Việt Nam đi trước WTO hai lần?
Sau khi nghe phần trình bày của ông Hồ Đức Việt, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) lập tức đề nghị Quốc hội bỏ phần IV quy định quyền đối với giống cây trồng. Ông Trân nhận định: "Tôi nghĩ trong lĩnh vực này chúng ta đang "cầm đèn chạy trước ô tô", đi trước AFTA, đi trước WTO hai lần. Trong khi đó, quy định về thực chất rất bất lợi cho nông dân bởi nếu nội hàm quan trọng nhất của quy định này là cấm nông dân không được trao đổi giống được bảo hộ, các đồng chí cứ tưởng tượng một nền nông nghiệp lạc hậu như chúng ta mà cấm nông dân không được trao đổi giống với nhau thì cái gì sẽ xảy ra? Đây là quy định làm hại quyền lợi của những nước đang phát triển, nhất là những nước nông nghiệp".
Buổi chiều 26/10, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình về Luật Giao dịch điện tử. Sau khi nghe báo cáo, đại biểu Đỗ Trung Tá (Bắc Giang) có đề xuất thay đổi quy định của điều 40: khuyến khích cơ quan Nhà nước trong phạm vi quyền hạn của mình có quyền chủ động thực hiện một phần hoặc toàn bộ các giao dịch với các cơ quan bằng giao dịch điện tử với một quy định mạnh mẽ hơn. Ông Tá nói: "Theo chúng tôi, để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước, cần có quyết tâm cao hơn nữa thể hiện bằng việc bắt buộc các cơ quan Nhà nước có đủ điều kiện kinh tế - kỹ thuật phải thi hành giao dịch điện tử. Đây cũng là giải pháp đưa công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hiện tiết kiệm chống lãng phí". Buổi thảo luận chỉ nhận được một ý kiến đề xuất sửa đổi duy nhất của đại biểu Đỗ Trung Tá.
Tán thành với đại biểu Trân, nhà nông học Vũ Tuyên Hoàng (đại biểu Quảng Nam) nói thêm: "Mặc dù tôi là người chọn giống cây trồng nhưng đọc đi đọc lại luật mà vẫn thấy khó hiểu, lủng củng quá". Ông Hoàng cũng nhắc lại việc nhân giống cây trồng tại Việt Nam diễn ra rất nhanh vì nông dân được truyền giống cho nhau và phát triển, và ông bình luận: "Bây giờ, theo cách lấy nguyên của nước ngoài cho vào Việt Nam thì không phù hợp. Phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của nước ta để lấy quyền lợi của người nông dân làm gốc".
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Minh (An Giang) lại không đồng tình với ý tưởng "bảo vệ” nông dân bằng cách cho "nhân giống cây trồng tự do". Bà Minh nhận xét: "Hiện nay, giống cây trồng của chúng ta không thể cạnh tranh và so sánh với bất cứ nước nào trên thế giới, ngay cả giống trái cây, Việt Nam cũng phải nhập từ Thái Lan. Nếu chúng ta không có những quy định để khuyến khích sáng tạo trong lĩnh vực giống cây trồng thì nền nông nghiệp sẽ rất khó phát triển". Tuy nhiên, bà Minh đề nghị thêm vào điều 99 quy định về điều kiện chuyển giao bắt buộc trong trường hợp giống cây trồng đó có liên quan đến cuộc sống của số đông những người sử dụng.
Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Hoàng Văn Phong giải trình: "Hiện nay, chúng ta chưa có một cơ chế để bảo hộ, lo toan cho các nhà tạo giống, trong đó có các nhà khoa học. Chính vì không có được sự lo toan của xã hội nên làm giảm sức mạnh của nền nông nghiệp và làm giảm chất lượng các giống cây trồng, các sản phẩm nông nghiệp do chúng ta tạo ra. Làm luật phải tính tới điều này. Bên cạnh đó, chúng ta phải hội nhập mà hội nhập thì phải tuân thủ các công ước quốc tế mà chúng ta tham gia. Vấn đề đặt ra là tuân thủ tới mức độ nào".
Chẳng lẽ mỗi ngày phải trả tiền bản quyền cho bài Quốc ca ?
Đại biểu Quốc hội Mai Anh (tỉnh Khánh Hòa) phát biểu ý kiến - (ảnh: TTXVN)
Tham gia góp ý nhiều lần vào dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ nhưng đại biểu Phạm Quang Nghị - Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin vẫn tỏ ra không hài lòng về những sửa đổi. Ông Nghị phát biểu: "Quy định về đài truyền hình, phát thanh phải trả tiền bản quyền tác giả khi phát sóng những chương trình thương mại nhưng tôi thấy điều này không hợp lý. Truyền hình của chúng ta là cơ quan sự nghiệp công ích, người dân được thu chương trình không phải trả tiền và đây là điều Việt Nam khác với thế giới. Nếu phải trả tiền thì đơn vị tổ chức chương trình ấy phải trả tiền cho tác giả chứ tôi chưa thể hình dung được truyền hình sẽ ngồi tính toán như thế nào về thời gian, bài hát... để trả tiền cho ai. Chúng ta quy định như thế này là giống thế giới nhưng cơ chế của chúng ta khác, du nhập những nội dung, điều khoản đó vào nước ta đôi khi không có lợi".
Tuy nhiên, đại biểu Vũ Văn Hiến (Hậu Giang) cũng là Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam lại phát biểu: "Chúng ta đã thực hiện quyền sở hữu trí tuệ thì nên triệt để, bất kỳ mục đích gì cũng phải trả cho tác giả. Vì mục đích của người phát sóng là quyền của anh, tôi là tác giả thì tôi phải có quyền lợi và lợi ích kinh tế khi sử dụng tác phẩm của tôi".
Không đồng tình với ý kiến của ông Hiến, đại biểu Vũ Văn Hiền (Yên Bái) cũng là Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam phát biểu: "Thứ nhất, phát sóng phát thanh một chương trình thì tôi chỉ trả tiền bản quyền tác giả một lần và chương trình phát thanh đó thuộc sở hữu của chúng tôi, khi phát lại chúng tôi không phải trả tiền nữa. Thứ hai, khi tái bản một quyển sách thì phải trả tiền tác giả vì anh in và bán để lấy tiền còn chúng tôi khi phát thanh là để phục vụ công chúng, không thu tiền. Nếu lần phát nào cũng phải trả tiền bản quyền tác giả thì mỗi ngày đài phát bao nhiêu lần bản Quốc ca thì phải trả tiền như thế nào cho ông Văn Cao ?".
Hoàng Ly
Bình luận (0)