Lợi ích đa chiều của thuế hỗn hợp
Theo các chuyên gia, việc áp dụng cơ chế thuế hỗn hợp mang lại nhiều lợi ích đa chiều, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước so với chỉ áp dụng thuế tỷ lệ. Ngoài ra, việc áp dụng thuế hỗn hợp và tăng thuế suất theo yếu tố thuế tuyệt đối sẽ giúp tăng giá thuốc lá một cách ổn định, không phụ thuộc vào biến động giá cả thị trường.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng thành công cơ chế thuế hỗn hợp và đạt được những kết quả tích cực. Ví dụ tại Philippines và Thái Lan, việc áp dụng thuế hỗn hợp đối với thuốc lá đã đạt mục tiêu làm tăng giá sản phẩm, từ đó tạo ra tác động thay đổi hành vi của người tiêu dùng, góp phần giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở nhóm người có thu nhập thấp và thanh thiếu niên, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do thuốc lá gây ra.
Cân nhắc lộ trình tăng thuế phù hợp để doanh nghiệp kịp thích ứng
Việc giảm tiêu thụ thuốc lá là mục tiêu chính của chính sách tăng thuế, tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến nghị, việc quyết định về lộ trình tăng thuế cũng cần phải xem xét đến nhiều yếu tố liên quan khác, như ổn định thị trường tránh gây sốc cho người tiêu dùng, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách và đặc biệt là hạn chế tình trạng buôn lậu do chênh lệch giá bán.
Tại dự thảo Luật Thuế TTĐB sửa đổi đã được Bộ Tài chính lấy ý kiến hoàn thiện, 2 phương án áp thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá được Ban soạn thảo đề xuất bao gồm: Phương án 1: áp dụng mức thuế tuyệt đối từ mức 2.000 đồng/bao từ năm 2026, mỗi năm tăng 2.000 đồng/bao để đạt mức tăng 10.000 đồng/bao vào năm 2030; Phương án 2: áp dụng mức thuế tuyệt đối từ mức 5.000 đồng/bao từ năm 2026, mỗi năm tăng 1.000 đồng/bao để đạt mức tăng 10.000 đồng/bao vào năm 2030. Bộ Tài chính hiện đang nghiêng về phương án 2.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc tăng thuế "sốc" và liên tục không những không đảm bảo tăng thu ngân sách nhà nước mà còn có thể gây ra những hệ lụy tiêu cực tới nền kinh tế, thu ngân sách và hàng loạt các ảnh hưởng về mặt xã hội. Chẳng hạn bài học từ Đức trong giai đoạn 2002-2005 đã chỉ ra rằng, với chính sách tăng thuế TTĐB lên tới 50% của Chính phủ trong vòng 4 năm, khiến nguồn thu từ thuế TTĐB thậm chí còn giảm sút trong những năm tiếp theo do sự gia tăng mạnh mẽ của thuốc lá lậu. Hay như Malaysia tăng thuế TTĐB 37% vào năm 2015 khiến lượng tiêu thụ thuốc lá lậu của nước này đã tăng gần 40% trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2022. Điều này cho thấy việc tăng thuế quá nhanh và quá cao có thể phản tác dụng. Chính vì thế, một lộ trình tăng thuế phù hợp với mức tăng dần dự đoán được sẽ cân bằng được cả hai mục tiêu tài chính và y tế, đồng thời đi kèm với các biện pháp kiểm soát thị trường thuốc lá lậu là giải pháp hiệu quả.
Chia sẻ về mối liên hệ giữa việc phòng, chống thuốc lá lậu và chính sách thuế, tại Hội thảo do Viện Chiến lược chính sách Bộ Tài chính phối hợp với Hiệp hội tư vấn Thuế Việt Nam tổ chức ngày 16.7.2024, ông Kiều Dương - Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết, mục đích việc tăng thuế TTĐB là nhằm điều tiết hành vi người tiêu dùng và tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, khi thuế đối với sản phẩm thuốc lá hợp pháp tăng đột ngột khiến giá bán tăng cao sẽ đẩy người tiêu dùng tìm đến thuốc lá lậu, gây thất thu cho Nhà nước.
"Trong bối cảnh công tác phòng, chống thuốc lá nhập lậu vẫn đang diễn biến phức tạp, chính sách thuế đối với thuốc lá hợp pháp cần được nghiên cứu, điều chỉnh một cách khoa học, hợp lý để làm suy giảm động lực của những người tham gia buôn lậu, khuyến khích doanh nghiệp đầu nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời bảo đảm mục tiêu chung phòng, chống tác hại của thuốc lá", ông Kiều Dương góp ý.
Trước đó, tại Hội thảo "Góp ý hoàn thiện Luật Thuế TTĐB (sửa đổi)" vào ngày 11.7.2024, ông Nguyễn Chí Nhân - Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) cũng có nhận định tương đồng khi cho rằng việc áp dụng mức thuế suất thuế tuyệt đối cao từ đầu, tăng cao và tăng liên tục qua mỗi năm có thể mang đến mức thu thuế TTĐB rất lớn nhưng sẽ giảm dần khi sản lượng giảm, theo đó, giảm nguồn thu từ thuế TTĐB cho ngân sách nhà nước đến năm 2029-2030 chứ không thể đạt như như mức mong muốn của Bộ Tài chính.
Đại diện VTA đề xuất tăng 1.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng 500 đồng/năm hoặc 1.000 đồng/bao mỗi 2 năm vào những năm tiếp theo và đến năm 2030 là 3.000 đồng/bao. Mức tăng này giúp doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh và thích nghi, giảm ảnh hưởng tiêu cực cho doanh nghiệp và người lao động trong chuỗi giá trị ngành thuốc lá, đồng thời hạn chế sự tăng trưởng của thuốc lá lậu. Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước vẫn được đảm bảo cũng như tỷ lệ người hút thuốc lá sẽ giảm xuống theo mục tiêu giảm tiêu thụ của chính sách quốc gia.
Bình luận (0)