Thực hư đề xuất mở 'phố đèn đỏ' ở Đà Nẵng để kích cầu du lịch

21/07/2020 14:54 GMT+7

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt Nam (Vitours) giải thích rõ về đề xuất mở 'phố đèn đỏ' để kích cầu du lịch Đà Nẵng mà không làm mất "thuần phong mỹ tục".

Mới đây trong tọa đàm "Kích cầu du lịch Đà Nẵng - vai trò của sản phẩm, dịch vụ giải trí về đêm" vừa được Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng phối hợp với Hãng hàng không Vietnam Airlines và Cty CP Tập đoàn Sun World tổ chức, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt Nam (Vitours) tại Đà Nẵng có bản tham luận về đề xuất đột phá về sản phẩm dịch vụ giải trí đêm phục vụ cho phát triển du lịch Đà Nẵng.
Trong tham luận này, ông Tùng có nêu ý kiến cho rằng Đà Nẵng cần có ý tưởng và đề xuất đột phá với Quốc hội và Chính phủ về việc thí điểm triển khai loại hình phố đèn đỏ có quản lý chặt chẽ. Ông dẫn chứng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng Cục Du Lịch đang triển khai đề án kinh tế ban đêm trình Chính phủ vào năm 2021, đó là: Phải tư duy mở hơn về một số hoạt động lâu nay vẫn bị coi là nhạy cảm như mại dâm, cá cược, cờ bạc. Quy định hiện hành cấm nhưng thực tế các hoạt động này vẫn diễn ra lén lút dưới nhiều hình thức, phát sinh nhiều tiêu cực rủi ro cho khách hàng và người phục vụ.

Đà Nẵng đẹp lung linh về đêm

Ông Tùng giải thích với Thanh Niên rõ hơn về đề xuất của ông: Là một người làm du lịch, tôi hiểu rõ nhu cầu thực tế của khách nước ngoài. Trong dịch Covid-19 vừa qua, có 2 du khách bị dương tính với Covid-19 khi truy tìm lại, họ đã có nhu cầu và đã sử dụng dịch vụ mại dâm có tổ chức. Như vậy, nếu không công khai thì làm sao quản lý được?
Về cách thực hiện, ông Tùng cho rằng có thể quy hoạch và tạo cơ chế triển khai phố đèn đỏ tại một khu du lịch/resort khép kín kiểu như casino tại Crown Plaza. Học tập cách làm của Singapore, đội ngũ phục vụ không phải là người Việt Nam, được cấp phép hành nghề, khám sức khỏe và đánh thuế tiêu dùng đặc biệt thật cao.
"Khi đội ngũ phục vụ không phải là người Việt Nam thì không ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, không phá hoại hạnh phúc gia đình như nhiều ý kiến trên mạng đã phản đối, đồng thời, đáp ứng nhu cầu thực của khách du lịch nước ngoài, lại quản lý được công khai", ông Tùng cho biết.
Ngoài ý kiến về lập phố đèn đỏ thì ông Tùng cũng nêu đề xuất cần khu phố đêm (Phố đi bộ kiểu như Bùi Viện của TP.HCM) thực sự có quy mô và xứng tầm với một đô thị lớn về du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu du khách có sự kết hợp của nhu cầu dân địa phương tạo nên sự sầm uất và phong phú thực sự.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tôi khẳng định Việt Nam sẽ không có ‘phố đèn đỏ’
Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch tổ chức tại TP.Hội An (Quảng Nam) năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố: “Tôi khẳng định Việt Nam sẽ không có “phố đèn đỏ”, Việt Nam cũng sẽ không tự biến mình thành “casino” với các sòng bạc tràn lan. Du lịch Việt Nam sẽ không phát triển theo con đường đó, bởi đó chỉ là một phần nhu cầu của dịch vụ, của một bộ phận du khách. Du lịch Việt Nam sẽ phát triển theo hướng du lịch cộng đồng, sinh thái, văn hóa, ẩm thực với những tiềm năng và thế mạnh riêng của mình”.
Đà Nẵng còn nhiều tiềm năng sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn “phố đèn đỏ”
Trao đổi với Thanh Niên, bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng cho biết, với ý tưởng hình thành “phố đèn đỏ”, Đà Nẵng hiện chưa nhất thiết phải có, bởi thành phố còn nhiều tiềm năng phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, có thể thu hút khách du lịch quốc tế.
“Đơn cử như đề án du lịch, kinh tế đêm hiện nay thành phố đã hình thành du thuyền sông Hàn, các khu vui chơi giải trí về đêm hấp dẫn, chợ đêm, các show diễn nghệ thuật, văn hóa truyền thống, ẩm thực… bước đầu đủ sức hấp dẫn du khách”, bà Hồng Hạnh chia sẻ.
Về “phố Tây”, Đà Nẵng đã thành lập Khu phố du lịch An Thượng (Q.Ngũ Hành Sơn), hình thành trên cơ sở khu vực cộng đồng người nước ngoài tập trung lưu trú, mở các cơ sở dịch vụ.
“Trên nền tảng đó, thành phố, Q.Ngũ Hành Sơn cùng ngành du lịch định hướng, kêu gọi đầu tư và hỗ trợ phần hạ tầng đô thị, hiện hình thành chuỗi dịch vụ bar, pub, spa, lưu trú, phù hợp với nhu cầu thực tế và phát triển bền vững, ngoài ra, địa phương còn đầu tư thêm các sản phẩm như vũ hội, âm nhạc đường phố…”, bà Hồng Hạnh nói.
Cũng theo lãnh đạo ngành du lịch, bên cạnh khu An Thượng, hiện nay tuyến Bạch Đằng cũng đang có sự chuyển dịch dân cư, người dân bán hoặc cho thuê nhà, hình thành chuỗi hoạt động dịch vụ, du lịch như bar, pub, spa, ẩm thực phục vụ du khách.
(Nguyễn Tú ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.