Thực hư chuyện Trường Đại học Kiến trúc tháo dỡ tu viện cổ ở Đà Lạt

03/03/2021 19:22 GMT+7

Những ngày gần đây trên nhiều trang mạng chia sẻ hình ảnh, thông tin Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM tháo dỡ tu viện cổ tại Trung tâm đào tạo cơ sở Đà Lạt, khiến nhiều người băn khoăn, lo lắng về số phận của công trình độc đáo này.

Những ngày gần đây trên nhiều trang mạng chia sẻ hình ảnh, thông tin Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM tháo dỡ tu viện cổ tại Trung tâm đào tạo cơ sở Đà Lạt khiến nhiều người băn khoăn, lo lắng về số phận của công trình độc đáo này. PV Thanh Niên đã tìm hiểu để rõ thực hư sự việc.

Mặt tiền nhà nguyện cổ Benedict

Lâm Viên

 
Kiến trúc cổ độc đáo
Công trình nhà nguyện và đan viện Benedict (Biển Đức), sau là trường dòng nữ Franciscaines (Đà Lạt), tọa lạc tại số 20 đường Hùng Vương, P.10, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) trên khu đồi thông tuyệt đẹp . Công trình kiến trúc cổ này được hai kiến trúc sư Alexandre Leonard và Paul Veysseyre thiết kế, xây dựng vào cuối thập niên 1930, đầu thập niên 1940, thời cha Romain Guilauma làm đan viện phụ.

Khối nhà nội viện xưa sẽ được trùng tu nguyên bản.

Lâm Viên

Theo nhà khảo cứu Nguyễn Vĩnh Nguyên, tác giả cuốn Biên khảo Đà Lạt, bên dưới sương mù, Công trình nhà nguyện đan viện này ghi những dấu chân đầu tiên của các đan sĩ Benedict từ phương Tây vào Việt Nam. Alexandre Leonard và Paul Veysseyre là hai kiến trúc sư thiết kế phần lớn dinh thự, biệt thự Đà Lạt trong đầu thập niên 1940.

Kiến trúc mặt sau của khối nhà nội viện dòng tu.

Lâm Viên

Cũng theo Nguyễn Vĩnh Nguyên, từ năm 1954, các đan sĩ Benedict chuyển ra Huế, lập đan viện Thiên An, công trình đan viện tại Đà Lạt được nhượng lại cho các nữ tu dòng Franciscaines. Do nhu cầu mở rộng cơ sở giáo dục, dạy nghề và nội trú, các soeur dòng Franciscaines đã xây thêm dãy phòng học phía sau. Bản thiết kế khu trường học Franciscaines Missionnaires de Marie do Kiến trúc sư Phạm Khánh Chù thực hiện năm 1961. Sau 1975, các nữ tu dòng Franciscaines rời đi nơi khác.

Phía trong cung thánh nhà nguyện xưa sẽ được trùng tu

Lâm Viên

Phải giữ lại "cái hồn" tu viện xưa
Ông Trương Duy Hùng, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo cơ sở Đà Lạt (thuộc Trường ĐH Kiến Trúc TP. HCM), công trình này có thời gian được cải tạo, cơi nới làm khách sạn với tên gọi Lâm Viên. Sau này, được sử dụng làm Trường chuyên tỉnh Lâm Đồng, rồi Trường THPT Trần Phú. Từ năm 2014 cụm công trình này được chuyển giao cho Trường ĐH Kiến Trúc TP.HCM lập Trung tâm đào tạo tại Đà Lạt.

Dãy phòng học phía sau nhà nguyện đang được tháo dỡ ngói

Lâm Viên

Theo ông Hùng khi tiếp nhận, 5 khối công trình nơi đây đều xuống cấp, mái nhà đều bị thấm dột. Nhà nguyện cổ bị bỏ hoang, khu nội viện cạnh đó là nơi các đan sĩ, tu sĩ năm xưa từng sống biến thành nhà tập thể nhếch nhác, có những góc là nơi tá túc cho người vô gia cư… Nhiều căn phòng bị biến dạng hoặc đục đẽo cơi nới thêm… không còn công năng sử dụng

Nhiều công trình bị cơi nới phá vỡ kiến trúc của tu việc cổ đang được tháo dỡ.

Lâm Viên

“Sau khi tiếp nhận Trường ĐH Kiến Trúc có kế hoạch chỉnh sửa, trùng tu nhưng đến nay mới được Bộ Xây dựng phê duyệt kinh phí”- Ông Hùng cho biết.
Ông Hùng nói thêm về phương án kiến trúc, tất cả 5 khối công trình đều được giữ nguyên, không có công trình nào bị phá bỏ để giữ lại “cái hồn” của tu viện xưa. Đặc biệt Nhà nguyện cổ và khu nội viện xưa sẽ được khôi phục kiến trúc nguyên bản. Với khối nhà này bị người dân chiếm tạm để ở trước đây phải khôi phục lại nguyên trạng vì có nhiều vị trí được xây thêm công trình phụ, có nơi bị đục để gắn cầu thang lên lầu, có nơi bị bít hết cửa…

Dãy phòng trong nhà nội viện xuống cấp nghiêm trọng.

Lâm Viên

Do mái của các 5 khối công trình bị dột nát, đà gỗ bị mục nên phải tháo dỡ toàn bộ phần mái để thay đà, lợp lại mái. Để thực hiện việc đưa ngói cổ từ trên cao xuống để rửa và sau đó đưa lên lại để lợp, Công ty Huy Hoàng JSC mua mới một dàn cẩu tháp hiện đại đưa lên Đà Lạt trong vài ngày qua.

Phần mái ngói của tu viện cổ bị dột nát nghiêm trọng.

Lâm Viên

“Trong quá trình thi công cải tạo trùng tu chúng tôi giữ lại ngói cổ, sau đó rửa sạch để lợp lại, nếu thiếu mới thay ngói mới cho 1 khối công trình nào đó”- Ông Hùng chia sẻ.

Tháo dỡ mái ngói để thay đà gỗ bằng sắt, sau đó lợp lại mái ngói

Lâm Viên

Việc cải tạo, trùng tu 5 khối công trình kiến trúc do Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại quốc tế Huy Hoàng (Công ty Huy Hoàng JSC) đảm nhận sau khi trúng thầu. Thời gian thực hiện trong 360 ngày. Cũng theo ông Hùng Công ty Huy Hoàng là đơn vị có đầy đủ năng lực, từng thi công nhiều công trình mang tầm quốc tế, do đó ĐH Kiến trúc TP.HCM  tin tưởng 5 khối công trình trong đó có tu viện cổ sẽ được trùng tu đạt chất lượng và đúng tiến độ.
Một số hình ảnh thi công sửa chữa trùng tu 5 khối công trình thuộc tu viện cổ ở Đà Lạt.

Đơn vị thi công đang tháo các mái ngói để trùng tu tu viện cổ Benedict

Lâm Viên

 
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.