Thực hư 'cuộc khủng hoảng' rệp ở Paris

Thực hư 'cuộc khủng hoảng' rệp ở Paris

08/10/2023 09:38 GMT+7

Chính phủ Pháp đang nỗ lực ngăn chặn "cuộc khủng hoảng rệp" tại Paris 9 tháng trước khi sự kiện đăng cai Thế vận hội Olympic vào mùa hè tới.

Có một thứ đang khiến dân Paris phải "ngứa ngáy khó chịu". Từ mạng xã hội, chuyện trò tán gẫu bên đường, cho đến các chương trình truyền hình… Tất cả đều đều góp phần tạo nên không khí lo sợ loài rệp hút máu tại Paris.

Vấn đề nghiêm trọng đến mức các quan chức chính phủ phải tổ chức cuộc họp khẩn nhằm tìm ra cách tốt nhất để giải quyết cơn "cuồng loạn" này. Lo lắng nổi lên trong bối cảnh chỉ 9 tháng nữa, Paris sẽ đăng cai tổ chức Thế vận hội.

Nhưng vấn đề có thực sự tệ đến vậy không?

Rệp cái có thể đẻ từ 1 đến 5 trứng mỗi ngày và có thể đẻ 200 đến 500 quả trứng trong vòng đời. Các chuyên gia cho biết lũ rệp có thể nhịn đói suốt nhiều tháng mà vẫn sống sót để chờ "bữa ăn" tiếp theo.

Theo một nhà côn trùng học, các loại thuốc mạnh từng được dùng để diệt rệp hiện nay đã bị cấm do gây nguy hiểm cho sức khỏe. Trong khi đó, rệp đã phát triển sức đề kháng trước các loại hóa chất nhẹ hơn.

Hoạt động du lịch phục hồi sau đại dịch có thể là nguyên nhân góp phần dẫn đến sự lây lan gần đây. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề mới đối với Pháp và các chuyên gia cho rằng chưa có sự bùng nổ thực sự về số ca nhiễm.

Anh Nicholas Roux De Bezieux, nhà tư vấn kiểm soát dịch hại cho biết:

"Chúng tôi đã ghi nhận có gia tăng rệp ở Pháp, nhưng đây không phải là hiện tượng mới mà đã bắt đầu từ hơn mười năm trước. Điều đáng nói là số lượng rệp cứ 5 năm lại tăng gấp đôi. Vì vậy, tốc độ tăng là chậm nhưng lại ổn định, cho nên dĩ nhiên là rất đáng lo ngại. Và lúc này thì truyền thông lại thổi bùng vấn đề lên nên dĩ nhiên là ai cũng lo sợ thôi".

Một kỹ thuật viên diệt sinh vật gây hại cho biết lượng khách đến cửa hàng của ông đã tăng vọt, mong tìm cách ngăn chặn và diệt trừ rệp. Tuy nhiên, việc kiểm soát dịch hại rất tốn kém và thường là nằm ngoài tầm tay của các gia đình có thu nhập thấp.

Chó nghiệp vụ đang được điều động kiểm tra tàu hỏa và phương tiện giao thông công cộng. Chính phủ Pháp cũng kêu gọi hành động. Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne trong một phát biểu mới đây đã bày tỏ quan ngại.

Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne nói:

"Một ngôi nhà bị nhiễm rệp có thể trở thành địa ngục đối với những người đang sinh sống tại đó, nhưng giải pháp để diệt rệp lại có thể là tốn kém. Do đó, trong vấn đề này, chúng ta không nên có sự chia rẽ mà cần có quyết tâm tập thể để cùng hành động".

Loài côn trùng nhỏ bé này cũng khiến cả nước Pháp lo ngại sẽ làm hỏng cả Thế vận hội Olympic mà Paris tổ chức vào năm 2024.

"Rệp có lẽ sẽ là một món quà lưu niệm tuyệt vời cho người dân Paris khi có thể số lượng rệp sẽ tăng nhiều hơn nữa sau Thế vận hội...", anh Bezieux cho rằng khách du lịch có thể giúp rệp lây lan mạnh hơn nữa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.