Theo phản ánh của bạn đọc qua đường dây nóng của Báo Thanh Niên, nhiều cơ sở ở H.Củ Chi, TP.Thủ Đức (TP.HCM) chuyên chế biến rau muống bào, bắp chuối bào không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thậm chí sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc để làm rau tươi hơn, trắng hơn cung cấp cho nhiều tỉnh, thành tiêu thụ. Từ đó, PV Thanh Niên vào cuộc điều tra bóc trần "tổ hợp" chế biến thực phẩm kinh hoàng này.
Rợn người ‘công nghệ’ phù phép rau muống bào siêu bẩn, biến héo thành tươi
PHÙ PHÉP RAU HÉO THÀNH RAU TƯƠI
Đầu tháng 6.2023, chúng tôi đến khu vực trồng rau muống bạt ngàn ở xã Bình Mỹ (H.Củ Chi), nơi được xem là thủ phủ rau muống vùng Đông Nam bộ. Tại đây, sau 1 tháng tiếp cận, chúng tôi hãi hùng khi chứng kiến rau muống bào được ngâm vào một loại dung dịch màu xanh đen trước khi đóng gói đưa tới các chợ đầu mối tiêu thụ. Sau khi ngâm, những sợi rau muống bào dù cũ, héo úa cách mấy cũng trở nên xanh tươi trong suốt nhiều ngày.
Ngày 15.6, chúng tôi tới cơ sở rau muống bào không tên, không số, rộng hơn 2 ha (tính cả ruộng rau phía sau cơ sở) nằm trên đường 288, xã Bình Mỹ. Mỗi tháng, cơ sở này cung cấp khoảng 18 tấn rau muống bào và nhiều tấn rau muống cọng ra thị trường TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và một số tỉnh miền Tây.
Chủ cơ sở là vợ chồng ông Đ., vừa được một người đàn ông tên T., sang nhượng lại. Thời điểm chúng tôi đến đây, T. cũng đang có mặt tại cơ sở này. T. có kinh nghiệm khoảng chục năm trong nghề trồng rau muống. Theo T., trồng rau muống rất nhanh đổi đời nhưng khá cực nhọc và độc hại. Gần đây do sức khỏe thay đổi nhiều nên T. nhượng lại cơ sở nói trên.
Khi đến cơ sở này, chúng tôi quan sát thấy dưới nền đất có nhiều vũng nước màu xanh đen. Một số lọ dung dịch khoảng nửa lít, không nhãn mác nằm cuối góc nhà.
Tối 15.6, ông Đ. đi giao hơn 500 kg rau muống bào cho các thương lái và chừa lại 3 kg vứt ở trước nền nhà. Ngày 16.6, chúng tôi chứng kiến cảnh T. cùng vợ chồng ông Đ. "phù phép" 3 kg rau cũ nói trên thành rau tươi.
Theo đó, khoảng 12 giờ trưa cùng ngày (16.6), bao rau muống bào bị héo, nhạt màu vì để ngoài trời nắng quá lâu. Lúc này, vợ ông Đ. lấy một cái thau to dính màu xanh rì, xả đầy nước. Sau đó, bà này cẩn thận đeo bao tay bảo hộ rồi đi tới cuối góc nhà, lấy ra lọ dung dịch không nhãn mác, mở nắp, rót dung dịch trong lọ vào thau nước, khuấy đều. Ngay lập tức, thau nước trong veo đã chuyển sang màu xanh đen và đôi bao tay bảo hộ màu vàng cũng chuyển thành màu xanh dương.
T. đến hốt 1 nắm rau bào cho vào dung dịch ngâm thì phát hiện màu quá đậm, lo sợ dễ bị phát hiện nên kêu vợ ông Đ. cho thêm nước vào. Trên bề mặt dung dịch nổi lăn tăn bọt xanh. T. cho 3 kg rau muống bào vào dung dịch nói trên, trộn đều. Ngâm rau khoảng 20 giây thì T. vớt ra sọt, mang lên trước sân để ráo nước. Sọt rau đi tới đâu, dung dịch màu xanh chảy dài tới đó, để lại những vệt nước nhuộm xanh cả nền gạch.
Như vậy, tính từ lúc thu hoạch rau đến thời điểm ngâm tẩm đã qua 24 tiếng, 3 kg rau cũ, héo ban đầu đã được hô biến thành rau tươi, mềm, xanh rờn chỉ sau 20 giây xử lý.
