Thành viên các đoàn tham dự SEA Games 26 ở Jakarta, Indonesia đang đối mặt với nạn kẹt xe tại đô thị có mật độ dân cư xếp thứ 9 thế giới.
Ngày đầu đến Jakarta, chúng tôi choáng ngợp bởi hình ảnh những đoàn xe nối dài nhiều cây số, chen chúc nhau trên các đường phố. Cơ man nào là xe, đủ các kiểu, các loại nhưng nhiều nhất vẫn là xe 4 chỗ. Theo thống kê của Sở Cảnh sát Jakarta năm 2010, thủ đô Indonesia có gần 2,5 triệu ô tô cá nhân, đó là chưa kể xe của các tổ chức, ban ngành. Lượng xe ô tô ở đây liên tục phát triển trong khi hệ thống đường sá không đủ đáp ứng: Jakarta chưa hoàn thiện các dự án tàu điện trên không, xe điện ngầm. Bất kể ngày lễ hay cuối tuần, mỗi ngày ở Jakarta luôn kẹt xe từ 6 - 8 giờ đồng hồ. Tốc di chuyển trung bình của ô tô ở nội thành chưa tới 20 km/giờ đã khiến người dân phải mất rất nhiều thời gian để đi từ nhà đến nơi làm việc và ngược lại. Trên đường từ sân bay Jakarta về khách sạn, bác tài taxi dặn đi dặn lại chúng tôi là muốn đi đâu phải đi sớm từ 1 - 2 tiếng đồng hồ, nếu không sẽ trễ việc.
Để săn HCV đầu tiên của thể thao VN ở SEA Games 26, cánh phóng viên VN đã linh động thuê một xe ô tô 30 chỗ ngồi để di chuyển đến địa điểm thi đấu. Phương án này nhằm đối phó nạn kẹt xe và tránh bị lạc đường, do địa điểm thi đấu môn canoeing cách Jakarta gần 60 km. |
Do nạn kẹt xe quá nghiêm trọng nên ở Jakarta có quy định: những xe ô tô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm, trên xe phải có từ 3 người trở lên. Thế nên, quanh sân Bung Karno có rất nhiều người hành nghề “cho thuê người”. Nếu xe nào chỉ mới có 1 người trên xe thì chủ xe phải thuê thêm 2 người để đủ tiêu chuẩn vào trung tâm, nếu không sẽ bị phạt rất nặng. Nạn kẹt xe này vô tình giúp một số người thất nghiệp ở Jakarta có công ăn việc làm, bởi mỗi lần bước lên ô tô, họ được trả 20.000 rupiah (gần 50.000 đồng).
Sáng đầu tiên, thức dậy lúc 5 giờ, nhìn từ cửa kính khách sạn Win xuống đường Panglima Polim Raya đã thấy từng đoàn xe nối đuôi nhau dài dằng dặc. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn chọn phương án di chuyển bằng taxi cho an toàn. Thế nhưng khi bác tài nhích từng mét một trên đường phố, chúng tôi bắt đầu cảm thấy sốt ruột bởi sân tập của đội U.23 VN chỉ cách chỗ chúng tôi chừng 5 km, nhưng đã hơn 40 phút di chuyển vẫn chưa tới nơi. Chính vì thế, những lúc cần phải di chuyển nhanh, cánh phóng viên VN và Thái Lan thường chọn phương án đi xe ôm (tiếng địa phương là Ojek). Khổ nỗi, Jakarta không quy định làn xe riêng cho xe gắn máy, nên các anh lái Ojek cứ lạng qua, lách về khiến khách thập phương luôn cảm thấy bất an khi ngồi phía sau.
Sau khi nghiên cứu kỹ đường sá ở Jakarta, tìm kiếm trên Google Map lộ trình đi từ khách sạn đến các điểm thi đấu, chúng tôi đánh bạo nhờ anh Arum, tiếp tân khách sạn thuê giúp xe gắn máy để chủ động trong việc đi lại. Tuy nhiên, đến lúc nhận xe, chủ xe phát hiện chúng tôi không có bằng lái xe hai bánh ở Indonesia nên từ chối.
Thế là một số phóng viên VN phải tìm cách di chuyển khác. Mò mẫm đến các bến xe buýt để tìm hiểu lộ trình và nghiên cứu bản đồ xe buýt ở Jakarta, chúng tôi phát hiện ra việc di chuyển bằng xe buýt là phương án tối ưu nhất. Bởi tuyến xe buýt chất lượng cao được trang bị máy lạnh, lại được ưu tiên chạy ở một làn riêng nên các bác tài cứ vô tư phóng vù vù trên đường phố tấp nập. Tuy nhiên, do vé xe buýt chất lượng cao khá đắt, nên phần đông dân nghèo ở Indonesia vẫn di chuyển bằng những xe buýt tồi tàn, cũ kỹ, chật chội.
Nói về việc di chuyển ở Jakarta, HLV Falko Goetz rất kỹ tính khi từ khách sạn Sultan ra sân Lepak Bulus chỉ khoảng 10 km, nhưng lúc nào ông cũng yêu cầu toàn đội đi trước 2 tiếng đồng hồ. Trưởng đoàn thể thao VN Lâm Quang Thành cũng đã căn dặn rất kỹ các đoàn thể thao VN ở Jakarta phải luôn di chuyển sớm, trừ hao thời gian kẹt xe để không ảnh hưởng đến giờ giấc thi đấu và tập luyện tại SEA Games lần này.
Quang Huy
Bình luận (0)