Thực hư chuyện xây mộ Phật Thích Ca, Khổng Tử trong di tích lịch sử quốc gia

15/07/2024 16:27 GMT+7

Chính quyền H.Vĩnh Bảo (Hải Phòng) khẳng định thông tin một số tài khoản mạng xã hội đăng tải cho rằng xây mộ Phật Thích Ca, Thái thượng Lão Quân và Khổng Tử trong khuôn viên Di tích lịch sử cấp quốc gia đình Cung Chúc (xã Trung Lập) là không đúng.

Ngày 15.7, ông Nguyễn Đức Cảnh, Chủ tịch UBND H.Vĩnh Bảo, khẳng định không có việc xây mộ Phật Thích Ca, Thái thượng Lão Quân và Khổng Tử trong khuôn viên Di tích lịch sử cấp quốc gia đình Cung Chúc (xã Trung Lập) như thông tin mạng xã hội lan truyền.

Theo ông Cảnh, đó là nhà bia được bà Trần Thị Thuân xây dựng trên đất ở cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện, UBND huyện đã giao UBND xã Trung Lập mời bà Thuân về trụ sở xã để làm rõ mục đích của việc xây dựng.

Thực hư chuyện xây mộ Phật Thích Ca, Khổng Tử trong di tích lịch sử quốc gia- Ảnh 1.

Di tích lịch sử quốc gia đình Cung Chúc (xã Trung Lập, H.Vĩnh Bảo, Hải Phòng) hoàn toàn không có công trình xây dựng mộ Phật Thích Ca, Thái thượng Lão Quân và Khổng Tử như mạng xã hội nêu

GIANG LINH

Trước đó, ngày 13.7, trên một số tài khoản mạng xã hội, hội nhóm đã đăng thông tin: "RẤT NGHIÊM TRỌNG!!! xây mộ Phật Thích Ca, Thái Thượng Lão Quân và Khổng Tử trong khu Di tích quốc gia đình Cung Chúc, xã Trung Lập, H.Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng" khiến dư luận đặt ra nhiều thông tin trái chiều.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, UBND H.Vĩnh Bảo thành lập tổ công tác cùng với UBND xã Trung Lập tiến hành rà soát, kiểm tra các tài liệu còn lưu trữ và kiểm tra thực tế tại đình Cung Chúc. Kết quả kiểm tra, rà soát cho thấy không có việc xây dựng công trình không đúng quy định tại đình.

Thực hư chuyện xây mộ Phật Thích Ca, Khổng Tử trong di tích lịch sử quốc gia- Ảnh 2.

Công trình nhà bia tưởng niệm Phật Thích Ca, Thái thượng Lão Quân và Khổng Tử được bà Trần Thị Thuân xây dựng trên đất ở của gia đình, khiến nhiều người lầm tưởng là xây dựng trong khuôn viên đất đình Cung Chúc

GIANG LINH

Tuy nhiên, sau khi kiểm tra đất của một hộ dân tại thôn 7 (xã Trung Lập), đoàn công tác nhận thấy có việc xây dựng các bia tưởng niệm Phật Thích Ca, Thái thượng Lão Quân và Khổng Tử trong phần diện tích đất ở của hộ gia đình. Căn cứ sổ mục kê và bản đồ giải thửa 1995 thì thửa đất số 338 thuộc tờ bản đồ số 3, có diện tích 368 m² của ông Lê Văn Cam.

Tại buổi làm việc chiều 13.7, ông Lê Văn Cam khẳng định thửa đất số 338 thuộc tờ bản đồ số 3 ông đã cho con trai là ông Lê Văn Luận sau đó con ông đã chuyển nhượng cho bà Trần Thị Thuân (trú tại nội thành Hải Phòng). Bà Trần Thị Thuân đã tự phát xây dựng các bia tưởng niệm nói trên.

Thực hư chuyện xây mộ Phật Thích Ca, Khổng Tử trong di tích lịch sử quốc gia- Ảnh 3.

Bia thờ Khổng Tử do bà Trần Thị Thuân tự phát xây

GIANG LINH

Theo văn bản của Ủy ban hành chính xã Trung Lập về việc bảo vệ đình Cung Chúc ngày 16.12.1961 hiện được lưu trữ trong Di tích lịch sử đình Cung Chúc thì phần đất của gia đình ông Lê Văn Căng (là bố đẻ ông Lê Văn Cam) không nằm trong khu di tích đình Cung Chúc.

Để làm rõ mục đích của công trình xây dựng nêu trên, UBND H.Vĩnh Bảo đã giao UBND xã Trung Lập mời bà Trần Thị Thuân tới làm việc.

Thực hư chuyện xây mộ Phật Thích Ca, Khổng Tử trong di tích lịch sử quốc gia- Ảnh 4.

Bia thờ Phật Thích Ca do bà Trần Thị Thuân tự phát xây

GIANG LINH

Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Vũ Bảo, Chủ tịch UBND xã Trung Lập, cho biết Trung Lập nói riêng và Vĩnh Bảo nói chung vốn là vùng đất cổ, hiếu học được hình thành cách đây hàng nghìn năm.

Thời xưa, khi nền Nho học còn thịnh hành, mỗi làng quê đều có một nơi thờ tự Khổng Tử và các bậc thánh hiền trong Nho giáo khác. Có làng xây một ngôi đền nhỏ có đủ tường gạch mái che, thì gọi là Văn Từ. Có làng chỉ xây hoặc đắp một đàn tế bằng đất lộ thiên thì gọi là Văn Chỉ.

Văn Từ, Văn Chỉ cũng là một biểu tượng cho tinh thần hiếu học của làng quê thời ấy. Đó là một kiến trúc đặc biệt ở các làng quê xưa, mà đến nay do sự thay đổi, biến thiên của lịch sử, nhiều công trình bị mai một.

Thực hư chuyện xây mộ Phật Thích Ca, Khổng Tử trong di tích lịch sử quốc gia- Ảnh 5.

Bia thờ Thái thượng Lão Quân do bà Trần Thị Thuân tự phát xây

GIANG LINH

Theo người dân thôn Cung Chúc, xưa kia, thôn có một Văn Chỉ và Văn Chỉ đó được dựng trên chính vị trí đất mà bà Trần Thị Thuân sở hữu ngày nay, nhưng công trình đã bị giặc Pháp tàn phá. Đến năm 2022, sau khi nhận chuyển nhượng thửa đất nói trên, bà Thuân bỏ tiền xây dựng công trình nhà bia, thờ Phật Thích Ca, Thái thượng Lão Quân và Khổng Tử.

Ghi nhận của PV trong ngày 14.7 cho thấy, thửa đất của bà Thuân nằm sát nhà dân và cách đình Cung Chúc khoảng 50 m. Mặt tiền thửa đất giáp con ngõ nhỏ được bà Thuân cho xây cổng tam quan, phía bên trong là 3 bia tưởng niệm được xây dựng thoạt nhìn khiến nhiều người lầm tưởng là ngôi mộ. Chính giữa là bia thờ Khổng Tử, bên trái và bên phải phía trước là bia thờ Phật Thích Ca và Thái thượng Lão Quân.

Bà Thuân có gắn tấm biển với nội dung: "Không nhận tiền công đức/Không đốt giấy tiền/Tiền thắp hương để đầu năm mua bút cho con cháu/Đầu năm khai bút/Bút khai hoa".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.