Khoảng 15 giờ ngày 23.6, trong vai người đi tìm nguồn cung rau muống bào cho bếp ăn công ty, chúng tôi tiếp tục đến cơ sở của vợ chồng ông Đ. để đặt hàng rau muống bào. Để đảm bảo cho hoạt động mờ ám diễn ra suôn sẻ, cơ sở này luôn đóng cửa kín mít, bên trong căng thêm một tấm màng màu đen che chắn xung quanh. Lúc vào bên trong cơ sở, chúng tôi bất ngờ bắt gặp vợ chồng ông Đ. đang ngâm rau nên cả hai tỏ ra bối rối, luống cuống định cất giấu hóa chất. Khi thấy chúng tôi ra hiệu "cứ tự nhiên", những người này mới bẽn lẽn tiếp tục công việc. Tại đây, vợ chồng ông Đ. cùng 3 công nhân đang liền tay ngâm tẩm hơn 500 kg rau muống bào.
Ở giữa nền đất, họ đặt một thau chứa dung dịch màu xanh, đen ngòm khoảng 40 lít. Nữ công nhân (khoảng 16 tuổi) đứng ngâm rau vào thau dung dịch. Khoảng 30 phút, khi thau dung dịch nhạt màu thì người này lại rót thêm hóa chất vào, khuấy đều.
Hai công nhân (1 nam, 1 nữ) khác thì vớt rau ra sọt, đóng gói bao ni lông, trọng lượng mỗi gói từ 6 - 11 kg, rồi khoét 1 lỗ để dung dịch chảy ra.
Tiếp xúc với rau nhưng không mang bao tay, đôi tay của nam công nhân này, đặc biệt là phần móng tay nhuộm đen xì. Bên dưới nền đất, nước dung dịch từ các bao rau muống chảy dài thành dòng, nền đất cũng cùng nhuộm một màu xanh.
Lần theo dòng chảy của chất lỏng màu xanh, chúng tôi phát hiện chất ngâm rau này, sau đó được thải trực tiếp ra ruộng rau muống phía sau cơ sở làm cho nước bên trong ruộng rau có màu xanh đen.
Ập vào cơ sở chế biến rau muống bào siêu bẩn ở Củ Chi
Bao nhiêu rau bẩn đã ra thị trường ?
Không chỉ một mà hàng loạt các cơ sở rau muống bào trên địa bàn xã Bình Mỹ (H.Củ Chi) đều cùng một thủ thuật tương tự để "phù phép" rau muống tươi xanh, bắt mắt. Sau 1 tháng điều tra, chúng tôi nắm được thời gian, cũng như cách thức hoạt động của các cơ sở chế biến rau muống bào này. Điểm chung của những cơ sở này là không tên, không địa chỉ và hoạt động kín đáo.
16 giờ ngày 4.7, chúng tôi tìm đến cơ sở rau muống bào không tên nằm trên đường 162, xã Bình Mỹ. Ông G. (54 tuổi, quê Ninh Bình, chủ cơ sở) cho hay mỗi ngày, cơ sở ông cung cấp ra thị trường khoảng 700 kg rau muống bào. Số rau này được đưa đến bãi tập kết rau trên đường Bình Mỹ và chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, sau đó tiểu thương đưa đi nhiều nơi tiêu thụ.
Những người tại cơ sở này rất cảnh giác, khi thấy người lạ đến thì 4 - 5 công nhân lập tức dừng tay, chặn lại hỏi. Trong vai người đi tìm nguồn rau muống bào, chúng tôi được nhân viên đưa vào khu vực bào rau. Khu vực này rộng khoảng 25 m2, nằm khuất bên trong, lối dẫn vào có 3 con chó canh gác. Tại đây cũng có nhiều chuồng nuôi gà, vịt.
Chứng kiến khu vực chế biến rau muống bào, chúng tôi khiếp hãi bởi cảnh tượng nền đất ẩm thấp, đen ngòm, dung dịch màu xanh dương đọng thành vũng, xen lẫn cả lông và phân của chó, gà... Tại khu vực máy bào, có đặt vài cái bao tải nhựa (bao đựng phân bón) để hứng rau bào. Ám ảnh nhất là cạnh máy bào có đặt một chậu to, bên trong chứa dung dịch màu xanh đen ngòm. Nữ công nhân (khoảng 40 tuổi) liên tục cho rau muống vào ngâm ngập trong dung dịch nói trên, 2 tay đảo đều, khoảng 20 giây thì vớt ra sọt đóng gói.
