Cần tăng giảm trừ gia cảnh lên 20 triệu đồng/tháng
Từ ngày 1.4, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện điều tra lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu để làm căn cứ xây dựng các nội dung về lương tối thiểu vùng năm 2023 và các chính sách liên quan. Dự kiến, mức lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh tăng trong năm sau vì do tác động của dịch Covid-19, Chính phủ không điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2021. Hiện lương tối thiểu đang được áp dụng theo 4 vùng với mức từ 3,07 triệu đồng/tháng đến 4,42 triệu đồng/tháng. Đáng chú ý, nếu lương tăng mà thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vẫn duy trì như hiện nay thì nhiều người sẽ phải đóng thuế nhiều hơn.
Người làm công ăn lương phải đóng thuế thu nhập quá cao |
Đào Ngọc Thạch |
Lấy ví dụ trường hợp của mình, anh Hoàng Nhân (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) lắc đầu cho biết, do sức khỏe yếu nên từ sau khi sinh con, vợ anh đã ở nhà lo nội trợ. Với thu nhập mỗi tháng 33 triệu đồng, anh Nhân chỉ được giảm trừ gia cảnh cho bản thân mình và 1 con, còn vợ anh không được xem là người phụ thuộc vì vẫn còn tuổi lao động. Trừ đi các loại bảo hiểm khoảng 3,1 triệu đồng, mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) của 2 người là 15,4 triệu đồng (người nộp thuế trừ 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc trừ 4,4 triệu đồng/tháng - PV). Thu nhập tính thuế của anh Nhân sau khi được giảm trừ là 14,5 triệu đồng nên số thuế phải đóng là 1,2 triệu đồng/tháng. Anh Nhân cho biết bình thường không để ý đến số thuế phải nộp nhưng nay nhìn lại thì một năm tổng cộng cũng gần 15 triệu đồng là không ít. Với số tiền còn lại chưa đến 30 triệu đồng cho 3 người ở TP.HCM, từ thuê nhà, ăn uống, học hành, xăng xe đi lại, điện nước… phải tính toán rất kỹ mới đủ. “Gần đây vật giá leo thang khiến vợ chồng tôi phải đau đầu hơn mà vẫn không thể nào tiết kiệm được để mong mua nhà”, anh Nhân chia sẻ và dẫn chứng, giá xăng tháng 3 ở mức sát 30.000 đồng/lít, tăng 10.000 đồng/lít so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái, tăng 32%; giá bình gas 12 kg hiện khoảng 500.000 đồng, tăng 100.000 đồng/bình so với năm ngoái, tăng 25%... Đó là chưa kể mới đây cả gia đình anh bị nhiễm Covid-19, chi phí cho thuốc, kit test, nước muối, đồ ăn để bồi bổ, các loại vitamin cũng ngốn đến mấy triệu đồng trong vòng 1 tuần…
Theo luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, 2 năm nay mức lương tối thiểu vùng không điều chỉnh, nếu không càng gây thêm áp lực đối với người làm công ăn lương trong việc đóng thuế. Năm 2007, khi luật Thuế TNCN bắt đầu được áp dụng, lạm phát trong nước luôn ở mức cao từ 6,6 - 12,6%/năm. Còn những năm gần đây chỉ số CPI tăng dưới 4% nên theo quy định phải sau 5 năm (lạm phát từ 20% trở lên mới điều chỉnh mức GTGC) mức GTGC mới thay đổi khiến người nộp thuế quá thiệt thòi. Trong năm 2020, mức GTGC từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng là tính cho những năm trước đó mức lạm phát tăng quá 20% chứ không phải là hỗ trợ cho người nộp thuế TNCN trong thời điểm dịch Covid-19. Trong 2 năm dịch Covid-19 bùng phát đến nay, người nộp thuế TNCN chưa có bất kỳ sự hỗ trợ nào. Luật sư Trần Xoa cho rằng biện pháp hỗ trợ nhanh nhất hiện nay là ban hành nghị quyết tăng mức GTGC lên 20 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và người phụ thuộc lên 8 triệu đồng/tháng. Hoặc giảm thuế TNCN phải nộp khoảng 30% như đã áp dụng cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Việc giảm thuế này sẽ giúp sức tiêu dùng trong nước tăng lên, từ đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thuế cào bằng, bất công cho người nộp
Theo quy định hiện hành, có 10 khoản thu nhập thuộc diện chịu thuế TNCN với các mức thuế suất và cách tính khác nhau, trong đó duy nhất thu nhập từ tiền lương, tiền công áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần (thuế suất 5 - 35%), còn các khoản thu nhập khác áp dụng theo thuế suất toàn phần. Bộ Tài chính đang lấy ý kiến để sửa đổi luật Thuế TNCN cũng cho rằng có ý kiến phản ánh biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành là không hợp lý, dẫn đến nhiều vướng mắc.
