, nhà kinh doanh mặt phố, xử lý nghiêm các vi phạm, buộc đình chỉ hoạt động các cơ sở mất an toàn PCCC và thoát nạn.
Thái Sơn - Vũ Hân - Nguyễn Tú
|
Bình luận (0)