Cứ mỗi lần ngâm sọt rau vào, dung dịch xanh lại tràn ra sàn nhà làm nơi đây luôn nhầy nhụa. Dù những người này dùng chổi ráng để quét dọn, nhưng dung dịch cùng với phân, lông gà, vịt, chó tích tụ nhiều ngày làm cho nơi đây bốc mùi nồng nặc, nước xanh đen đặc quánh.
Tương tự, khoảng 17 giờ cùng ngày (4.7), chúng tôi đến một cơ sở rau muống bào không tên khác nằm trên đường 164 (xã Bình Mỹ). Chủ cơ sở là ông H. cũng cho hay mỗi ngày xưởng ông cung cấp trên 500 kg rau muống bào ra thị trường. Vừa vào cơ sở, đập vào mắt PV là hàng chục cái sọt, thau, chậu đều nhuộm màu đen thui, nền đất thì ẩm thấp, một màu xanh đen.
Không cẩn trọng như các cơ sở khác, ông H. để luôn chai hóa chất màu xanh đen trong cái thau đen xì, đặt ngay bên dưới máy bào. Tại đây, ông H. không ngại tiết lộ hết thủ thuật và biểu diễn cách làm rau muống tươi xanh.
Dứt câu, ông H. bật máy bào. Một công nhân khác thì bơm nước vào đầy cái thau cáu bẩn, rồi lấy chai hóa chất, đổ vào thau nước, dùng tay khuấy đều. Lập tức, thau nước đã đổi màu xanh đen. Số rau muống mà ông H. thu hoạch từ hôm trước, có dấu hiệu héo vàng, sau khi ngâm qua hóa chất liền trở nên xanh, tươi mơn mởn. Đống rau này sau đó được vớt ra, chất đống dưới nền đất - có lót vài bao bố; chờ ráo nước thì đóng gói đi giao…
Ngã ngửa vì ‘công nghệ' tắm trắng bắp chuối bào bằng hóa chất lạ
Tẩu tán tang vật khi thấy đoàn kiểm tra
Trưa 10.7, sau khi tiếp nhận thông tin từ Báo Thanh Niên cung cấp, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM gửi công văn khẩn yêu cầu các đơn vị địa phương liên quan khẩn trương thành lập đoàn liên ngành vào cuộc kiểm tra xác minh, làm rõ.
Khoảng 17 giờ 30 cùng ngày, Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm UBND H.Củ Chi ập vào kiểm tra một cơ sở rau muống bào nằm trên đường 162 xã Bình Mỹ do ông G. (ngụ tỉnh Ninh Bình) làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, bên trong cơ sở vẫn đang hoạt động, nhưng khi phát hiện đoàn đến, các công nhân đã đổ hết các chậu, thau ngâm rau muống bào. Tuy nhiên, tại đây Đoàn kiểm tra phát hiện nhiều vệt nước màu xanh và một chai nhựa bên trong còn một ít chất lỏng màu xanh. Đồng thời, lực lượng chức năng thu giữ hơn 300 kg rau muống bào đã đóng gói. Các bao rau muống này chảy nhiều nước màu xanh.
Qua làm việc, ông G. khai ông không biết chữ, không biết chất màu xanh đang sử dụng là chất gì, không biết mua ở đâu, chỉ thấy người khác dùng nên dùng theo. Lực lượng chức năng yêu cầu cung cấp số điện thoại, tên người bán thì ông G. có ghi nhiều số điện thoại nhưng không liên lạc được. Ông G. cũng không cung cấp được bất kỳ giấy tờ liên quan đến hoạt động kinh doanh, cũng như giấy phép đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.
Sau đó, đoàn đã lập biên bản, lấy mẫu rau muống và chất lỏng màu xanh để xét nghiệm, tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật. Đoàn đã tiêu hủy hơn 300 kg rau muống bào nghi vi phạm. Đến 20 giờ 30 cùng ngày, đoàn kết thúc buổi kiểm tra và yêu cầu ông G. cam kết không tái phạm. Hiện, vụ việc đang được tiếp tục làm rõ.
Khoảng 21 giờ 30 cùng ngày, Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm H.Hóc Môn và Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm TP.Thủ Đức cũng đã tiến hành kiểm tra các cơ sở bắp chuối không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà Báo Thanh Niên cung cấp thông tin.
Theo một cán bộ trong đoàn kiểm tra, đoàn sẽ tiếp tục kiểm tra các cơ sở có dấu hiệu vi phạm còn lại mà Báo Thanh Niên cung cấp thông tin, chứng cứ.
(còn tiếp)
Bình luận (0)