Thức khuya dậy muộn có hại gì cho sức khỏe?

08/09/2020 00:10 GMT+7

Ai cũng biết thức khuya có hại cho sức khỏe , nhưng chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh điều này.

Giờ đây, một nghiên cứu mới đã chứng minh rõ ràng rằng ngủ sớm giúp tim khỏe hơn.

Ngủ sớm dậy sớm có lợi gì?

Một nghiên cứu, được công bố trên Tạp chí về y học và khoa học Scandinavian Journal of Medicine & Science in Sports, cho thấy những người ngủ sớm dậy sớm, hoạt động nhiều hơn, dẫn đến làm tăng khả năng giữ cho trái tim khỏe mạnh hơn, theo Best Life.
Các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn 5.156 người tham gia về thói quen đi ngủ và thức dậy.
Sau đó, những người tham gia được yêu cầu đeo máy đo gia tốc ở cổ tay trong 14 ngày để theo dõi thói quen ngủ và mức độ hoạt động của họ.
Đi ngủ giờ này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Người thức khuya dậy muộn dễ mắc chứng rối loạn tâm trạng và trầm cảm hơn

Ảnh minh họa: Shutterstock

Kết quả đã phát hiện những người có thói quen ngủ sớm dậy sớm hoạt động tích cực hơn những người còn lại. Những người đàn ông có thói quen ngủ sớm dậy sớm, trung bình đi bộ nhiều hơn khoảng 30 phút mỗi ngày; những phụ nữ có thói quen ngủ sớm dậy sớm, trung bình đi bộ nhiều hơn khoảng 20 phút, theo Best Life.
Chỉ một ngày thì không thấy rõ sự khác biệt. Nhưng qua nhiều năm hoặc nhiều thập niên, sẽ dồn thành một con số rất lớn, có tác động tốt đến sức khỏe tổng thể và làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Đối với những người có thói quen thức khuya, dậy muộn?

Theo đánh giá của The New York Times về kết quả nghiên cứu, những người thức khuya dậy muộn, có nguy cơ mắc bệnh tim, béo phì, tiểu đường và các bệnh chuyển hóa cao hơn.
Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra tác hại của việc thức khuya dậy muộn, như sau:
Một nghiên cứu năm 2015 được xuất bản bởi Tạp chí Rối loạn Tâm thần (Mỹ) cho biết người thức khuya dậy muộn dễ mắc chứng rối loạn tâm trạng và trầm cảm hơn.
Một nghiên cứu khác năm 2019 trên Tạp chí Y học Nội khoa (Anh) đã xem xét thói quen ngủ của hơn 300.000 người ở Anh, và đã nhận thấy rằng, những người có thói quen thức khuya dậy muộn, có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn 25% so với những người ngủ sớm dậy sớm, theo Best Life.
Tiến sĩ Phyllis Zee, giám đốc Chương trình Nghiên cứu Giấc ngủ và Nhịp sinh học, tại Bệnh viện Northwestern Memorial (Mỹ), cũng lưu ý rằng thường xuyên thức khuya dẫn đến thói quen ăn uống kém.
Tiến sĩ Zee cho biết, nhịp sinh học của con người được đồng bộ với vòng quay hằng ngày của trái đất, do đó mặt trời lặn, là lúc để ngủ chứ không phải ăn.
Khi thời gian ăn ngủ không khớp với đồng hồ bên trong cơ thể, có thể dẫn đến những thay đổi về cảm giác thèm ăn và trao đổi chất, có thể dẫn đến tăng cân.
Mặc dù thói quen ngủ sớm hay ngủ trễ thường là tự nhiên, nhưng nó thường kéo dài trong suốt cuộc đời một người.
Nhưng nếu cố gắng, vẫn có thể thích nghi và thay đổi được.
Tiến sĩ Andrew Bagshaw, giám đốc Trung tâm Sức khỏe Não bộ Con người tại Đại học Birmingham (Anh), đã thực hiện một nghiên cứu vào năm 2019, trong đó ông yêu cầu 22 người khỏe mạnh, có thói quen thức khuya dậy muộn, làm 4 việc trong vòng 3 tuần để trở thành người ngủ sớm, dậy sớm.
Kết quả là, nhìn chung, những người tham gia có thể đi ngủ và thức dậy sớm hơn khoảng 2 giờ.

Những việc nên làm để giúp bạn ngủ sớm, dậy sớm hơn

• Thức dậy sớm 2 - 3 tiếng trước giờ thức dậy bình thường của mình và đón nhận càng nhiều ánh nắng tự nhiên càng tốt, theo Best Life.
• Tập thói quen ngủ sớm trước 2 - 3 giờ so với giờ đi ngủ bình thường của mình và hạn chế tiếp xúc với ánh sáng xanh từ màn hình.
• Duy trì lịch trình ngủ cố định trong cả ngày làm việc lẫn ngày nghỉ.
• Ăn sáng sau khi thức dậy, ăn trưa vào cùng một giờ mỗi ngày và không ăn gì sau 7 giờ tối, theo Best Life.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.