Thuế, phí chiếm 40% lợi nhuận doanh nghiệp

28/05/2016 08:24 GMT+7

Đó là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo chuyên đề thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 27.5.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Nghị quyết 35 được Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà nhấn mạnh là yêu cầu làm rõ câu chuyện gia tăng các chi phí đối với doanh nghiệp (DN).
Theo Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) Phạm Thị Thu Hằng, bên cạnh các chi phí không chính thức ngày một cao thì các khoản thuế, phí cũng đang có xu hướng quay trở lại sau một vài năm giảm xuống. “Hiện các loại thuế phí chính thức chiếm khoảng 40% lợi nhuận của DN. Đây là một tỷ lệ khá cao so với các nước trong khu vực”, bà Hằng nói và giải thích thêm dù một số sắc thuế đã hạ xuống trong 2 - 3 năm qua nhưng ở nhiều lĩnh vực, DN sau khi tính toán lại thì thấy số tiền tuyệt đối nộp cho cơ quan thuế vẫn tăng lên. Đặc biệt như tiền sử dụng đất, có công ty kêu tăng gấp 5 lần khiến họ không thể chịu đựng được.
Chia sẻ câu chuyện bức xúc về phí giao thông thời gian gần đây, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông nêu quan điểm ngoài tiền vốn thì số người sử dụng dịch vụ, lưu lượng xe cũng nên được giám sát, công khai bởi đây là loại phí ảnh hưởng đến “từng mớ rau, cân gạo của mỗi gia đình”. “Như củ đậu quê tôi chỉ có 5.000 đồng/kg, vậy mà khi đi 120 km lên Hà Nội giá đã gấp 10 lần. Tất nhiên không phải tất cả đều là chi phí giao thông nhưng không thể phủ nhận phí này ảnh hưởng không nhỏ”, ông Đông dẫn chứng.
Ông Lê Mạnh Hà cho biết Chính phủ nhận thấy gánh nặng chi phí lên vai DN đang trở thành vấn đề rất nhức nhối và phí BOT giao thông là điển hình. Dẫn câu chuyện nghi vấn khuất tất trong thu phí tại một tuyến đường BOT mới đây, ông Hà cho hay nhà đầu tư nói mỗi ngày thu 1 tỉ đồng phí nhưng dư luận đặt nghi vấn có thể lên đến 3 - 4 tỉ đồng thì quá chênh lệch. Vì vậy, theo ông Hà, nếu dùng phần mềm thu phí không dừng, được xây dựng một cách độc lập thì sẽ cho số liệu chính xác. Khi ấy, nhà đầu tư không thể “ăn gian” còn người dân cũng có cơ sở để biết được DN được thu bao lâu là hợp lý.
Một nội dung được quan tâm nhiều tại buổi họp báo là quy định mỗi năm chỉ được thanh tra DN một lần. “Chúng tôi đặt ra quy định vậy là để hạn chế lạm dụng quyền lực, làm khó DN vì có nhiều thông tin rằng các đoàn thanh tra cứ ra rồi lại vào. Điều này chứng tỏ cơ quan thanh tra không nghiêm túc, không đi đến tận cùng vấn đề mới có chuyện đi đến thường xuyên”, ông Đông nói và khẳng định sẽ theo thông lệ quốc tế là lập các đoàn kiểm tra liên ngành gồm thuế, hải quan, môi trường, quản lý thị trường.
Đại diện VCCI thông tin thêm, các DN phản ánh tình trạng thanh tra chồng chéo chủ yếu diễn ra ở cấp địa phương. Do vậy, Nghị quyết 35 đưa ra điểm mới này là muốn đề cao vai trò của UBND cấp tỉnh, thành phố trong việc lập kế hoạch thanh kiểm tra để tránh mất thời gian cho DN.
Trước lo ngại quy định này sẽ khiến DN “giở trò” sau khi thanh tra, ông Hà nói, nếu nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm thì cơ quan quản lý còn có công cụ kiểm tra bất ngờ mà không phải lên kế hoạch trước. “Tuy nhiên, nhà nước cũng cần đặt niềm tin vào DN, chứ không phải có 500.000 DN thì phải kiểm tra tất cả. Nghĩa vụ của nhà nước là phải phân loại được, chứ DN không vi phạm mà cứ đến thường xuyên thì không nên”, ông Hà chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.