Nên còn 3 bậc thuế
Luật sư Trương Thanh Đức phân tích: Trước đây thuế thu nhập doanh nghiệp đã từng lên đến hơn 50%, bây giờ giảm xuống 18 - 20%. Thuế TNCN hiện tại thì đối với người có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng (sau khi khấu trừ) thu 15% là quá cao. Vì vậy, nên giảm 7 bậc thuế như hiện nay xuống chỉ còn 3 bậc thuế: Bậc thấp (người thu nhập dưới 30 triệu đồng), bậc trung bình (trên 30 - 100 triệu đồng) và bậc cao (trên 100 triệu đồng). Trong đó, bậc thấp chỉ thu thuế mức 5%, bậc trung bình 10%, bậc cao 20%. Tốt hơn cả là thuế suất thấp nhất chỉ là 2% để mọi người không cảm thấy nộp thuế là gánh nặng.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, phân tích về nguyên tắc, nhà nước phải đánh thuế đối với mọi khoản và mọi mức thu nhập. Để đơn giản khi thực hiện thì nhà nước loại trừ bớt số phải nộp ở mức thấp, do đó mới có mức GTGC. Tuy nhiên, mức GTGC lại không dựa vào mức sống tối thiểu, không dựa vào thu nhập bình quân đầu người, cũng chẳng căn cứ vào mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu theo vùng. Nếu căn cứ vào mức sống hay mức lương tối thiểu thì mức GTGC là quá cao. Còn nếu tính hợp lý thì phải tính giảm trừ kết hợp giữa 2 tiêu chí, khấu trừ cố định tối thiểu và khấu trừ một số nhu cầu chi tiêu bắt buộc có hóa đơn, chứng từ hợp lý. Ví dụ, một người tuy thu nhập khá cao, nhưng sống vẫn khó khăn do phải chi phí cho học hành, bệnh tật, thuê nhà ở, mà vẫn phải nộp thuế nhiều hơn người có thu nhập thấp hơn thì điều đó là quá bất công. Vì vậy, cần có quan điểm cải cách, thay đổi cơ bản luật Thuế TNCN cho hợp lý, công bằng hơn. Cần cải cách thuế suất, bậc thuế và giảm trừ cái gì để cho ra số tiền phải nộp thuế. Điều đó quan trọng hơn là chỉ loay hoay tính mức khởi điểm phải nộp thuế và GTGC.
Chẳng hạn, mức thuế suất bậc 1 cần ở mức khá nhẹ nhàng, để người nộp thuế không phải “tính đếm” đến khoản thuế phải nộp và không tìm cách gian lận thuế. Hay khoảng cách giữa các bậc thuế không nên quá ngắn như hiện tại. Khoảng cách mức thuế phải nộp giữa bậc thấp nhất và cao nhất với thuế suất 35% cũng chỉ là 16 lần. Trong khi ở Trung Quốc, khoảng cách này là 200 lần, Malaysia là 100 lần, Thái Lan là 50 lần…
Bình luận (0)